Thứ Ba, 24/05/2022, 22:19 (GMT+7)
.

ĐBQH tỉnh Tiền Giang tham gia thảo luận dự kiến Chương trình xây dựng luật, chủ trương đầu tư Dự án Đường Hồ Chí Minh

(ABO) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, ngày 24-5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và thảo luận về nôi dung này.

* Góp ý Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022

Thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các cơ quan Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kịp thời đề xuất nhiều dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 - 2022 đáp ứng yêu cầu thực tiễn trước những diễn biến mới, thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế - xã hội.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại hội trường
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tại hội trường.

Tuy nhiên, nhiều ĐBQH cũng cho rằng, công tác xây dựng pháp luật thời gian qua vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định.

Đóng góp ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang Nguyễn Minh Sơn cho rằng: Công tác xây dựng pháp luật thời gian qua vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định. Chất lượng đánh giá tác động chính sách ngay từ khâu đề nghị xây dựng luật, nghị quyết còn hạn chế.

Đây là vấn đề đã được nêu ra trong rất nhiều lần, Quốc hội đánh giá về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhưng vẫn chưa được khắc phục, nhất là đối với những nhiệm vụ lập pháp mang tính cấp bách thì vấn đề này càng đáng lưu ý hơn.

Nghiên cứu nhiều hồ sơ dự án luật, nghị quyết cho thấy không ít chính sách pháp luật được đề xuất trong các dự án luật, nghị quyết còn chung chung, thiếu cụ thể, chưa rõ về nội dung quy định được thiết kế để cụ thể hóa chính sách và do vậy, đánh giá tác động với chính sách cũng còn sơ sài, hình thức, không rõ định lượng.

So sánh Báo cáo đánh giá tác động chính sách khi đề nghị xây dựng dự án để đưa vào Chương trình và khi dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã chính thức được vào Chương trình, chính thức trình Quốc hội cho thấy: Về mặt nội dung không có sự hoàn thiện đáng kể.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cũng cho rằng chất lượng Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật cũng cần được nâng cao hơn, cần tách rõ những kết quả, hạn chế do quy định của văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết và những kết quả, hạn chế do quy định của văn bản dưới luật, những vấn đề do quy định pháp luật và những vấn đề do tổ chức thi hành pháp luật.

Chất lượng rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng cần được cải thiện hơn, bảo đảm rõ ràng; đặc biệt thiết kế Điều về áp dụng luật trong các dự thảo Luật phải được đầu tư hơn. Nghiên cứu báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội cho thấy, đây là nội dung có nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng phải làm rõ, hoàn thiện thêm để phân biệt rõ về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng.

Quang cảnh thảo luận tại hội trường
Quang cảnh thảo luận tại hội trường.

Một vấn đề nữa là còn tình trạng dồn dập trình đề xuất xây dựng luật bổ sung vào Chương trình. Ví dụ như bổ sung đến 8 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp 4, thông qua tại Kỳ họp 5, chưa kể bổ sung 1 dự án luật trình và cho ý kiến, thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp tại Kỳ họp 4 và bổ sung 3 dự án luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp 4.

Như vậy tại Kỳ họp 4 tổng số có đến 7 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, 7 dự án trình Quốc hội thông qua, gây sức ép rất lớn cho các cơ quan thẩm tra do phải phụ trách một khối lượng rất lớn nhiệm vụ lập pháp trong một kỳ họp.

Mặt khác, so với thời điểm tháng 7 năm ngoái khi báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì tại Kỳ họp thứ 4 chỉ dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến 1 dự án luật, biểu quyết thông qua 3 dự án luật. Rõ ràng sự thay đổi số lượng các dự án trong Chương trình là rất lớn, cho thấy tính dự báo chưa cao, tính dài hạn, tổng thể chưa được bảo đảm.

Thời hạn trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết cũng rất gấp gáp, khi trình UBTVQH cho ý kiến thì rất sát ngày tổ chức phiên họp của UBTVQH, sau khi UBTVQH cho ý kiến đến khi trình Quốc hội thì rất sát ngày tổ chức kỳ họp. Nhiều cơ quan thẩm tra có tinh thần rất hợp tác, rất chủ động, “vừa chạy vừa xếp hàng”, UBTVQH rất sẵn sàng họp ngoài giờ và cho ý kiến ngay, nhưng nhiều nội dung đều có tình trạng như vậy thì các cơ quan thẩm tra rất khó khăn.

Thời gian thì như vậy mà chất lượng của hồ sơ dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết không được nâng cao thì sẽ là thách thức rất lớn trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh.

