Thứ Sáu, 23/09/2022, 09:22 (GMT+7)
.

Vang mãi "Mùa thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến"

Đêm 22-9-1945, Pháp nổ súng chiếm trụ sở UBND Nam bộ và nhiều cơ quan nhà nước ta ở các trung tâm thành phố, bắt đầu âm mưu đánh từ Sài Gòn ra khắp Nam bộ để đánh chiếm cả nước. Dân quân Tự vệ ta đã đánh trả ngay. Các lực lượng sẵn sàng chờ lệnh của Chính phủ để chiến đấu. Ngày 23-9-1945, Nam bộ sục sôi kháng chiến, khắp Trung - Nam - Bắc vang lên câu hát: “Tiếng súng vang sông núi miền Nam, ầm đất nước Việt Nam. Tiếng súng vang lừng khắp non sông, giục ta ra tranh đấu…”.

Lực lượng vũ trang cách mạng tham gia phong trào Nam tiến, sát cánh cùng đồng bào Nam bộ và Nam Trung bộ đánh giặc cứu nước. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Lực lượng vũ trang cách mạng tham gia phong trào Nam tiến, sát cánh cùng đồng bào Nam bộ và Nam Trung bộ đánh giặc cứu nước. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đã 77 năm trôi qua nhưng những lời bài hát “Nam bộ kháng chiến” của Nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn nhắc nhớ chúng ta không khí hào hùng, sục sôi của những ngày Nam bộ kháng chiến: “Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến / Rền khắp trời, lời hoan hô dân quân Nam nhịp chân tiến ra trận tiền…”.

NAM BỘ “THÀNH ĐỒNG TỔ QUỐC”

Từ sau ngày 23-9-1945, mỗi sáng, trong các cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng do Bác Hồ chủ trì, đều bàn về vấn đề Nam bộ; và những ngày sau đó đã phát động toàn dân kháng chiến trường kỳ ủng hộ đồng bào Nam bộ kháng chiến.

Bác Hồ đề nghị Chính phủ có những biện pháp thật cụ thể, từ những việc làm nhỏ, như tìm một số khẩu hiệu rõ ràng, giản dị, dân chúng dễ thực hành trong từng gia đình, làng xóm; kẻ khẩu hiệu, biểu ngữ, làm hũ gạo kháng chiến; tổ chức triển lãm và các hoạt động có thể tạo nguồn tài chính để trợ giúp Nam bộ.

Trong thời gian 4 tháng cuối năm 1945, Bác Hồ đã 4 lần gửi thư cho Nam bộ. Ngoài các lần gửi thư trực tiếp, trong những bài viết khác, có 40 lần Bác nhắc tới những người và việc ở miền Nam với những lời lẽ thật hào hùng và thống thiết.

Với khí thế cách mạng sôi nổi và phấn khởi, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Việt Minh và nhân dân thị xã Mỹ Tho vinh dự tổ chức Lễ đón tiếp các đồng chí đảng viên trung kiên của Đảng từ ngục tù Côn Đảo trở về, trong đó có các đồng chí lãnh tụ của Đảng: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ… tại Trường College de Mytho với sự xúc động và niềm vui vô hạn.

Một sự kiện quan trọng khác trong thời điểm này là, Hội nghị Xứ ủy Nam bộ vào ngày 25-9-1945, gồm đại diện Đảng bộ các tỉnh Nam bộ tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Thể (gần cầu Vĩ, xã Mỹ Phong). Các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẫn, Dương Khuy, Nguyễn Văn Tiếp… đến dự, đặc biệt là đồng chí Hoàng Quốc Việt - Phái viên của Trung ương Đảng đến dự và phổ biến chủ trương của Đảng.

Ngày 26-9-1945, Đài phát sóng Bạch Mai (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam) phát đi toàn văn Thư kêu gọi đồng bào Nam bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam bộ, khẳng định sự ủng hộ của cả nước đối với các “chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”, và phát đi nhiều lần. Cuối thư là hai câu:

“Nước Nam độc lập muôn năm!
Đồng bào Nam bộ muôn năm!”.

