Thứ Sáu, 09/04/2021, 09:52 (GMT+7)
.

Tự hào Mỹ Tho - Thành phố Anh hùng

Từ xưa đến nay, Mỹ Tho là trung tâm của khu vực Trung Nam bộ, là đầu mối giao thông thủy, bộ giữa miền Đông và miền Tây và là cửa ngõ của miền Tây Nam bộ. Trong tỉnh Tiền Giang, Mỹ Tho là địa bàn trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh… Chính những đặc điểm nêu trên đã tạo cho Mỹ Tho có vị trí chiến lược quân sự hết sức quan trọng. Do đó, cả Pháp và Mỹ đã chọn đặt các cơ quan đầu não của tỉnh và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, làm điểm tựa để mở rộng, khống chế Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh) và các tỉnh miền Tây. Mỹ Tho trở thành chiến trường trọng điểm, là nơi diễn ra các cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt giữa ta và địch trong suốt thời kỳ cách mạng.

Trong kháng chiến chống Mỹ, do có vị trí chiến lược quan trọng, nên địch luôn ra sức mở rộng vành đai an toàn bằng cách xây dựng và nuôi dưỡng bọn cảnh sát, mật vụ, tề ác ôn ở nội ô; đồng thời, bố trí dày đặc đồn bót ở vùng ven. Đặc biệt, chúng hình thành thế phòng thủ, với nhiều lực lượng hùng hậu: Trung tâm tình báo Mỹ vùng 4 chiến thuật, trụ sở cảnh sát đặc biệt vùng 4 chiến thuật, bộ sưu tầm 101 của bộ tổng tham mưu ngụy, hậu cứ sư đoàn 9 Mỹ, căn cứ hải quân Chương Dương, có cả sân bay trực thăng cùng với hệ thống hậu cứ, căn cứ hỏa lực tinh nhuệ, cơ động trong tỉnh và khu vực...

Chúng tập trung lực lượng nêu trên không ngoài ý đồ tiêu diệt các lực lượng cách mạng, đầu độc và lung lạc tinh thần cách mạng của nhân dân Mỹ Tho. Thế nhưng, với truyền thống tốt đẹp sẵn có, từ những ngày đầu có Đảng lãnh đạo, nhân dân Mỹ Tho đã sớm giác ngộ cách mạng, một lòng đi theo Đảng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết chiến đấu ngay trong lòng địch để giành độc lập, tự do.

Trong quá trình kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ TP. Mỹ Tho đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo và đúng đắn đường lối chiến lược của Đảng vào tình hình thực tế của địa phương, nên đã giành được thắng lợi này đến thắng lợi khác. Lập nên nhiều thành tích vẻ vang trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, góp phần vào thắng lợi chung của tỉnh và cả nước. Tiêu biểu ở một số thành tích:

Quân giải phóng với chiến lợi phẩm xe M.113 trong Cuộc Tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Quân giải phóng với chiến lợi phẩm xe M.113 trong Cuộc Tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

1. Nhân dịp Tết Nguyên đán 1955, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về “Tết hòa bình, tết đoàn tụ, tết đoàn kết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ”, ta tổ chức cho quần chúng nhân dân, cán bộ kháng chiến hồi cư thăm viếng lễ tết, chúc mừng năm mới. Nhân dịp này, ta vận động nhiều binh sĩ địch đấu tranh được về nhà vui xuân với nhân dân, với cán bộ kháng chiến. Qua đó, ta giáo dục, gầy dựng cơ sở cách mạng. Tổng cộng trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, ta đã cài cắm trên 140 cơ sở trong lòng địch, làm cơ sở cho các cuộc đánh trong lòng địch sau này.

2. Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1961, lãnh đạo Đảng đã tổ chức cuộc biểu tình gồm hơn 3.000 quần chúng kéo đến dinh tỉnh trưởng ngụy đòi trả chồng, con, em họ đi lính trở về với gia đình, chống đi xâu làm khu trù mật ở xã Mỹ Phước Tây. Cuộc đấu tranh thắng lợi đã cổ vũ các tầng lớp nhân dân Mỹ Tho đứng lên đấu tranh; đồng thời, tác động sâu sắc đến lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

3. Tháng 9-1961, lực lượng vũ trang đã chặn đánh bọn ác ôn thanh niên cộng hòa, diệt tại chỗ 6 tên, thu 6 súng và nhiều đạn dược. Sau đó, qua tác động, đã có 138 binh sĩ và nhân viên chính quyền ngụy bỏ hàng ngũ trở về với nhân dân, mang theo 22 súng các loại.