Từ thực tế trên, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị các cơ quan soạn thảo, trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết cần có giải pháp khắc phục triệt để những hạn chế này, nhất là những yếu tố chủ quan. Yêu cầu lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã hết sức rõ ràng, thời hạn cũng rất cụ thể, từ thời hạn rà soát cho đến thời hạn trình, và đây cũng là những nội dung mà các cơ quan trình tự đề xuất, vì vậy, phải chủ động để bảo đảm yếu tố chất lượng. Không vì để đáp ứng số lượng, thời hạn mà để ảnh hưởng đến chất lượng hồ sơ dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Các cơ quan của Quốc hội đã thực hiện rất nghiêm túc nguyên tắc này, có những đề xuất xây dựng luật đã được yêu cầu nghiên cứu, làm rõ thêm để sớm trình bổ sung vào Chương trình. Đề nghị các cơ quan trình cũng nâng cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành các mục tiêu lập pháp đã đề ra.

Đối với dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2022 - 2023, các ĐBQH cơ bản tán thành. Khối lượng nhiệm vụ lập pháp tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp thứ 5 rất lớn, nội dung các dự án Luật rất phức tạp, thể chế hóa những nghị quyết quan trọng của Đảng, tác động sâu rộng đến đời sống người dân. Vì vậy, các ĐBQH đề nghị các cơ quan trình tập trung hoàn thiện các hồ sơ dự án luật, dự thảo nghị quyết bảo đảm chất lượng và thời hạn gửi Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để thẩm tra, báo cáo UBTVQH và trình Quốc hội theo quy định của pháp luật.

* Đóng góp ý kiến chủ trương đầu tư Dự án Đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo

Cũng trong hôm nay, các ĐBQH đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai Dự án Đường Hồ Chí Minh (HCM) giai đoạn tiếp theo. Đóng góp ý kiến đối với chủ trương đầu tư Dự án Đường HCM giai đoạn tiếp theo, các ĐBQH thống nhất với Tờ trình 157 của Chính phủ; Báo cáo tóm tắt tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 66/2013/QH13 và Kế hoạch triển khai Dự án Đường HCM giai đoạn tiếp theo của Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, các ĐBQH còn một số vấn đề băn khoăn.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Dương, ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang cho rằng: 

Thứ nhất, tiến độ thực hiện của dự án: Theo báo cáo của Chính phủ, Dự án Đường HCM được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2004, dự kiến hoàn thành vào năm 2010. Dự án có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), với tổng chiều dài 3.183 km, tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía Tây dài 684 km; đi qua 28 tỉnh, thành phố. Tổng vốn đầu tư của toàn dự án là 99.170 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2013, Quốc hội thông qua Nghị quyết 66 điều chỉnh một số nội dung, trong đó lùi thời điểm thông xe toàn tuyến tới năm 2020.

Giai đoạn sau năm 2020 sẽ nâng cấp một số đoạn theo chuẩn cao tốc. Đến nay, tiến độ triển khai dự án đã chậm gần hai năm so với yêu cầu hoàn thành các dự án thành phần và nối thông toàn tuyến với quy mô hai làn xe theo quy định và chưa rõ thời gian kết thúc.

Về việc chậm tiến độ, cần phải xem xét tổng thể các nguyên nhân, chủ quan, khách quan, trách nhiệm của địa phương, trung ương để đánh giá toàn diện, tổng thể.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến đối với dự án luật SHTT
Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Thứ hai, các đoạn trùng với cao tốc Bắc Nam: Phiên họp Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường họp vào 16-10-2021 về giám sát xây dựng đường HCM và Báo cáo số 602/BC-UBKT15 ngày 31-12-2021 thẩm tra dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 nhận thấy có 81,5 km của dự án đi trùng với đường HCM. Qua thực tế khảo sát hướng tuyến đoạn Bùng - Cam Lộ của dự án, Ủy ban Kinh tế nhận thấy có 81,5 km của dự án đi trùng với đường HCM.

Cụ thể: Đoạn Vũng Áng - Bùng đi trùng 18,5 km (chiếm 32% dự án thành phần); đoạn Bùng - Vạn Ninh đi trùng 27 km (chiếm 53% dự án thành phần); đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ đi trùng 36 km (chiếm 53% dự án thành phần). Do đó, đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ hơn các đoạn tuyến của dự án đi trùng với các tuyến đường hiện hữu và phương án xử lý đối với các đoạn đi trùng trong quá trình thi công xây dựng dự án để đảm bảo không bị chồng chéo, trùng lặp các dự án và sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng để tránh ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân xung quanh các dự án thành phần và hiệu quả của các dự án liên quan.

Quang cảnh thảo luận tại tổ
Quang cảnh ĐBQH thảo luận tại tổ.

Thứ ba, qua tiếp xúc cử tri có ý kiến cho rằng vùng Đồng bằng sông Cửu Long không được đầu tư phát triển hệ thống đường bộ như các vùng khác. Do vậy, Chính phủ cần quan tâm hơn đến vấn đề này và triển khai hoàn thành dứt điểm việc đầu tư xây dựng các đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận để nối thông tuyến đường HCM theo quy mô 2 làn xe trong giai đoạn 2021 - 2025 đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.

MINH TRÍ - THU HOÀI

 

.
.
.