Thứ Năm, 08/04/2021, 14:27 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả công vụ

(ABO) Năm 2020, Tiền Giang tiếp tục xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để xây dựng nền hành chính theo hướng hiện đại là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, hợp tác cùng phát triển hạ tầng mạng viễn thông CNTT, đào tạo nguồn nhân lực CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử, nền hành chính theo hướng hiện đại.
 
Đến nay, 100% cán bộ, công chức (CBCC) tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh được trang bị máy tính; 100% các sở, ban, ngành đã xây dựng hệ thống mạng nội bộ LAN, 100% máy tính của các đơn vị kết nối Internet đường truyền tốc độ cao. 100% cơ quan đều thực hiện tốt việc tiếp nhận và xử lý văn bản đi/đến trên phần mềm; 100% cơ quan thực hiện gửi nhận văn bản điện tử có ký số liên thông trên phần mềm. Đó là những con số ấn tượng của Tiền Giang trong ứng dụng CNTT vào thực hiện công vụ.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh trao Cờ thi đua cho 5 tập thể có thành tích trong thực hiện 2 chuyên đề thi đua CCHC và ứng dụng CNTT năm 2020.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao Cờ thi đua cho 5 tập thể có thành tích trong thực hiện 2 chuyên đề thi đua cải cách hành chính và ứng dụng CNTT năm 2020.
 
ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CNTT
 
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Kim Tuyến cho biết, việc ứng dụng chữ ký số tổ chức trong việc gửi, nhận văn bản điện tử khá tiện lợi. Sở Tài chính là 1 trong 5/19 đơn vị của tỉnh Tiền Giang đạt 100% văn bản được ký số đúng theo giá trị pháp lý.
 
Đối với phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh, có 100% cơ quan sử dụng phần mềm để tiếp nhận, xử lý và trả kết quả; 94,73% cơ quan thực hiện tốt việc cập nhật và xử lý hồ sơ trên phần mềm. So với năm 2019, số lượng hồ sơ trễ hẹn giảm; đồng thời, việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được thực hiện tương đối tốt, mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp tăng, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 càng ngày được cải thiện. 100% cơ quan đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến với tiêu chí 100% mức độ 2; 100% cơ quan đạt tiêu chí 70% mức độ 3 và 89,47% cơ quan đạt tiêu chí 40% mức độ 4.
 
Hạ tầng kỹ thuật CNTT tại các cơ quan cấp huyện có sự đầu tư đáp ứng việc triển khai ứng dụng CNTT phục vụ cho công việc chuyên môn của CBCC tại các cơ quan. Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Nguyễn Hồng Hữu cho biết, việc sử dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử từ cấp huyện đến cấp xã được bảo đảm thực hiện tốt, công tác trao đổi văn bản trong nội bộ của cơ quan và trao đổi văn bản giữa các cấp với nhau rất tiện lợi. UBND huyện đã triển khai đến các xã ứng dụng các phần mềm quản lý chuyên dụng, như: Phần mềm Kế toán, phần mềm Quản lý hộ tịch, phần mềm Bảo hiểm y tế; phần mềm Một cửa điện tử tập trung của tỉnh…
 
Các địa phương đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong CCHC.
Các địa phương đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính.
 
Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tiền Giang Võ Tấn Hiền: “Nhằm tăng cường hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), trong năm qua, tỉnh Tiền Giang thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường ứng dụng CNTT trong truyền thông, kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là đội ngũ tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp khuyến khích người dân nộp hồ sơ trực tuyến; kết hợp trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, giảm thời gian giải quyết hồ sơ, giảm cước phí dịch vụ chuyển phát hồ sơ…”.
 
NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIẢI QUYẾT TTHC
 
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, một trong những điểm nổi bật của nỗ lực CCHC năm 2020 phải kể đến là việc tiếp tục kiện toàn Trung tâm Hành chính công tỉnh Tiền Giang và bộ phận một cửa các cấp đảm bảo hoạt động hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Trung tâm Hành chính công tỉnh Tiền Giang đảm bảo hoạt động tiếp nhận, luân chuyển, xử lý hồ sơ thông suốt, hiệu quả. Tỉnh nỗ lực nâng cấp Cổng dịch vụ trực tuyến đảm bảo các yêu cầu quy định. Thống nhất triển khai cổng dịch vụ công đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã; tích hợp, đồng bộ Cổng dịch vụ công quốc gia.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Võ Văn Nhanh cho biết, hằng năm, cơ quan chú trọng nâng cấp và trang bị cho bộ phận một cửa cấp huyện và cấp xã, nơi tiếp công dân những trang thiết bị mới cần thiết để bảo đảm đủ điều kiện làm việc, tạo điều kiện cho CBCC trao đổi, xử lý công việc phục vụ bộ phận một cửa và tạo môi trường gần gũi, thân thiện cho nhân dân khi đến thực hiện giao dịch hành chính tại cơ quan. 
 
