Thứ Sáu, 26/03/2021, 09:30 (GMT+7)
.

Thành đoàn Mỹ Tho nhớ một thời hào hùng

Ôn lại những năm tháng thành lập và hoạt động của Thành đoàn Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) chúng ta không thể nào quên em Lê, tức em Mạnh, con của chú Tám xích lô ở khu vực phường 5, gần trại hòm của bác Năm Nồi.

Nhà Lê rất nghèo, nói là nhà nhưng là một mái tôn lụp xụp, ba, mẹ, các em của Lê ăn, ngủ cạnh những ngôi mộ đan xen. Hoạt động trong lực lượng thanh niên công nhân bị lộ, em thoát ly ra vùng căn cứ của Thành đoàn, nói là căn cứ nhưng không xa đồn bót địch, xa quốc lộ tới một cây số đường chim bay. Ở căn cứ, Lê được đi học 1 tháng về chế tạo mìn định giờ, mìn trái. Ngoài việc sản xuất vũ khí để biệt động Thành đoàn đánh nhiều trận kinh hoàng bọn sĩ quan và Mỹ, như trận khách sạn Minh Cảnh, bar Việt Hải; em còn kiêm luôn nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Thành đoàn.

Nhiệm vụ nào em cũng đều hoàn thành xuất sắc. Dù công việc rất cực nhọc, nhưng không lúc nào Lê quên mẹ, quên em. Lê chẻ trúc (tre) đương rế để nồi cho mẹ, rổ lớn rổ nhỏ rửa rau, lược dừa. Lê đương rất kỹ, rất đẹp, cật tre Lê chuốt rất bong mỏng, hơ lại lửa, nức vành rất chắc cho mẹ xài bền. Ngày Trung thu, năm nào em cũng làm đèn ngôi sao bằng trúc, gửi mua giấy kiếng màu, khuấy hồ dán thật kỹ rồi gửi cho các chị đi ra Mỹ Tho đem đến em của Lê. Lê là một cán bộ năng nổ, tích cực, hiền lành, dễ thương. Lê hy sinh trong một trận càn của địch vào xã Long Hưng, huyện Châu Thành.

Đồng chí Nguyễn Thị Hoài Thu (thứ 6 hàng đầu từ phải qua) tại buổi Họp mặt truyền thống Thành đoàn Mỹ Tho tháng 4-2019. Ảnh: ĐỖ PHI
Đồng chí Nguyễn Thị Hoài Thu (thứ 6 hàng đầu từ phải qua) tại buổi Họp mặt truyền thống Thành đoàn Mỹ Tho tháng 4-2019. Ảnh: ĐỖ PHI

Đồng chí Bé Sáu và Bé Bảy ở rạch Hào, ấp Mỹ, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành  về Thành đoàn từ khi gia đình đồng chí nuôi chứa, bảo vệ các đồng chí trong Thành ủy: Chín Thảo, Út Thơm, Năm Thanh… Ở Thành đoàn Mỹ Tho, trừ các đồng chí lãnh đạo trong Ban Thường vụ và các đồng chí hoạt động trong nội thành, số anh em bị lộ về cứ thì khó phân biệt ai là cán bộ, ai là nhân viên, bởi vì ai cũng phải làm bất cứ việc gì của Đoàn nhằm phục vụ mục đích nội ô, mục tiêu ở nội ô, đối tượng vận động của Thành đoàn là thanh niên nội ô.

Không thể nào quên một Bé Sáu mà không bé so với khổ người cao to, cắt tóc “cua”, vai đeo súng trường, ba lô và thùng đạn, chẳng khác nào du kích, nhưng đồng chí là cán bộ Thành đoàn. Đồng chí hy sinh trong một trận càn lớn của địch vào xã Đạo Thạnh. Còn Bé Bảy, em bị Mỹ bắt đưa lên trực thăng chở đi mất sau khi chúng bắn em bị thương trong một trận càn quét vào xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, khi cơ quan Thành đoàn Mỹ Tho vừa dời cứ qua tỉnh Bến Tre.

Em Kiệt, tên thật là Hoàng, quê xã Song Thuận, hoạt động trong phong trào học sinh ở Trường Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho); khi bị lộ, em thoát ly ra căn cứ Thành đoàn đóng ở Bình Trưng. Là học sinh chưa quen “chân lấm tay bùn”, nhưng khi đã “thoát ly” ra căn cứ, Kiệt làm rất nhiều việc, trong đó có việc mang thư qua Thành ủy vào mùa mưa lầy lội, đường trơn, cầu trôi, nhiều lúc phải lội qua sông.

Kiệt nói với tôi “Chị ơi, đường qua Bàn Long ngán như ăn canh chuối”. Ăn canh chuối thật ngán, đúng rồi vì chúng tôi đâu có tiền, sinh hoạt phí chỉ đủ để mua mắm muối, gia vị; còn thức ăn do anh em đi xúc tép về và bẻ mấy trái chuối xiêm sống của bà con bỏ vườn hoang vì bom đạn suốt ngày đêm nấu canh ăn hằng ngày. Canh chuối ăn vừa trơn dễ nuốt, vừa no bụng có thể giảm được cơm nhưng ăn hoài thì ngán thật.

