Thứ Hai, 22/11/2021, 15:29 (GMT+7)
.

Khởi nghĩa Nam kỳ ở quận Chợ Gạo

Khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra từ ngày 23-11 đến 31-12-1940, là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam. 81 năm đã đi qua, nhưng khí thế hào hùng, tinh thần chiến đấu oanh liệt của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào trong khởi nghĩa Nam kỳ sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta, trong đó có sự đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Chợ Gạo (nay là huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang).

ĐẢNG MẠNH

Từ các phong trào đấu tranh cách mạng, lực lượng đảng viên của Đảng bộ quận Chợ Gạo đã không ngừng phát triển. Đến tháng 10-1940, quận Chợ Gạo có 108 đảng viên, tăng gấp hơn 5 lần so với cuối năm 1939, đã lãnh đạo nhân dân làm nên cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở quận Chợ Gạo.

Quán triệt tinh thần chuẩn bị khởi nghĩa, Quận ủy lâm thời Chợ Gạo đã được thành lập và tổ chức 1 cơ sở rèn dao, kiếm ở xã Quơn Long. Tại xã Lương Hòa Lạc, Tỉnh ủy Mỹ Tho (nay là Tỉnh ủy Tiền Giang) xây dựng cơ sở in quyển “Chiến lược và chiến thuật du kích chiến tranh” để cấp phát cho cán bộ, kịp thời nâng cao năng lực lãnh đạo và khả năng tổ chức chiến đấu.

Quận ủy quan tâm xây dựng lực lượng nòng cốt. Ở các xã: Thanh Bình, Mỹ Phong, Quơn Long, Tân Thuận Bình, nhân dân tranh thủ ngày đêm luyện tập võ nghệ cho lực lượng tự vệ, cho thanh niên trai tráng trong làng.

Tinh thần khởi nghĩa đã được phát động, khơi dậy phong trào quần chúng nổi dậy giành chính quyền rầm rộ. Ở xã Quơn Long, tên Bếp Thức, một tay say ác ôn, đã bị những nông dân nòng cốt cách mạng đang đập lúa ngoài đồng, tự phát lợi dụng địa hình chặn đánh Bếp Thức chết tại chỗ và bắt sống tên Cai Bộ.

PHONG TRÀO LÊN

Ngoài việc chuẩn bị vũ khí (rèn dao, kiếm, roi, gậy tầm vông vạt nhọn), luyện tập võ nghệ, các xã trong quận Chợ Gạo đã tổ chức nhiều cuộc diễn tập cho lực lượng đảng viên, cán bộ nòng cốt, cốt cán. Khu vực các xã: Song Bình, Đăng Hưng Phước, Thanh Bình, từ ngày 15-7-1940 đến 30-9-1940, đã tổ chức nhiều lần tập hợp lực lượng để cán bộ diễn thuyết về thời cơ cách mạng, vận động quần chúng nổi dậy giành chính quyền.

Khu vực các xã: Phú Kiết, Mỹ Tịnh An, Trung Hòa, Tân Bình Thạnh 2 lần tập hợp lực lượng phá cầu Ông Tường và cầu Bà Lý. Ở 2 xã Lương Hòa Lạc và Phú Kiết, tổ chức diễn tập chặn đánh tàu trên sông Bảo Định, đoạn xã Phú Kiết. Các cuộc diễn tập ở mỗi nơi có từ 70 đến hơn 100 người tham dự…

Trước tình hình đó, địch tập trung đối phó quyết liệt, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân nhân dân bị chúng bắt và đốt hàng chục căn nhà là gia đình cách mạng để trả thù vụ giết Bếp Thức. Dù bị địch tra tấn dã man, các đảng viên vẫn giữ khí tiết người cộng sản, giữ an toàn bí mật cơ sở cách mạng. Và mặc dù giặc đàn áp khốc liệt, quần chúng vẫn tích cực chuẩn bị khởi nghĩa và tham gia khởi nghĩa.

