Thứ Năm, 20/05/2021, 20:45 (GMT+7)
.

Báo chí phải xác định rõ nhiệm vụ trên "trận tuyến không tiếng súng"

Chỉ thị số 12/CT-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành là đòi hỏi cấp thiết nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức của công dân, của người làm báo về trách nhiệm trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, báo chí cần phải xác định được trận tuyến về tư tưởng - văn hóa, để đưa những thông tin chính thống đến với đông đảo người dân trong và ngoài nước.

Ý nghĩa của Chỉ thị đối với công tác quản lý báo chí

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về ý nghĩa của Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với công tác quản lý báo chí trong tình hình hiện nay, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, cho biết, trong những năm qua, báo chí chúng ta có rất nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có nhiều ưu điểm, nhiều thành tựu đã đạt được, nhưng bên cạnh đó cũng bộc lộ một số hạn chế, kể cả khuyết điểm.

Do đó, việc Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị về việc tăng cường trách nhiệm, năng lực của các cơ quan báo chí và nhà báo để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là đòi hỏi rất cần thiết, thậm chí là cấp thiết. Trong Chỉ thị này, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan của Đảng và Nhà nước, các cơ quan chỉ đạo quản lý báo chí, các cơ quan báo chí, cũng như các nhà báo và những đơn vị liên quan, như mảng công nghệ chẳng hạn, phải tăng cường các biện pháp, trước hết là tuyên truyền, giáo dục ý thức của công dân, ý thức của người làm báo về trách nhiệm trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Cần phải xác định được trận tuyến về tư tưởng văn hóa

Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ có nhắc đến các cơ quan báo chí chủ lực của nước ta trong công tác thông tin tuyên truyền, trong đó có Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Quân đội nhân dân. Vì vậy, để thực hiện hiệu quả Chỉ thị nhằm góp phần vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, người đứng đầu Đài Tiếng nói Việt Nam khẳng định, các cơ quan báo chí của cả nước nói chung, Đài Tiếng nói Việt Nam hay một số cơ quan báo chí hàng đầu khác nói riêng, trước hết cần phải quán triệt trong cán bộ, biên tập viên, phóng viên và cả kỹ thuật viên, nhân viên về nội dung của Chỉ thị và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thứ hai, cần triển khai các biện pháp như: Tăng cường tuyên truyền nội dung về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhất là vai trò của hệ thống chính trị, của các lực lượng trong xã hội, mà trong đó Quân đội, Công an và Báo chí là những lực lượng rất quan trọng. Bác Hồ luôn nhắc nhở rằng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Trang giấy cây bút là vũ khí sắc bén của họ”.

Cho nên, những người làm báo phải thường xuyên trau dồi bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là ý thức công dân, để khi đăng phát những bài viết, phóng sự và chương trình trên sóng phát thanh, truyền hình hay trang báo, thì nội dung trước hết phải đúng, phải chuẩn xác và có sức hấp dẫn, lôi cuốn công chúng nhằm làm tăng tính thuyết phục.

a
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ

Ngoài ra, theo PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, cần phải ý thức được rằng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta đang có rất nhiều thời cơ thuận lợi, đồng thời cũng đứng trước những thách thức, khó khăn không nhỏ, trong khi kẻ thù thì luôn tìm cách tấn công chúng ta trên trận địa tư tưởng. Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị khóa XII đã có nêu về vấn đề này, đó là phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản, đấu tranh chống lại các quan điểm, luận điệu sai trái thù địch.

Và khi đã gọi là trận địa tư tưởng, thì đây chính là cuộc đấu tranh giữa ta và địch. Ở đây còn có một bộ phận người dân nữa, do không hiểu, do thiếu thông tin, kể cả do vô tình nghe những luận điệu của bọn phản động vũ lực, thì họ cũng có những nhận thức mơ hồ, lệch lạc, nên cần phải giải thích rõ cho họ hiểu được vấn đề.

