Thứ Tư, 03/08/2022, 10:07 (GMT+7)
.
THỰC HIỆN 4 NGHỊ QUYẾT CỦA HĐND TỈNH TIỀN GIANG:

Giúp CBCCVC-NLĐ cấp cơ sở an tâm công tác

Đó là Nghị quyết 21, Nghị quyết 13, Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVC-NLĐ), người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở. Trên cơ sở 4 nghị quyết nêu trên của HĐND tỉnh, những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn, điều hành các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện, tháo gỡ nhiều khó khăn, đảm bảo các chế độ, chính sách, giúp CBCCVC-NLĐ, người hoạt động không chuyên trách cấp cơ sở an tâm công tác.

Đoàn giám sát của Ban Pháp chế - HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh.
Đoàn giám sát của Ban Pháp chế - HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh.

Đội ngũ CBCCVC-NLĐ, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp (gọi chung cấp cơ sở) là một bộ phận của đội ngũ CBCCVC nhà nước, có vai trò quan trọng trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương tại cơ sở. Việc xây dựng đội ngũ  CBCCVC-NLĐ cấp cơ sở có đủ trình độ, năng lực và phẩm chất là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

THỰC TRẠNG

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách, Hiến pháp, pháp luật nhằm xây dựng, kiện toàn đội ngũ CBCCVC cấp cơ sở. Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở xã, phường, thị trấn đã đặt ra nhiệm vụ phải “chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết hợp lý và đồng bộ chính sách đối với cán bộ cơ sở”. Hiến pháp năm 2013, Luật Cán bộ, công chức và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý để từng bước xây dựng, kiện toàn đội ngũ CBCCVC cấp xã cả về số lượng và chất lượng.

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ban Pháp chế - HĐND tỉnh về việc thực hiện các nghị quyết nêu trên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Dũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan nhanh chóng khắc phục các kiến nghị của Ban Pháp chế - HĐND tỉnh theo thẩm quyền; trong đó, đề nghị Sở Nội vụ nhanh chóng rà soát lại những trường hợp ở cơ sở đến nay chưa giải quyết hết các chế độ cho cán bộ nghỉ việc thì nhanh chóng giải quyết dứt điểm.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ nội vụ cấp cơ sở nắm rõ các quy định của Trung ương, các nghị quyết của HĐND tỉnh để triển khai thực hiện kịp thời, đúng quy định. Đối với những bất cập do chưa thống nhất quan điểm giữa các ngành, Sở Nội vụ phối hợp các ngành liên quan nghiên cứu, tính toán, thống nhất quan điểm, cách làm, không để mỗi nơi làm một kiểu, phù hợp với tình hình thực tế và khả năng tài chính của tỉnh…

Tại tỉnh Tiền Giang, HĐND tỉnh đã ban hành 4 nghị quyết nêu trên, quy định về chế độ, chính sách đối với CBCCVC-NLĐ, người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn tỉnh, người hoạt động không chuyên trách ở  cơ sở. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện và  chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện và cấp cơ sở triển khai thực hiện.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Thị Thanh Tuyết, hiện trên địa bàn tỉnh, số lượng, chức danh hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có 1.875/2.172 người; trong đó, số lượng kiêm nhiệm 126 người, còn khuyết 171 người. Số lượng, chức danh người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khu phố có 2.007/3.015 người; trong đó số lượng kiêm nhiệm 996 người, khuyết 12 người.

Theo đánh giá của Sở Nội vụ, từ khi triển khai thực hiện các nghị quyết nêu trên, người hoạt động không chuyên trách cấp cơ sở được hưởng phụ cấp mức hỗ trợ thêm tương ứng với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc. Bên cạnh đó, việc giải quyết chính sách hỗ trợ đối với CBCCVC cấp cơ sở dôi dư đã được UBND cấp huyện, cấp xã quan tâm, xem xét giải quyết theo thẩm quyền phân cấp quản lý, cơ bản không có vướng mắc gì lớn.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã mạnh dạn cử CBCCVC tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng và hưởng các chế độ hỗ trợ. Từ năm 2019 đến nay, tổng số trường hợp được đào tạo, bồi dưỡng là 7.908 lượt (trong đó đào tạo 2.146, bồi dưỡng 5.762). Ngoài ra, Nghị quyết 24 của HĐND tỉnh quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, công chức được phân công nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên được bồi dưỡng 30.000 đồng/ngày; chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã 100.000 đồng/ngày. Thời gian qua, các địa phương đã thực hiện chi hỗ trợ đầy đủ, kịp thời, đúng theo quy định.