4. Ngày 10-1-1967, đặc công thủy Mỹ Tho do đồng chí Huỳnh Văn Tý chỉ huy đã mưu trí, dũng cảm đánh chìm tàu xáng cạp Mỹ loại lớn nhất ở đây bằng khối thuốc nổ 1.800 kg (tàu dài 210 m, ngang 70 m, nặng 15.500 tấn), được trang bị hệ thống thiết bị kỹ thuật hiện đại. Chiến công này đã làm nức lòng đồng bào, chiến sĩ ta, khiến bọn Mỹ, ngụy khiếp vía, kinh hoàng.

5. Trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, mặc dù địch đã điên cuồng phản công ác liệt nhằm bảo vệ cơ quan đầu não của chúng, nhưng quân và dân Mỹ Tho đã anh dũng tiến đánh vào các khu vực trung tâm thành phố và hầu hết các cơ quan quân sự, làm chúng thiệt hại nặng nề, bảo vệ được địa bàn đứng chân, làm thất bại âm mưu bình định, lấn chiếm của địch.

6. Ngày 17-11-1970, đồng chí Lê Thị Minh Hường, là cán bộ cơ sở nữ của ta, đã bình tĩnh, mưu trí đánh mìn hẹn giờ ở ngay câu lạc bộ hải quân Chương Dương - cơ quan đầu não hải quân ngụy, làm chết tại chỗ 3 sĩ quan và làm bị thương 5 tên khác, trong đó có 1 cố vấn Mỹ.

7. Tháng 10-1972, cuộc đấu tranh của hơn 2.500 thanh niên, học sinh chống bắt lính, đôn quân, chống đi phòng vệ dân sự ngay trong lòng thành phố. Kết quả, có 10 học sinh khỏi bị bắt lính và có gần 200 người, trong đó có nhiều gia đình binh sĩ địch tham gia đấu tranh chống vơ vét bóc lột, đòi bồi thường thiệt hại do bom đạn của chúng gây ra, buộc tên quận trưởng phải thừa nhận tội ác và hứa bồi thường thỏa đáng cho dân.Cũng trong thời gian này, Thành ủy Mỹ Tho phát động phong trào binh vận mạnh mẽ. Qua đó, có 820 gia đình binh sĩ tham gia và đã tổ chức 3 cuộc mít tinh, với hơn 2.300 người tham gia. Đặc biệt, Thành ủy Mỹ Tho đã lãnh đạo 162 gia đình tề ngụy dẫn đầu đấu tranh với quân cảnh, buộc địch phải bắt giam 6 tên ác ôn và bồi thường cho dân 2,67 triệu đồng.

8. Cuối năm 1974, tương quan lực lượng giữa ta và địch thay đổi ngày càng có lợi cho ta, vùng giải phóng nhanh chóng được mở rộng, Thành ủy đã vận dụng nhuần nhuyễn chiến thuật “2 chân 3 mũi”, tạo nên sức mạnh vững chắc hơn. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân và dân TP. Mỹ Tho đã nhất tề tiến công chiếm lĩnh các mục tiêu trọng yếu của địch, giải phóng hoàn toàn thành phố vào ngày 30-4-1975 lịch sử.

***

Trong kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Mỹ Tho đã phối hợp và tổ chức đánh 850 trận lớn nhỏ, diệt và làm bị thương hơn 6.200 tên địch, trong đó có 407 tên Mỹ, làm tan rã và đào bỏ ngũ hơn 3.000 tên khác, phá hủy 2 kho vũ khí (khoảng 10.500 tấn đạn dược các loại), phá hủy 2 kho xăng, bắn rơi 1 máy bay L19, bắn hư 16 máy bay các loại khác, đánh chìm và làm hỏng 5 chiến hạm, 10 chiếc xáng, 3 sà lan, 37 tàu chiến, 2 bobo, phá hủy 39 xe quân sự, tịch thu hàng trăm súng các loại và nhiều quân trang quân dụng khác.

Với chiều dài lịch sử của một đô thị hơn 340 năm và 54 năm thành lập thành phố, Mỹ Tho hôm nay đã bước sang trang mới trong quá trình phát triển; đã kế thừa và phát huy mạnh mẽ truyền thống Anh hùng, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, làm đầu tàu cho sự phát triển các vùng kinh tế - đô thị của tỉnh và khu vực Bắc sông Tiền; xứng đáng với niềm tự hào, lòng tin sâu sắc về một thành phố văn minh, phát triển bền vững.

Kết thúc chiến tranh, TP. Mỹ Tho được Nhà nước công nhận 1.418 thương binh, 1.874 liệt sĩ, 1.740 cán bộ hưu trí, 2 cá nhân Anh hùng, 76 Bà mẹ được phong tặng danh hiệu vinh dự Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Quân và dân Mỹ Tho được khen tặng: Ban An ninh Anh hùng; Đội du kích xã Đạo Thạnh Anh hùng; Quân, dân xã Trung An Anh hùng; Quân, dân TP. Mỹ Tho Anh hùng. Và nhiều Huân chương cao quý khác…


 

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
Liên kết hữu ích
.