Mặc dù chính quyền cách mạng ở quận Chợ Gạo chỉ tồn tại được 5 ngày (riêng 3 xã Trung Hòa, Tân Bình Thạnh, Phú Kiết hơn 10 ngày), nhưng tinh thần nổi dậy khởi nghĩa ngày 23-11-1940 là bài học kinh nghiệm, là truyền thống quý báu, vẻ vang, giúp Đảng bộ và nhân dân quận Chợ Gạo giành thắng lợi to lớn trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Trước đêm nổi dậy (đêm 23-11-1940), Mặt trận liên xã thuộc Tổng Thạnh Quơn nhận được lệnh từ bộ phận Tỉnh ủy Mỹ Tho và lệnh từ bộ phận Tỉnh ủy Long An (Mỹ Tho - Long An là liên Tỉnh ủy), đã huy động được hơn 3.000 thành viên các đoàn thể quần chúng, chia làm nhiều cánh nổi dậy, đánh trống mõ, hô loa khẩu hiệu, chiếm các công sở và đốt hết sổ sách, giấy tờ; sau đó, đoàn người nổi dậy vây nhà, bao bắt tề làng ác ôn, nhưng tất cả bọn chúng đều trốn thoát.

Tại xã Lương Hòa Lạc, hàng trăm người vào xả bồ lúa của phó hương quản Nhựt chia cho dân nghèo. Ở 2 xã Trung Hòa và Mỹ Tịnh An, Bí thư chi bộ của 2 xã huy động hơn 1.500 quần chúng đến nghe diễn thuyết về thời cơ cách mạng, tố cáo tội ác bọn thực dân, phong kiến, kêu gọi đồng bào đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, ủng hộ cách mạng; sau đó kéo đến chiếm công sở tề xã tại đình Trung Hòa, đốt hết số sách giấy tờ, treo cờ búa liềm trên ngọn cây dương ở đình.

Cán bộ các xã còn phối hợp hoạt động nổi dậy với các xã giáp ranh của huyện Châu Thành. Tại các xã phía Đông của huyện: Tân Thuận Bình, Quơn Long, An Thanh Thủy, Bình Ninh…, mỗi nơi huy động trên 100 quần chúng nổi dậy, chiếm các công sở tề.

Mặc dù là một quận bị chia cắt do vị trí địa lý và bị hạn chế sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy từ Đồng Tháp Mười, nhưng với tinh thần tiến công cách mạng, quận Chợ Gạo đã nỗ lực chuẩn bị mọi mặt, từ xây dựng, phát triển lực lượng đảng viên, xây dựng lực lượng nòng cốt và củng cố, phát triển các tổ chức quần chúng bán hợp pháp, hợp pháp nổi dậy khởi nghĩa. Đêm nổi dậy khởi nghĩa 23-11-1940, huyện có 18/21 đơn vị xã khởi nghĩa, với 108 đảng viên, cùng 4.730 cán bộ nòng cốt, hội viên các tổ chức hợp pháp và quần chúng nhân dân tham gia.

Cờ đỏ sao vàng được giương cao tại miễu Điền, thuộc xã Mỹ Tịnh An và tại trụ sở tề xã Tân Thuận Bình. Lá cờ búa liềm được treo trên cột dây thép ngang qua bến bắc Chợ Gạo. Những nơi khác, dù lực lượng cách mạng không làm việc tại trụ sở, nhưng cả huyện, từ ngày 24-11-1940 đã cấp giấy tờ đi lại, cấp các loại giấy phép cho nhân dân; xây dựng lực lượng tự vệ xóm ấp, đảm bảo an ninh trật tự cho nhân dân; xả bồ lúa của các hương quản chia cho dân nghèo, vận động những người khá giả quyên góp giúp người nghèo.

LÊ PHƯƠNG (tổng hợp)

.
.
.