Thứ Hai, 08/11/2021, 18:36 (GMT+7)
.
KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA XV:

Đại biểu Tiền Giang đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

(ABO) Ngày 8-11, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV bắt đầu đợt 2 - đợt họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Trong ngày làm việc đầu tiên của đợt 2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.

Năm 2021, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, vượt qua thách thức; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Quốc hội giao. Tuy nhiên, vẫn còn không ít hạn chế, bất cập trong quá trình điều hành, nhất là đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bày tỏ đồng tình cao với các giải pháp đã nêu trong báo cáo của Chính phủ, các đại biểu cũng đề xuất thêm các giải pháp về phòng, chống dịch bệnh như: Cần đầu tư cho hệ thống dự phòng với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh"; về khôi phục và phát triển kinh tế cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo đảm công khai, minh bạch...

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến thảo luận kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022.

Theo các đại biểu, để phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới cần đặc biệt quan tâm tới công nhân, lao động, tạo động lực cho người lao động quay trở lại làm việc. Nhấn mạnh vai trò của nông nghiệp trong biến động, các đại biểu đề xuất các giải pháp liên quan đến vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn như: Khắc phục tình trạng đất đai manh mún, phân tán, nhỏ lẻ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sản xuất quy mô lớn; sớm sửa đổi Luật Đất đai...

Đối với dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, Chính phủ đặt mục tiêu: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Cho ý kiến thảo luận về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH năm 2022, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang cơ bản nhất trí với Báo cáo đánh giá KT-XH của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và nhiều ý kiến ĐBQH đã phát biểu.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nữa trong việc xây dựng cơ chế quản lý, điều hành, phối hợp cụ thể, có tính pháp lý cao nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển liên kết vùng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên thảo luận.

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, tính liên kết vùng lỏng lẻo, thể hiện rõ nhất là trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư vừa qua. Sự lúng túng của các địa phương cả hai Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long trong tâm bão dịch bệnh vừa qua đã cho chúng ta một bài học sâu sắc. Nếu như các địa phương được liên kết chặt chẽ với nền tảng liên kết là cơ sở chia sẻ, điều phối nhân lực, vật lực, tài lực kịp thời thì có lẽ việc ứng phó dịch bệnh sẽ bớt đi những tình huống không đáng có.

Tất nhiên, thời điểm bùng phát dịch bệnh, có nhiều lúc chúng ta phải chấp nhận việc ngăn sông, cấm chợ, địa phương này cách ly với địa phương khác để bảo vệ dân là trên hết, trước hết, nhưng nếu đã có sự liên kết vùng chặt chẽ thì không lý nào các tỉnh, thành phố trong vùng lại không tạo ra được những “Luồng xanh liên kết” về nông sản, hàng hóa, đi lại chăm sóc y tế và hỗ trợ khác cho nhau nhằm an dân, trong đó có việc giữ chân người lao động.

Đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nữa trong việc xây dựng cơ chế quản lý, điều hành, phối hợp cụ thể, có tính pháp lý cao nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển liên kết vùng.

Quang cảnh cuộc họp
Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường.

Đối với mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, theo số liệu của Hiệp hội Dịch vụ logistics Việt Nam, năm 2020, sản lượng container thông qua cảng biển đạt trên 22 triệu TEU, với gần 700 triệu tấn hàng hóa. Tuy nhiên, đội tàu biển Việt Nam chỉ chiếm khoảng 7% thị phần vận tải, số còn lại nằm trong tay các hãng tàu nước ngoài.

Để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5% - 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15% - 20%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Để đạt mục tiêu trên, việc đẩy mạnh phát triển đội tàu container lớn phục vụ việc chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam bằng đường biển là yêu cầu hết sức cần thiết, cấp bách hiện nay, nhất là thời gian qua việc thiếu hụt vỏ container, giá cước vận tải biển tăng vọt đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động xuất nhập khẩu và khả năng cạnh tranh của hàng hóa.

Để phát triển đội tàu trọng tải lớn cỡ 50.000 - 100.000 tấn, có thể chuyên chở 4.000 - 8.000 TEU thì cần phải thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ các thành phần kinh tế. Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề xuất Chính phủ cần nghiên cứu, xây dựng, ban hành một số chính sách đặc thù như: Đấu thầu, chỉ định thầu, giảm, miễn thuế, hỗ trợ tài chính trong giai đoạn đầu phát triển đội tàu; chính sách khuyến khích đào tạo, sử dụng thuyền viên; chính sách khuyến khích hợp tác giữa các chủ hàng lớn…

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, ngày 19-10-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hàng Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Theo đó, kể từ ngày 1-11-2021 đến hết ngày 31-12-2021, giảm thuế giá trị gia tăng đối với nhiều ngành dịch vụ…

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho là rất hợp lý, vì khu vực dịch vụ cần được hỗ trợ ngoài việc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch mà còn gây hiệu ứng kích thích đến giá trị tăng thêm của nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc giảm thuế giá trị gia tăng chỉ hai tháng có thể không có hiệu quả như mong muốn, bởi vì chu kỳ sản xuất của khu vực 1 (nông, lâm, thủy sản) và khu vực 2 (công nghiệp, xây dựng) có thể lâu hơn hai tháng. Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ chính sách, đề xuất UBTVQH cho kéo dài thêm thời gian áp dụng đối với đối tượng này thì hiệu quả kinh tế mang lại sẽ cao hơn.

THU HOÀI - MINH TRÍ

.
.
.