Thứ Tư, 09/06/2021, 12:30 (GMT+7)
.

Cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác, tiết kiệm để ưu tiên phòng chống dịch

 

a
(Ảnh: TRẦN HẢI)

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2021, Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 103/TTr-BTC ngày 2-6-2021 về cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan T.Ư, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021, bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.

Theo đó, cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan T.Ư, địa phương (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng chống dịch của các bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, kinh phí hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết; Bộ Tài chính có báo cáo cụ thể Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-6-2021.

Báo cáo Quốc hội cho phép thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương nhưng đến ngày 30-6-2021 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện (chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu) và các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục vụ chiến lược vaccine...

Chính phủ thống nhất đồng ý áp dụng phụ cấp đặc thù với mức 7.500 đồng/liều tiêm (tối đa không quá 150.000 đồng/người/ngày) đối với cán bộ y tế trực tiếp tiêm vaccine phòng Covid-19 trong Chương trình tiêm chủng miễn phí tại các cơ sở y tế công lập.

Chính phủ đồng ý áp dụng chế độ trong thời gian tình nguyện tham gia phòng, chống dịch Covid-19 đối với học viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học sinh các trường đào tạo hệ trung cấp khối ngành sức khỏe, người có chuyên môn y tế không hưởng lương ngân sách, như sau:

Về chế độ bồi dưỡng chống dịch: được hưởng 300.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8-2-2021; được hưởng 200.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP.

Về chế độ hỗ trợ tiền ăn và chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong thời gian phải ở lại nơi tình nguyện: được hưởng 120.000 đồng/người/ngày, gồm tiền ăn là 80.000 đồng (theo mức quy định tại Khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP) và 40.000 đồng chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt (theo mức quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 16/NQ-CP).

Về số ngày hưởng: tính theo số ngày thực tế tham gia chống dịch theo phân công của cấp có thẩm quyền, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết.

Về thời điểm áp dụng: từ ngày 1-1-2021.

Về nguồn kinh phí: từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư.

Căn cứ yêu cầu phòng, chống dịch, Bộ Y tế rà soát, quyết định bổ sung các đối tượng khác được ưu tiên tiêm vaccine theo quy định tại điểm i Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19.

Những người phải chi trả chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 tại cơ sở cách ly y tế tập trung theo quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8-2-2021 và Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 6-5-2021 của Chính phủ, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc tại nơi lưu trú sau khi hoàn thành thời gian cách ly tập trung thì phải chi trả chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 theo yêu cầu phòng, chống dịch.

Giá dịch vụ tiêm vaccine phòng Covid-19 tự nguyện cho các đối tượng có nhu cầu thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19 và Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ về hoạt động tiêm chủng.

Chính phủ kêu gọi các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tích cực tham gia đóng góp cho Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19; cùng chung sức, đồng lòng huy động tổng hợp mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi chiến lược vaccine, góp phần sớm chiến thắng đại dịch Covid-19.

Về thành lập Đoàn công tác liên ngành kiểm tra, tháo gỡ khó khăn về đầu tư công, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng, báo cáo Chính phủ trong tháng 6-2021.

Chú trọng bảo đảm các cân đối vĩ mô; đề xuất thành lập Đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, tham mưu tổ chức hội nghị toàn quốc về đầu tư công trong tháng 6-2021 nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; bảo đảm tiến độ, chất lượng và chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Đồng thời, có giải pháp mạnh mẽ xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình trình hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025. Chủ trì, phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-6-2021.

Chính phủ chỉ đạo triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên dành nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, thận trọng, phù hợp, hài hòa, hợp lý, bảo đảm thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên dành nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đột xuất khác.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí, tiếp tục giảm lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động tín dụng, ngân hàng. Đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; sớm có phương án xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém; khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ Tài chính và Bộ Công thương nghiên cứu, rà soát, chuẩn bị phương án phù hợp về thuế nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định đối với một số mặt hàng, nguyên vật liệu tăng giá mạnh; xác định rõ nguyên nhân và dự báo xu hướng giá trong thời gian tới, đề xuất chính sách, giải pháp phù hợp; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng giá, nhất là các mặt hàng biến động giá mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương có giải pháp phù hợp, bảo đảm, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là tại các khu công nghiệp, địa phương đang bùng phát dịch, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nội địa và toàn cầu; bảo đảm cung cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Tập trung hướng dẫn, triển khai thực hiện ngay việc hỗ trợ giảm giá điện, giãn tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện theo tinh thần Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 2-6-2021 của Chính phủ. Chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Đề án về thúc đẩy xuất khẩu và cân đối hài hòa cán cân thương mại.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo thời vụ sản xuất và ứng phó kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ, hạn chế tối đa thiệt hại. Có giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng.

Phối hợp chặt chẽ Bộ Công thương, các địa phương tổ chức hỗ trợ người dân trong việc tiêu thụ nông sản đang vào vụ thu hoạch, nhất là tại những địa phương vùng dịch; tăng cường năng lực bảo quản, chế biến hàng nông sản; đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội theo quy định.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Bộ Y tế, các cơ quan, địa phương sớm hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải, nhất là vận chuyển công nhân giữa nơi ở và cơ sở sản xuất, khu công nghiệp; xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển nông sản đến các cửa khẩu và giữa các vùng, miền trong thị trường nội địa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-6-2021.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương hướng dẫn, chuẩn bị tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 bảo đảm an toàn, phù hợp diễn biến tình hình dịch Covid-19; hướng dẫn các địa phương có biện pháp phù hợp tổ chức các hoạt động hè, phòng chống tai nạn, đuối nước cho học sinh...

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm soát người, phương tiện xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu, nhất là tại các đường mòn, lối mở khu vực biên giới; phối hợp chặt chẽ ngành y tế và các địa phương, tập trung triển khai các biện pháp phòng chống, dập dịch Covid-19; chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật, tập trung phòng chống tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo, tài chính, tội phạm qua mạng; phối hợp chặt chẽ, bảo đảm an ninh, an toàn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và chế độ công vụ, công chức, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; khẩn trương tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử và họp, làm việc trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp…

Theo nhandan.vn

 

.
.
.