.

Đảm bảo công bằng khi tranh luận tại nghị trường Quốc hội

Cập nhật: 19:59, 13/08/2022 (GMT+7)

Có ý kiến nêu thực tế: tại các phiên chất vấn trong thời gian gần đây, mỗi đại biểu chỉ có 1 phút để chất vấn và phải đợi đến lượt mới được hỏi, trong khi có trường hợp đại biểu không có câu hỏi nhưng lại được quyền tranh luận, không cần đợi theo thứ tự đăng ký và có đến 3 phút để tranh luận là không công bằng.

a
Quang cảnh phiên họp thẩm tra

Ngày 13-8, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật tổ chức cuộc họp thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, dự thảo Nội quy (sửa đổi) bổ sung 5 điều, sửa đổi 39 điều và kế thừa giữ nguyên 13 điều, tăng 1 điều so với Nội quy hiện hành, quy định 25 vấn đề mới.

Đại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho biết, hiện vẫn còn một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau như về thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể; vai trò của chủ tọa, người điều hành phiên họp; tranh luận, chất vấn lại; biểu quyết hỗn hợp; trình tự thông qua Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia.

Quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội tại 2 hoặc nhiều kỳ họp Quốc hội và xung đột pháp luật giữa dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) với các văn bản quy phạm pháp luật cũng là những vấn đề lớn còn nhiều băn khoăn.

a
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên

Tại phiên họp, liên quan đến thời gian phát biểu của đại biểu (ĐB) tại phiên họp toàn thể, có ĐB đề nghị sửa đổi quy định thời gian phát biểu là 5 phút, vì đây là một điểm mới đã được áp dụng tại nhiều kỳ họp trong các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, giúp cho mỗi phiên họp có nhiều ĐB được phát biểu hơn. Dự thảo Nội quy thể hiện theo hướng giữ nguyên thời gian phát biểu tối đa là 7 phút.

Đáng lưu ý, về biểu quyết hỗn hợp (điều 19), có ĐB đề nghị bổ sung hình thức biểu quyết hỗn hợp giữa biểu quyết điện tử và biểu quyết bằng giơ tay khi Quốc hội họp trực tuyến mà hình thức biểu quyết điện tử cài đặt trên thiết bị di động không thể vận hành. Dự thảo Nội quy đang được thể hiện theo hướng này.

Tuy nhiên, cũng có ĐB cho rằng, việc sử dụng đồng thời các hình thức biểu quyết khác nhau với mức độ công khai việc biểu quyết của mỗi ĐB khác nhau khó bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong hoạt động của Quốc hội, do đó đề nghị cân nhắc việc quy định biểu quyết hỗn hợp.

Về tranh luận, chất vấn lại, có ý kiến nêu thực tế: tại các phiên chất vấn trong thời gian gần đây, mỗi ĐB chỉ có 1 phút để chất vấn và phải đợi đến lượt mới được hỏi, trong khi có trường hợp ĐB không có câu hỏi nhưng lại được quyền tranh luận, không cần đợi theo thứ tự đăng ký và có đến 3 phút để tranh luận là không công bằng. Do đó, đề nghị làm rõ nguyên tắc bất kỳ ĐB nào hay chỉ có ĐB đặt câu hỏi đó mới có quyền tranh luận với người trả lời chất vấn.

Bên cạnh đó, cần làm rõ sự khác nhau giữa khái niệm “tranh luận” trong hoạt động chất vấn với khái niệm “chất vấn lại”. Dự thảo Nội quy (sửa đổi) quy định theo hướng giảm thời gian chất vấn, chất vấn lại xuống 1 phút. Theo loại ý kiến này, để bảo đảm công bằng, thời gian tranh luận cũng chỉ nên trong khoảng 1 - 2 phút.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang, không nên có phương án tranh luận giữa ĐB với ĐB, do đó cần quy định rõ ràng chỉ có tranh luận giữa ĐB và người trả lời chất vấn. Ông Trường Giang cũng đề nghị tăng thời gian cho phần tranh luận.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành không đồng tình với quy định chủ tọa có quyền kéo dài hoặc rút ngắn với người chất vấn. “Nếu kéo dài hoặc rút ngắn thì phải áp dụng đồng loạt, chứ không riêng một ĐB nào”, ông nói.

Dự thảo Nội quy này sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2022 và trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4 tới đây.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.