Ban Pháp chế - HĐND tỉnh giám sát tại các địa phương về việc triển khai thực hiện các nghị quyết nêu trên của HĐND tỉnh.
Ban Pháp chế - HĐND tỉnh giám sát tại các địa phương về việc triển khai thực hiện các nghị quyết nêu trên của HĐND tỉnh.

Trưởng Ban Pháp chế - HĐND tỉnh Nguyễn Thị Kim Nhung cho biết, Ban Pháp chế đã đi khảo sát thực tế tại các huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Tân Phú Đông, TX. Cai Lậy, TP. Mỹ Tho và UBND các xã, phường: Xã Bàn Long (huyện Châu Thành), xã Long Bình Điền (huyện Chợ Gạo), xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông), phường Nhị Mỹ (TX. Cai Lậy), phường 1 (TP. Mỹ Tho). Qua đó, ghi nhận nhiều nghị quyết của HĐND tỉnh về các chế độ, chính sách đối CBCCVC-NLĐ, người hoạt động không chuyên trách đã đi vào cuộc sống.

Việc sắp xếp, bố trí số lượng, chức danh; chi trả phụ cấp chức danh, phụ cấp kiêm nhiệm; hỗ trợ thêm theo trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với những người tham gia trực tiếp công việc ở cơ sở; giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, cấp ấp; việc sắp xếp, bố trí, giải quyết chính sách hỗ trợ dôi dư đối với CBCCVC, người hoạt động không chuyên trách cấp cơ sở; các chế độ đảm bảo điều kiện hoạt động của đại biểu HĐND được thực hiện cơ bản, kịp thời theo quy định tại các nghị quyết của HĐND tỉnh, góp phần ổn định cuộc sống, an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao của CBCCVC-NLĐ.

Các nghị quyết nêu trên của HĐND tỉnh đã tăng thêm thu nhập, khuyến khích CBCCVC, người hoạt động không chuyên trách cấp cơ sở an tâm công tác  (Ảnh: Công chức UBND xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo trong giờ làm việc).
Các nghị quyết nêu trên của HĐND tỉnh đã tăng thêm thu nhập, khuyến khích CBCCVC, người hoạt động không chuyên trách cấp cơ sở an tâm công tác (Ảnh: Công chức UBND xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo trong giờ làm việc).

Theo đánh giá của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, như: Nghị quyết 01/2019 quy định mức chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC và Nghị quyết 02/2019 quy định chính sách hỗ trợ thu hút nhân lực về công tác tại tỉnh Tiền Giang được HĐND tỉnh ban hành, nhưng một số cơ sở không nắm chắc, hoặc hiểu không đúng, dẫn đến còn lúng túng trong thực hiện; hoặc giải quyết chế độ chưa đúng với quy định.

Một số địa phương thực hiện chưa thống nhất trong việc giải quyết chế độ dôi dư. Bên cạnh đó, do quy định của Trung ương và Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) nên người hoạt động không chuyên trách ở cấp ấp không được ngân sách hỗ trợ BHXH, BHYT. Một số CBCCVC năng lực nắm bắt, chỉ đạo, điều hành, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra còn hạn chế. Một số nghị quyết do cán bộ cơ sở chưa nắm, nên vẫn “còn trên giấy”…

GIẢI PHÁP

Theo Ban pháp chế - HĐND tỉnh, để các nghị quyết của HĐND tỉnh phát huy hết giá trị, hiệu quả, tạo động lực để CBCCVC-NLĐ, người hoạt động không chuyên trách đảm bảo cuộc sống và an tâm công tác, UBND tỉnh cần rà soát các văn bản của UBND tỉnh hướng dẫn thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, kịp thời kiến nghị HĐND tỉnh điều chỉnh các nội dung chưa phù hợp; đồng thời, tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh để đảm bảo thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định. Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành có liên quan rà soát các nghị quyết của HĐND tỉnh không còn phù hợp để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ theo quy định.

Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND cấp huyện kiểm tra, hướng dẫn UBND cấp xã sớm giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo Nghị quyết 21/2019 của HĐND tỉnh đối với các trường hợp chưa giải quyết; động viên CBCCVC cấp xã tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo đến năm 2024 đáp ứng chuẩn chuyên môn trình độ đại học trở lên theo quy định của Trung ương đối với CBCCVC-NLĐ cấp cơ sở.

Ngoài ra, có thể tận dụng kênh Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật BHXH theo hướng quy định người hoạt động không chuyên trách ở cấp ấp thuộc nhóm đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH.

HOÀI THU

.
.
.