Thứ Hai, 20/06/2022, 10:30 (GMT+7)
.
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 97 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21-6-1925 - 21-6-2022)

"Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng"

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của Đảng, nhân dân, dân tộc ta; Người sáng lập, rèn luyện Đảng ta; là danh nhân văn hóa thế giới; là chiến sĩ cộng sản kiệt xuất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động thế giới; mà còn là người sáng lập, đặt nền móng cho những tổ chức chính trị, quân sự, xã hội, các tổ chức văn hóa, trong đó có báo chí cách mạng nước nhà. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”... Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, người làm báo và cơ quan báo chí phải luôn “cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa”, “nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”…

Tại Đại hội lần thứ III những người viết báo Việt Nam (năm 1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng.  Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Tại Đại hội lần thứ III những người viết báo Việt Nam (năm 1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Lời Bác dạy mãi là “kim chỉ nam” cho các thế hệ nhà báo và cơ quan báo chí trong quá trình tu dưỡng, phấn đấu, trưởng thành, lớn mạnh; luôn giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ BÁO CHÍ

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tham gia các hoạt động báo chí. Khi hoạt động tại Pháp, Người đã tham gia sáng lập Báo Le Paria (Người Cùng Khổ) để tạo một kênh thông tin, lên tiếng tố cáo bản chất tàn bạo của thực dân Pháp, làm cho nhân dân thế giới biết đến cuộc sống “cùng khổ” của người dân Việt Nam; từ đó lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong đấu tranh “tự giải phóng”.

Khi ở Trung Quốc, Người đã sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên  - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 21-6-1925, Báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập và phát hành số 1, là tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập, trực tiếp chỉ đạo và là cây bút chủ chốt. Sự kiện lịch sử này đặt dấu mốc khởi nguồn cho sự ra đời, không ngừng phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam.

Trong hơn nửa thế kỷ vừa hoạt động cách mạng vừa cầm bút, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hàng ngàn bài viết, với hàng trăm bút danh khác nhau, được đăng ở nhiều báo trong, ngoài nước bằng nhiều thứ tiếng: Việt, Pháp, Hán, Nga, Anh... với đa dạng các chủ đề. Những bài viết của Người có văn phong độc đáo, gần gũi, dễ hiểu, được bạn đọc khắp năm châu đón nhận, mến mộ.

Không chỉ viết báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn làm mọi công việc liên quan đến “nghề báo” như: Tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo việc làm báo, sửa bài, biên tập, in ấn, phát hành… Thực tiễn phong phú đó đã góp phần tạo nên tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng - một di sản vô cùng quý giá, đặc biệt mà Bác đã để lại cho các thế hệ sau.

Nội dung tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng đã chỉ rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; vai trò, nghĩa vụ, đạo đức, phong cách của người làm báo; “nghệ thuật viết” để làm nên một tác phẩm báo chí có giá trị.

Trong đó, Người chỉ rõ: Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế: “Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc”.

Báo chí dấn thân, báo chí cống hiến

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hai năm qua, báo chí là 1 trong 4 lực lượng ở tuyến đầu. Cả hệ thống báo chí đã vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc.” Các tòa soạn làm việc ngày đêm, ở đâu có hoạt động chống dịch, ở đó có phóng viên báo chí.

Nhìn vào “bảng vàng” các giải báo chí quy mô quốc gia, rất nhiều giải thưởng lớn đã được trao cho các tác phẩm báo chí về đề tài chống dịch như “Đại dịch Covid-19: Thách thức và cơ hội” của tác giả Nguyễn Hữu Phùng Nguyên (Báo Nhân Dân) đoạt giải A Giải Báo chí quốc gia 2021; “Cả hệ thống chính trị vào cuộc, toàn dân đồng lòng chống dịch Covid-19” của nhóm tác giả Thông tấn xã Việt Nam đoạt giải A Giải Búa liềm vàng 2020…

Nhìn lại hoạt động báo chí trong nhiệm kỳ vừa qua, điều khiến Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi tâm đắc nhất là “chúng ta đang có một nền báo chí luôn đặt lợi ích đất nước, nhân dân lên hàng đầu, lấy đó làm tâm nguyện làm nghề.

Dù làm việc trong điều kiện chống dịch nghiêm ngặt và bản thân các cơ quan báo chí cũng gặp khó khăn gay gắt về tài chính, nguồn thu giảm mạnh… song lực lượng báo chí không hề lùi bước. Không có cơ quan báo chí nào đứng ngoài cuộc”.

Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn bó với nghề báo, coi báo chí là vũ khí sắc bén, là phương tiện để vận động và tập hợp lực lượng cách mạng, tổ chức và thực hiện mục tiêu cách mạng một cách nhanh chóng, sâu rộng và hiệu quả nhất.

Chính vì vậy, cho dù ở hoàn cảnh, giai đoạn, tình thế khó khăn nào, Người vẫn quyết tâm sáng lập, chỉ đạo để ra đời những tờ báo, bài báo cách mạng. Ngòi bút của Người bao quát rộng lớn mọi vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Người phân tích một cách cụ thể, sắc sảo, đánh giá rõ ràng và đưa ra những giải pháp rất thiết thực.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, những bài viết của Người như những lời hiệu triệu có tác dụng vô cùng to lớn, trở thành sức mạnh tinh thần kỳ diệu, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tham gia kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà.

Thấm nhuần lời dạy của Người, báo chí cách mạng đã đồng hành cùng dân tộc, liên tiếp giành thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong thời kỳ đổi mới, báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục khởi sắc, phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng, nội dung, hình thức, phương tiện kỹ thuật, công nghệ, có “vị thế” đặc biệt, tác động sâu sắc trong đời sống xã hội.

BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM KHÔNG NGỪNG PHẤN ĐẤU, TRƯỞNG THÀNH

Trải qua 97 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự dìu dắt của Bác Hồ, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh về nhiều mặt. Bước vào giai đoạn phát triển mới có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen. Qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. 

Mỗi người làm báo - chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng luôn ghi nhớ lời dạy của Bác: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công”.

Vừa qua, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh: Đất nước ta đã trải qua năm 2021 và 6 tháng năm 2022 với nhiều điều rất đặc biệt, trong bối cảnh đó, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành của Nhà nước; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đất nước ta vẫn giành được nhiều thành tựu quan trọng. Trong thành tựu đó, có sự tham gia, đóng góp tích cực của các cơ quan báo chí, những người làm báo nước nhà. Người làm báo là một trong những lực lượng trên tuyến đầu của các “mặt trận”. Báo chí góp phần làm cho dân biết, dân hiểu, dân theo, dân tin và dân làm.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, với truyền thống lịch sử tốt đẹp, trí tuệ, bản lĩnh của mình, các cơ quan thông tấn, báo chí và người làm báo Việt Nam tiếp tục nỗ lực đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, hạnh phúc của nhân dân; góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kỷ luật, kỷ cương, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng; người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

HỒNG LÊ

.
.
.