Công tác quản lý, điều hành có nhiều chuyển biến tích cực. Lãnh đạo các đơn vị luôn quan tâm chỉ đạo, điều hành đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Các phần mềm ứng dụng theo từng chuyên ngành mới được đưa vào sử dụng có hiệu quả tại các bộ phận chuyên môn và tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Từ đó, góp phần vào việc giải quyết công việc chuyên môn, giải quyết TTHC nhanh gọn, chính xác, rút ngắn thời gian.
 
Giai quyết TTHC tại các địa phương ngày càng nhanh và tiện lợi.
Giải quyết TTHC tại các địa phương ngày càng nhanh và tiện lợi.
 
Bên cạnh đó, việc ứng dụng phần mềm quản lý văn bản đã tạo bước tiến quan trọng trong công tác quản lý, điều hành và xử lý công việc tại các đơn vị. Hoạt động trao đổi văn bản điện tử được tăng cường, bao gồm các loại văn bản: Quyết định, thông báo, giấy mời, thông báo kết luận, văn bản nội bộ, lịch công tác, công văn, văn bản hành chính chỉ đạo, điều hành… giúp giảm chi phí giấy tờ, tài liệu, tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất lao động.
 
Theo một số sở, ngành cho biết, trước đây, một ngày đơn vị phải sử dụng tốn kém rất nhiều giấy, bì thư, tem thư, sau đó dùng dịch vụ bưu chính để chuyển phát văn bản đi với thời gian lưu chuyển 1 văn bản có thể mất 1 - 2 ngày trong tỉnh, 3 - 5 ngày ngoài tỉnh, chưa kể trường hợp không may bị thất lạc. Đến khi áp dụng đồng bộ hệ thống quản lý văn bản điện tử, tất cả các văn bản đi đều trình bằng văn bản điện tử, lãnh đạo đơn vị sẽ sử dụng chữ ký số, chứng thư số, sau đó chuyển qua bộ phận văn thư đóng dấu cơ quan bằng điện tử và phát hành văn bản điện tử. Văn bản có thể gửi đi một lúc nhiều địa chỉ. Từ đó, đã giúp giảm chi phí giấy tờ, dịch vụ bưu chính, nhanh chóng, chính xác trong chỉ đạo điều hành…
 

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh nhấn mạnh: Sắp tới, UBND tỉnh đề xuất Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đẩy mạnh CCHC và ứng dụng CNTT. Từ đó, UBND tỉnh sẽ có các kế hoạch triển khai cụ thể, để làm sao ứng dụng CNTT, CCHC đồng bộ không chỉ trong cơ quan nhà nước mà các cơ quan Đảng, đoàn thể. Đồng thời, tiếp tục đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện, triển khai nhắc nhở CBCC thực hiện các quy trình trên mạng để giải quyết hồ sơ cho dân; hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến…

Hiện nay, tỉnh Tiền Giang có 1.988 TTHC và được đăng tải trên Trang dịch vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang tại http://dichvucong.tiengiang.gov.vn. Cụ thể, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 là 127 thủ tục; mức độ 3 là 972 thủ tục (708 thủ tục cấp sở, ngành; 264 thủ tục cấp huyện và cấp xã) đạt tỷ lệ 48,89%; mức độ 4 là 889 thủ tục (771 thủ tục cấp sở, ngành; 118 thủ tục cấp huyện và cấp xã), đạt tỷ lệ 44,72%. So với cùng kỳ, số lượng TTHC giảm 177 thủ tục do văn bản quy phạm pháp luật thay đổi, mức độ 2 giảm 151 thủ tục, mức độ 3 tăng 36 thủ tục, mức độ 4 giảm 62 thủ tục.

P. MAI

 
 
 
 
 
 
 
 
 
.
.
Liên kết hữu ích
.