Thứ Sáu, 21/05/2021, 13:54 (GMT+7)
.

Tiền Giang chuẩn bị chu đáo cho cuộc bầu cử

(ABO) Sáng 21-5, Ủy ban Bầu cử tỉnh Tiền Giang tổ chức họp báo thông tin, tuyên truyền về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Phóng viên, biên tập viên của hàng chục cơ quan thông tấn, báo chí tham gia buổi họp báo
Phóng viên, biên tập viên của hàng chục cơ quan thông tấn, báo chí tham gia buổi họp báo,

Đồng chí Nguyễn Chí Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Bầu cử tỉnh Tiền Giang; đồng chí Châu Thị Mỹ Phương, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang, Trưởng Tiểu ban Tiuyên truyền Ủy ban Bầu cử tỉnh và đồng chí Nguyễn Thị Sáng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Tiền Giang chủ trì buổi họp báo với sự tham dự của phóng viên, biên tập viên của hơn 30 cơ quan thông tấn, báo chí tác nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang…

Tại buổi họp báo, sau khi nghe đại diện Ủy ban Bầu cử tỉnh Tiền Giang báo cáo tình hình chuẩn bị bầu cử trên địa bàn tỉnh, đại diện phóng viên các cơ quan báo chí đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến việc tổ chức chuẩn bị nhân sự cho bầu cử, công tác bảo đảm an toàn phòng, chống Covid-19 cho ngày bầu cử và công tác tổ chức bầu cử ngày 23-5-2021…

Các đồng chí chủ trì họp báo và lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã trả lời câu hỏi cũng như giải đáp thắc mắc của các phóng viên. Cụ thể, việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu để ứng cử đại biểu HĐND ở mỗi đơn vị hành chính đều bảo đảm dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch; coi trọng chất lượng, lựa chọn người ứng cử là những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, uy tín, trí tuệ; đồng thời, bảo đảm cơ cấu hợp lý.

Về cơ cấu theo yêu cầu của Nghị quyết 1187 của Hội đồng Bầu cử Quốc gia đều đảm bảo, cụ thể: Với yêu cầu đảm bảo tỷ lệ ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức ứng cử đại biểu HĐND là nữ. Tỷ lệ này ở đại biểu HĐND cấp tỉnh 42%, cấp huyện 42,55%, cấp xã 36,95 %. Về yêu cầu tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND là người ngoài Đảng không thấp hơn 10%, thì tỷ lệ này ở cấp tỉnh 11%, cấp huyện 16,06% và cấp xã 29%.

Với yêu cầu phấn đấu đạt tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND là đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) không thấp hơn 15% tổng số người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND thì tỷ lệ này ở cấp tỉnh 27%, cấp huyện 44,04% và cấp xã 41,11%. Với yêu cầu phấn đấu đạt tỷ lệ từ 30% trở lên đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 tái cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở từng cấp, tỷ lệ này ở cấp tỉnh 42,19%, cấp huyện 43,57% và cấp xã 58,54%.

Các đồng chí chủ trì trả lời câu hỏi của phóng viên
Các đồng chí chủ trì trả lời câu hỏi của phóng viên.

Việc phân bổ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại các đơn vị bầu cử  bảo đảm công bằng, bình đẳng; bảo đảm tương quan hợp lý với tỷ lệ dân số giữa các đơn vị hành chính trực thuộc. Toàn tỉnh Tiền Giang có 145 vị chức sắc, tôn giáo được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp.

Về trình độ được đào tạo của ứng cử viên, có 97% ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh, 87,58% ứng cử viên đại biểu HĐND cấp huyện và 38,25% ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã có trình độ đại học trở lên.

Về cử tri, việc rà soát, thống kê cử tri và biến động cử tri được thực hiện thường xuyên, các địa phương liên tục cập nhật biến động cử tri từ nay cho đến 24 giờ trước ngày bầu cử. Nhiệm kỳ này, còn thực hiện thêm việc rà soát, lập danh sách cử tri đối với những trường hợp được cách ly do phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tính đến ngày 17-5, qua cập nhật, rà soát danh sách cử tri, tổng số cử tri trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là trên 1.499.000 cử tri (số lượng cử tri sẽ tiếp tục được cập nhật).

Đối với những cử tri không thể đến khu vực bỏ phiếu thì tổ bầu cử mang thùng phiếu phụ đến cho cử tri bỏ phiếu. Đến thời điểm này, UBND cấp xã cơ bản hoàn thành việc khảo sát, thống kê đầy đủ số lượng, phân loại danh sách cử tri và xác định địa điểm của cử tri theo từng nhóm để có phương án bầu cử hợp lý.

Qua rà soát, số lượng cử tri phải sử dụng thùng phiếu phụ là 8.400 cử tri (gồm 7.284 cử tri là người già yếu, tàn tật không thể đến địa điểm bỏ phiếu; 237 cử tri đang thực hiện biện pháp cách ly phòng, chống dịch Covid-19; 230 cử tri đang bị tạm giữ, tạm giam không có khu vực bỏ phiếu riêng và 649 người trong cơ sở cai nghiện).

BSCKII Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế  Tiền Giang khẳng định các phương án phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho ngày bầu cử đã sẵn sàng
Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang khẳng định các phương án phòng, chống dịch Covid-19 đã sẵn sàng, đảm bảo an toàn cho ngày bầu cử tại Tiền Giang.

 

Đại diện Ủy ban bầu cử tỉnh báo cáo công tác chuẩn bị và tổ chức bầu cử của tỉnh Tiền Giang
Đại diện Ủy ban Bầu cử tỉnh Tiền Giang báo cáo công tác chuẩn bị và tổ chức bầu cử của tỉnh.

Về thời gian bỏ phiếu, Tiền Giang hiện không phải là địa phương có dịch Covid-19 trong cộng đồng nên sẽ không tổ chức bầu cử sớm trước ngày 23-5-2021. Theo Điều 71, Luật Bầu cử quy định thời gian bỏ phiếu từ 7 giờ sáng đến 19 giờ. Do đó, tùy theo tình hình địa phương, tổ bầu cử, có thể quyết định việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5 giờ sáng.

Theo thông tin từ các huyện: Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông, TX. Gò Công và TP. Mỹ Tho, các đơn vị sẽ tổ chức bỏ phiếu bầu cử sớm khoảng 6 giờ hoặc 6 giờ 30 phút bắt đầu. Khi chọn phương án bỏ phiếu sớm, tổ bầu cử có thông tin để cử tri biết. Tùy điều kiện mà tổ bầu cử chọn hình thức thông tin phù hợp như phát loa, trên hệ đài phát thanh, thông tin đến từng hộ gia đình. Ở TP. Mỹ Tho, khi phát thẻ cử tri có kèm theo 1 bản thông tin nhanh về thời gian bầu cử, địa điểm, số lượng đại biểu được bầu, cách ghi phiếu, nhắc cử tri mang khẩu trang… TP. Mỹ Tho sẽ bắt đầu bỏ phiếu bầu cử từ 6 giờ 30 phút ngày 23-5-2021.

Đồng chí Châu Thị Mỹ Phương cho rằng, đến giờ này có thể khẳng định Tiền Giang đã chuẩn bị chu đáo cho cuộc bầu cử, hướng đến một cuộc bầu cử thành công tốt đẹp.

THỦY HÀ

 

.
.
.