Thứ Hai, 03/05/2021, 08:20 (GMT+7)
.

Tri ân những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

Nơi đâu trên đất nước dải đất hình “chữ S” này cũng có gia đình, thân nhân liệt sĩ, trong đó, không thể không kể đến sự hy sinh cao cả và thầm lặng của những người mẹ, người vợ liệt sĩ. Sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trong kháng chiến to lớn bao nhiêu thì nỗi đau và sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ ở hậu phương càng lớn lao bội phần.

Để tri ân các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), Đảng và Nhà nước cùng các ngành, địa phương đã không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các Mẹ cũng như thân nhân các Mẹ.

TỰ HÀO NHỮNG BÀ MẸ VNAH

Nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“Con đi trăm núi ngàn khe,
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm.
Con đi đánh giặc mười năm,
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.”

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trao Bằng truy tặng danh hiệu Nhà nước “Bà mẹ VNAH” cho thân nhân các Mẹ.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trao Bằng truy tặng danh hiệu Nhà nước “Bà mẹ VNAH” cho thân nhân các Mẹ.

Chiến tranh đã đi qua, hàng triệu thân nhân liệt sĩ không còn gặp lại những người thân yêu của mình. Trong sự mất mát, đau thương đó, có sự hy sinh cao cả và thầm lặng của những người mẹ, người vợ liệt sĩ. Dù biết rằng chiến tranh bao giờ cũng gây nên những đau thương mất mát, nhưng khi đất nước cần, những người mẹ, người vợ sẵn sàng đưa tiễn những người thân yêu nhất của mình từ người chồng đến những người con lên đường bảo vệ Tổ quốc để rồi có những người chồng, người con hy sinh nơi chiến trường mãi mãi không về…

Những hy sinh thầm lặng, vĩ đại của các Bà mẹ VNAH đã góp phần làm nên những trang sử vàng son chói lọi của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời và sự cống hiến, hy sinh to lớn của các Mẹ mãi mãi là tấm gương sáng cho bao thế hệ học tập và noi theo.

Bà Nguyễn Thị Nhi (sinh năm 1956, ngụ ấp Bình Phong, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) là con của Bà mẹ VNAH Huỳnh Thị Lễ, chia sẻ: “Cũng như bao người khác, khi đất nước bị xâm lược, cha tôi lên đường tham gia cách mạng và đã hy sinh. Theo tiếng gọi của non sông, mẹ tôi tiếp tục đưa các con tham gia cách mạng và rồi em tôi cũng anh dũng hy sinh.

Bản thân tôi cũng tham gia cách mạng được Nhà nước khen tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì. Mẹ tôi vừa được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ VNAH”. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào vừa là động lực để gia đình tôi tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục con cháu hăng hái tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng giàu đẹp".

Em Trần Dương Tú Phương, học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (đoạt giải Nhì tại Cuộc thi Tài năng trẻ tỉnh Tiền Giang năm 2019) bày tỏ lòng biết ơn và niềm tự hào đối với các anh hùng liệt sĩ, các Bà mẹ VNAH. Em Tú Phương chia sẻ: “Tuổi trẻ chúng em luôn tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, nhất là sự hy sinh cao cả của các Bà mẹ VNAH, của các thế hệ cha anh đã dâng hiến tuổi thanh xuân và cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đem lại hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho thế hệ chúng em ngày nay.

Em nguyện khắc sâu lòng tri ân và luôn trau dồi phẩm chất, đạo đức, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chi Minh, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, học tập thật tốt để trở thành người có ích cho xã hội, góp phần chung tay giúp đỡ, phụng dưỡng Bà mẹ VNAH để phần nào xoa dịu nỗi đau và an ủi các Mẹ”.

LÀM TỐT CÔNG TÁC ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA

Những năm qua, song song với thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chế độ đối với người có công với dân, với nước; khẩn trương tiến hành công nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công và người có công trong cuộc kháng chiến; trong đó, có việc phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ VNAH”.

Đối với Tiền Giang, toàn tỉnh có 5.980 Bà mẹ VNAH (hiện có 220 Mẹ còn sống). Năm 2021, tỉnh Tiền Giang có 17 Mẹ vừa được Chủ tịch nước ký Quyết định truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ VNAH”.

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nhận phụng dưỡng chăm lo tốt Bà mẹ VNAH.
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nhận phụng dưỡng chăm lo tốt Bà mẹ VNAH.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, những năm qua, tỉnh đã thực hiện chế độ chính sách cho người có công nói chung và các Bà mẹ VNAH nói riêng. Toàn tỉnh có 19.982 đối tượng được hưởng trợ cấp hằng tháng, 28.322 đối tượng hưởng trợ cấp một lần. Hằng năm, ngân sách dành để chi trả chế độ chính sách với số tiền gần 600 tỷ đồng. Song song đó, tỉnh còn thực hiện đầv đủ, kịp thời các chính sách về bảo hiểm y tế, ưu đãi giáo dục, trợ cấp dụng cụ chỉnh hình, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng...

Đối với Bà mẹ VNAH được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời mọi chế độ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Tất cả các Bà mẹ VNAH còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, được Ban Bảo vệ sức khỏe Tỉnh ủy chăm sóc những lúc ốm đau, bệnh tật. Trong những dịp lễ, tết, tỉnh Tiền Giang đều tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà Bà mẹ VNAH, gia đình chính sách, người có công với cách mạng…

Tại buổi Lễ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ VNAH” cho 17 Bà mẹ VNAH của tỉnh Tiền Giang mới đây, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Dũng yêu cầu các cấp chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội và cộng đồng tiếp tục dành nhiều sự quan tâm, chăm lo tốt hơn nữa cho các gia đình chính sách, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả.

Đặc biệt là hoàn thành việc hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng, sớm hoàn thành việc xác nhận các hồ sơ người có công còn tồn đọng, đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, góp phần xoa dịu nỗi đau của các Bà mẹ VNAH. Đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công; gắn trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ…

THU HOÀI

.
.
.