Có lần đi đường gặp con rắn bò ngang qua, Kiệt nhanh chóng nắm lấy đuôi nó quay mấy vòng, con rắn bị giãn xương sống, không còn quay lại cắn được, thế là hôm ấy cả cơ quan được một bữa ăn tươi. Kiệt hy sinh vì đạn pháo, hôm ấy là một buổi chiều mưa, nước ngập vào tháng 10-1973, trong khi đang chuẩn bị cho Đại hội Thành đoàn, sau khi tôi đi dự Đại hội Đoàn miền Nam và Khu đoàn Trung Nam bộ khoảng tháng 7, tháng 8 năm ấy.

Đại biểu về dự Đại hội Thành đoàn phần đông là các đồng chí công tác ở nội ô. Để giữ gìn bí mật, nên không được biết mặt, biết tên nhau, vì vậy phải che mặt và ngăn cách. Chuẩn bị hậu cần cho Đại hội trong lúc mưa bão và luôn phải sẵn sàng dời địa điểm nếu bị địch phát hiện là vô cùng khó khăn.

Vừa được tin báo địch sắp đánh điểm thì địch cũng vừa cấp tập nã pháo vào nơi chúng tôi đóng quân. Hai quả cối 80 ly nổ liên tục vào một chỗ làm đồng chí Nguyễn Quốc, Chín Châu và tôi bị thương, còn Kiệt thì trúng một mảnh pháo xuyên thủng ba lô ghim sâu vào tim. Kiệt ngã gục trước mặt tôi. Những người bị thương được các đồng chí chuyển về dân y, trong đó bác sĩ Bền và y sĩ Nghĩa tận tình chăm sóc. Riêng đồng chí Quốc bị vết thương sọ não được các bác sĩ, y sĩ chăm lo chu đáo. Còn Kiệt, học sinh trắng trẻo, đẹp trai, dễ thương đã được bà con ở xã Dưỡng Điềm đưa về yên nghỉ.

Nhắc nhớ các đồng chí đã hy sinh, nhưng không thể không nhắc trường hợp sống sót kỳ diệu của đồng chí Quốc, ngoài việc tận tình chăm sóc vết thương sọ não của bác sĩ Bền, y sĩ Nghĩa và các y tá của dân y TP. Mỹ Tho, chúng tôi không quên cảm ơn anh Trịnh Văn Lai ở xã Nhị Bình, là một nhân tâm che giấu chúng tôi, còn liên hệ anh Tám Thanh, là y sĩ trong Quân đội ngụy quân làm việc tại Bệnh viện 3 dã chiến (địa điểm Bệnh viện Đa khoa trung tỉnh hiện nay) lấy cắp 5 ống thuốc chống phù não đưa anh Sáu Lai chuyển về dân y để điều trị não cho đồng chí Quốc.

Và còn các đồng đội khác đã ra đi trong thời kỳ Thành đoàn Mỹ Tho chống Mỹ - ngụy như: Đồng chí Tư quê ở Nhị Mỹ, đã hy sinh trong nội thành trong lúc tác nghiệp, chuẩn bị làm mìn tại chỗ cho một trận đánh mục tiêu quan trọng là bọn địch ác ôn. Còn trường hợp hy sinh của Lâm có khác hơn, bởi Lâm hy sinh khi đang trong hàng ngũ địch, mặc sắc phục của địch.

Lâm quê tỉnh Bến Tre, là lực lượng của Thành đoàn Mỹ Tho, được Ban Binh vận “xin” để bố trí vào lực lượng của địch, không may Lâm đã hy sinh ở “vùng 1 chiến thuật” - một vùng mà địch “đẩy” những binh sĩ của họ mà có đầu óc cách mạng hay có quê hương nhiều thành tích cách mạng. Người cuối cùng của cuộc chiến tranh ác liệt, đẫm máu chống đế quốc Mỹ ở cơ quan Thành đoàn Mỹ Tho là đồng chí Trần Văn Trầm, anh hoạt động trong một cánh của thanh niên công nhân, hy sinh vào sáng 30-4-1975.

Ôn lại những kỷ niệm đã qua, nhớ về những đồng chí đã nằm xuống vĩnh viễn trong lòng đất mẹ trước ngày nhìn thấy đất nước nở hoa 30-4-1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không ngoài mục đích là người còn sống không bao giờ chúng tôi quên những đồng chí đã hy sinh, hoặc đã mất sau chiến tranh và những đồng chí đang ốm đau, bệnh tật.

Chúng ta không thể lãng quên một thời hào hùng, một thời để nhớ! Và xin hãy đừng quên tuổi trẻ, đừng lãng phí tuổi xuân. Có những cái mất đi có thể tìm lại được, nhưng tuổi xuân qua đi thì không bao giờ trở lại, cũng như không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông.

NGUYỄN THỊ HOÀI THU
(Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng,
nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội)


 

.
.
.