Thứ Tư, 15/06/2022, 09:25 (GMT+7)
.

Vế bài viết "Cần phải xem báo Đảng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người sáng lập và lãnh đạo Đảng ta, Nhà nước ta, mà còn sáng lập và chỉ đạo nền báo chí cách mạng Việt Nam. Kể từ ngày Báo Thanh Niên - cơ quan của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra số đầu tiên vào ngày 21-6-1925, tư tưởng báo chí của Bác Hồ là viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào?… luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong ý thức và hành động của những người làm báo cách mạng Việt Nam.

Là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng nước nhà, những điều Bác Hồ nói và viết về nghề báo từ hơn nửa thế kỷ qua vẫn tươi nguyên giá trị, đã được các thế hệ làm báo chí cách mạng nước ta làm cẩm nang cho mình, coi đó như một giáo trình thực hành quý, từ cách chọn đề tài, đến đặt tít và ngôn ngữ, cách thể hiện ngắn gọn, súc tích mà sâu sắc… để tuyên truyền, cổ động, tổ chức tập thể việc thực hiện cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phụng sự Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo Nhân Dân tại Chiến khu Việt Bắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo Nhân Dân tại Chiến khu Việt Bắc.

Giữa muôn vàn công việc, Bác Hồ vẫn dành thời gian viết bài cho báo Đảng. Bài viết “Cần phải xem báo Đảng” đăng Báo Nhân Dân số 197, ngày 24-6-1954 ngắn gọn nhưng súc tích, khái quát cao như phong cách viết vốn có của Bác.

Ngay phần mở đầu bài báo, Bác đã chỉ ra: “Đảng ta mạnh vì Đảng ta tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, suốt từ trên xuống dưới. Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất… Tờ báo Đảng như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết, cần làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hàng ngày nó nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta.”. Bác cho rằng, “Nếu cứ cắm đầu làm việc mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm, nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc…”.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận xét rất tinh tế và khái quát về những đóng góp to lớn của Bác Hồ trong lĩnh vực văn hóa, báo chí và thơ ca: “Hồ Chí Minh là nhà chiến lược, nhà lãnh đạo, nhà tổ chức; đồng thời là nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ lớn. Người đã mở đầu và góp phần quan trọng hiện đại hóa ngôn ngữ và câu văn Việt Nam. Suốt đời, Hồ Chí Minh là người cầm bút, chiến đấu trên mặt trận văn hóa, báo chí, với một văn phong đa dạng, nhiều sắc thái, mà điểm nổi bật là tính quần chúng, cách suy nghĩ và diễn đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu vang vọng trong lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc làm tốt đẹp, bằng những lời lẽ bình dị giàu hình tượng, nói được điều lớn bằng chữ nhỏ”.

Bác phê bình: “Có những đồng chí mượn cớ quá bận việc, hoặc cớ này cớ khác mà không chú ý xem báo Đảng. Đó là che giấu bệnh lười, đó là một khuyết điểm to, cần phải sửa chữa ngay”. Bác cũng “chỉ cách” để chữa bệnh lười:

“...Vô luận công việc bận thế nào, nếu khéo sắp xếp thì nhất định có thời gian xem báo. Hồ Chủ tịch và nhiều đồng chí Trung ương cũng bận việc không kém các cán bộ khác, nhưng ngày nào cũng xem sách và nhiều báo. Đó là điều chúng ta phải học tập”. Bác chỉ ra rằng: “Cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, toàn thể đảng viên và cốt cán cần phải xem báo Đảng”.

Sau 97 năm ra đời, báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đổi thay trên nhiều phương diện, phát triển nhanh chóng về số lượng, số đầu báo, tạp chí; xuất hiện thêm nhiều loại hình báo chí điện tử, báo chí đa phương tiện, đa nền tảng, tích hợp, hội tụ… Nhiều cải tiến về nội dung, hình thức, công nghệ in ấn, phương thức thông tin, nền tảng công nghệ; kéo theo đó là sự thay đổi về phương thức tiếp nhận thông tin, thói quen và nhu cầu tiếp cận. Trong bối cảnh đó, các báo, tạp chí của Đảng với tư cách là cơ quan ngôn luận, cơ quan lý luận chính trị của các cấp ủy đảng cũng đã thường xuyên đổi mới, cải tiến.

Từ phải sang trái, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng,  Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh - những bậc thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam.                                                                                                                Ảnh: TƯ LIỆU 
Từ phải sang trái, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh - những người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: TƯ LIỆU 

Những người làm báo chí cách mạng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Báo chí cách mạng là công cụ thông tin nhanh nhất, phổ cập nhất, là phương tiện thường xuyên tiếp xúc với nhân dân và giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đang đặt ra; đấu tranh hằng ngày, hàng giờ chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đấu tranh với các khuynh hướng lệch lạc trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, góp phần quan trọng trong việc tổ chức phát động các phong thi đua cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Đó là vinh dự lớn lao, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề của người làm báo.

Ngày nay, làm báo giữa thời đại kỷ nguyên số, bùng nổ thông tin, đọc và suy nghĩ những điều Bác Hồ dạy trong bài báo “Cần phải xem báo Đảng” vẫn tươi nguyên giá trị thời sự đối với người đọc, người xem, đặc biệt là đối với những người làm báo chí cách mạng trong thế kỷ XXI.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.