Thứ Ba, 08/06/2021, 08:44 (GMT+7)
.
ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XI ĐẢNG BỘ TỈNH TIỀN GIANG VÀO CUỘC SỐNG

Công an Tiền Giang: Quyết tâm giữ vững an ninh, trật tự

Công an tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm (giảm tội phạm hình sự ít nhất 3% hằng năm) gắn với 4 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá mà Đại hội Đảng bộ Công an tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

NHIỀU GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

Trong 5 năm tới, Công an tỉnh chủ động nắm, dự báo tình hình, thông qua công tác thống kê để phát hiện tình hình tội phạm nổi lên trên tuyến, địa bàn, lĩnh vực. Qua đó, kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh có giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội hiệu quả; giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh, vấn đề bức xúc nổi lên trong công tác phòng, chống tội phạm... Từ đó, tập trung thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội thành địa bàn an toàn, giảm tội phạm và tệ nạn xã hội; không để hình thành điểm nóng, phức tạp.

Đại tá Nguyễn Văn Nhựt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh trao Giấy khen cho các tập thể có thành tích tích xuất sắc trong cao điểm tấn công tội phạm, bảo vệ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.    Ảnh: ĐẶNG THANH
Đại tá Nguyễn Văn Nhựt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh trao Giấy khen cho các tập thể có thành tích tích xuất sắc trong cao điểm tấn công tội phạm, bảo vệ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ảnh: ĐẶNG THANH

Bên cạnh đó, Công an tỉnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, tấn công, trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, kiềm chế và làm giảm tội phạm; thường xuyên mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự dịp lễ, tết. Đồng thời, tập trung đấu tranh quyết liệt, xử lý triệt để với nhóm tội phạm chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm và các loại tội phạm gia tăng. Song song đó, Công an tỉnh tổ chức tiếp nhận, phân loại, xử lý có hiệu quả tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố ngay từ cơ sở (không để xảy ra các trường hợp sót, lọt; không tổ chức kiểm tra, xác minh hoặc kiểm tra, xác minh mang tính hình thức); nâng cao tỷ lệ điều tra án.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh, trong thời gian tới, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các mặt công tác nghiệp vụ của lực lượng Công an, trong đó tập trung làm tốt công tác nắm hộ, nắm người, quản lý tốt địa bàn, quản lý đối tượng, không để hình thành, tồn tại các băng nhóm tội phạm; trấn áp mạnh tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” theo phương châm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an: “Nơi nào còn băng nhóm tội phạm thì lực lượng Công an ở nơi đó không hoàn thành nhiệm vụ. Trách nhiệm của lực lượng Công an là phải triệt xóa bằng được, triệt xóa hết băng nhóm tội phạm”.

Đồng thời, lực lượng Công an tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nhất là các cơ sở cho thuê lưu trú, quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ cầm đồ; thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, không để tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội. Song song đó, chú trọng công tác tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tội phạm và vi phạm pháp luật.

Công an tỉnh sẽ rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, lãnh đạo chỉ huy Công an các cấp, đảm bảo việc bố trí cán bộ phù hợp năng lực sở trường; phát huy vai trò của lực lượng Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, thực sự là lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, làm chuyển biến tốt tình hình an ninh, trật tự tại địa phương. Cùng với đó, chú trọng tăng cường tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Công an các cấp; kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ, lãnh đạo chỉ huy có dấu hiệu bảo kê, bao che, làm ngơ tiếp tay cho tội phạm và vi phạm trong công tác nhằm làm trong sạch nội bộ, xây dựng lực lượng phòng, chống tội phạm trong sạch, vững mạnh, bản lĩnh, có thái độ quyết tâm cao trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Lực lượng Công an chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Thi hành án trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bảo đảm mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật.

Công an tỉnh phối hợp các cơ quan truyền thông, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; mạnh dạn lên án, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật; kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng gương điển hình tiên tiến trong đấu tranh, truy bắt tội phạm để thúc đẩy phong trào phát triển bền vững.

NHÂN RỘNG NHỮNG MÔ HÌNH HIỆU QUẢ

Thời gian qua, công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự tham gia phối hợp của các ngành, đoàn thể và nhân dân. Công an các địa phương và cơ sở đã tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, phát huy hiệu quả tự phòng, tự quản trong bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.

Các lực lượng tham gia diễu hành thể hiện sự quyết tâm thi đua lập nhiều thành tích mới nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự trong năm 2021.                                                                             Ảnh: ĐẶNG THANH
Các lực lượng tham gia diễu hành thể hiện sự quyết tâm thi đua lập nhiều thành tích mới nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự trong năm 2021. Ảnh: ĐẶNG THANH

Đến nay, Công an tỉnh đã xây dựng, duy trì và nhân rộng 31 mô hình phòng, chống tội phạm. Trong đó, có một số mô hình mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng, chống tội phạm ở cơ sở cần được phát huy như: Mô hình “Ánh sáng phòng, chống tội phạm”, mô hình “Camera phòng, chống tội phạm”. Ngoài ra, ngành Công an cũng đã chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức quần chúng ở cơ sở.

Qua đó đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, gắn với hiệu quả xây dựng các mô hình an toàn về an ninh trật tự. Từ đó, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động ở một bộ phận nhân dân trong việc tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Qua thực hiện các mô hình, nhân dân đã tham gia truy bắt tội phạm và cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng Công an xử lý nhiều đối tượng vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo tốt tình hình an ninh trật tự, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình còn hạn chế do không có kinh phí và phải vận động nhân dân đóng góp dẫn đến việc thực hiện còn chậm.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Lộc, thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đối với công tác xây dựng mô hình, nhân rộng điển hình tiên tiến. Đồng thời, tập trung tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm cho nhân dân biết để cùng tham gia tố giác tội phạm thông qua họp dân, diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến nhân dân, vận động cá biệt, phương tiện thông tin, phát phiếu tố giác tội phạm, số điện thoại, đường dây nóng... nhằm huy động toàn dân tham gia giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương, cơ sở.

Đồng thời, chú trọng gắn kết, phát triển các mô hình điển hình tiên tiến cùng với các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xóa khó giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nông thôn mới... Ngoài ra, tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại thực trạng chất lượng hoạt động của các mô hình để có kế hoạch xây dựng, củng cố, nhân rộng mô hình phát huy tác dụng tốt, nâng chất lượng hoạt động của mô hình trung bình, loại bỏ mô hình hoạt động kém và nghiên cứu, phát triển mô hình mới phù hợp…

VĂN THẢO

.
.
.