Ông Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, các cơ quan báo chí chủ lực phải hình thành các đội ngũ, những cây viết sắc sảo để đấu tranh trên trận địa tư tưởng-lý luận, chẳng hạn như, Đài Tiếng nói Việt Nam có chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, hay chuyên mục “Nhìn thẳng nói đúng”. Theo ông, Báo Quân đội nhân dân là cơ quan báo chí hàng đầu, nhiều năm nay làm rất tốt công tác đấu tranh bảo vệ quan điểm, nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại những thông tin và quan điểm sai trái.

Tờ báo vừa duy trì một cách đều đặn, liên tục lượng thông tin, vừa đảm bảo tuyến tin bài chất lượng rất cao, trong khi đề tài rất phong phú, nói đúng và nói trúng những vấn đề mà xã hội quan tâm. Đạt được kết quả đó, trước hết là nhờ nhận thức và bản lĩnh của người viết. Các cơ quan báo chí khác cũng cần phải thường xuyên nâng cao năng lực, chuyên môn của người làm báo.

Báo chí nói chung không chỉ phải nói đúng, mà còn phải nói hay, nói hấp dẫn và nói thuyết phục, báo viết cũng vậy. “Cần phải xác định được trận tuyến về tư tưởng-văn hóa, bởi đây là trận tuyến không tiếng súng, nhưng cũng rất khắc nghiệt, là cuộc đấu tranh giành giật công chúng và làm sao để đưa những thông tin chính thống của chúng ta đến được với đông đảo người dân trong nước, cũng như đồng bào ta ở nước ngoài”, PGS, TS Nguyễn Thế kỷ nhấn mạnh.  

Bài học xương máu từ sự sụp đổ của Liên Xô

Đề cập đến sự kiện Liên Xô sụp đổ như là thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ XX, trong đó có vai trò không nhỏ của báo chí, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu có nhiều nguyên nhân. Các nhà chính trị và nhà lý luận cũng đã có những phân tích, đánh giá và đưa ra một số nguyên nhân. Thứ nhất, bản thân Đảng Cộng sản Liên Xô và đảng của các nước xã hội chủ nghĩa đã có sự suy thoái, như bây giờ ở Việt Nam gọi là “quá trình tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

Nhưng sự suy thoái đó ở Liên Xô từng diễn ra rất mạnh; trong hàng ngũ có những cán bộ cấp cao phản bội lại lý tưởng, đường lối và quan điểm của Đảng Cộng sản Liên Xô. Nguyên nhân thứ hai là sự tấn công từ nhiều mặt của các thế lực thù địch ở bên ngoài. Có thể nói, đó là chủ nghĩa đế quốc Mỹ, các nước phương Tây hàng chục năm liên tục tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Xô viết. Họ còn lợi dụng lực lượng báo chí, văn hóa-nghệ thuật để tấn công.

“Như chúng ta thấy, khi đảng chính trị, đảng cầm quyền và nhà nước buông lỏng sự lãnh đạo đối với lực lượng này, khi trong lực lượng này cũng xuất hiện những nhà báo, nhà văn, những nghệ sỹ thể hiện quan điểm trái chiều, thậm chí là phản động, thù địch thì họ đã đưa những tư tưởng đó, những thông tin đó lây nhiễm rất nhanh trong xã hội.

Cho nên, trước khi Đảng Cộng sản Liên Xô bị sụp đổ, có rất nhiều cơ quan báo chí, rất nhiều bài báo nêu về những khuyết tật của chủ nghĩa xã hội, thậm chí còn dựng nên những câu chuyện không có thật. Việc này xảy ra không chỉ ở Liên Xô, mà còn ở Romania, Hungary và cả ở Ba Lan”, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết.

Ngoài ra, vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong vấn đề này cũng rất rõ. Chúng kết hợp lại, đánh vào nền tảng tư tưởng, làm cho người dân mất niềm tin vào đảng và nhà nước đó, dẫn đến chế độ sẽ sụp đổ không thể cưỡng lại được, vấn đề là thời gian. “Điều đó đã được thể hiện ra một cách rất đau xót. Một đảng, một đất nước có hơn 20 triệu đảng viên mà để cho đảng mình, đất nước mình sụp đổ như vậy, thì đây là một bài học phải nói là bài học xương máu cho các đảng cầm quyền, đặc biệt là Việt Nam chúng ta, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam chúng ta”, Tổng giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam khẳng định.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.