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Bác Hồ và Chính phủ, nhân dân Nam bộ đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ thành quả cách mạng, ra sức củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang. Mặc dù trong tay chủ yếu là nhựng vũ khí thô sơ, song quân và dân Nam bộ với tinh thần “Độc lập hay là chết” đã anh dũng chiến đấu, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ kìm giữ chúng ở các thành phố và thị xã trong một thời gian dài, tạo điều kiện cho quân và dân cả nước có thêm thời gian để củng cố lực lượng, bước vào cuộc kháng chiến lâu dài.

Khắp các địa phương trong cả nước sục sôi “Ủng hộ cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Nam bộ”, thanh niên nô nức tòng quân, các chi đội Nam tiến gấp rút lên đường vào Nam chiến đấu… Chiến trường Nam bộ quy tụ sức mạnh của cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.

Với truyền thống yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất, vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong quá trình chống thực dân Pháp xâm lược, tháng 2-1946, trong đợt tôn vinh chiến công vang dội, Bác Hồ đã tặng quân và dân Nam bộ danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”.

NHỮNG  NGÀY ĐẦU KHÁNG CHIẾN Ở 2 TỈNH MỸ THO VÀ GÒ CÔNG

Thực hiện chủ trương của Hội nghị Xứ ủy Nam bộ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các chi bộ, chính quyền thị xã Mỹ Tho, thuộc tỉnh Mỹ Tho (nay là TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã tổ chức thành lập Ủy ban Kháng chiến xã Điều Hòa và các xã Trung An, Đạo Thạnh, Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh. Phát động thanh niên, học sinh, đoàn viên, thanh niên gia nhập vào lực lượng vũ trang chiến đấu của thị xã Mỹ Tho, thay cho lực lượng vũ trang của Chi đội Thủ Khoa Huân chuyển về tỉnh; đồng thời, biên chế thành các đội vũ trang chiến đấu, do các đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phan Đình Lân, Phan Lương Trực… chỉ huy.

Lực lượng này đã tổ chức giật hơn 40 súng đạn của Nhật tại kho Bát-tam-băng và lặn mò lấy súng đạn trên 2 tàu chìm của Pháp, Nhật để tự trang bị vũ khí cho mình; đồng thời, cử cán bộ đi học lớp quân sự của tỉnh tại xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành để về tăng cường khả năng chỉ huy cho các đơn vị. Ngoài ra, chính quyền thị xã Mỹ Tho còn tổ chức các đội du kích mật, cùng với lực lượng vũ trang chiến đấu bố trí chốt giữ ở các vị trí trọng yếu: Ngã ba Trung Lương, cầu Tàu, bến Tắm Ngựa, cầu Vĩ… Các bộ phận tiếp tế, cứu thương, địa điểm điều trị thương binh cũng đã được hình thành…

Trận phá xe quân Pháp ở xã Long Bình Điền (huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho; nay là tỉnh Tiền Giang) vào tháng 7-1947 của Tiểu đoàn 305 Mỹ Tho. Ảnh: Tư liệu
Trận phá xe quân Pháp ở xã Long Bình Điền (huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho; nay là tỉnh Tiền Giang) vào tháng 7-1947 của Tiểu đoàn 305 Mỹ Tho. Ảnh: Tư liệu

Tháng 9-1945, tất cả các xã trong tỉnh Mỹ Tho đều tổ chức được lực lượng tự vệ, nhiều xã có đến 3 trung đội, xã ít nhất có 1 trung đội, với những vũ khí còn thô sơ (tầm vông vạt nhọn, dao găm, mã tấu, súng mút hoặc súng lửa...).

Ngày 9-9-1945, Tỉnh ủy Gò Công thành lập lực lượng vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh, lấy tên là Cộng hòa Tự vệ, gồm 4 trung đội, với hơn 100 người, thành phần gồm những nông dân yêu nước, những người hiểu biết về quân sự được tuyển chọn, được huấn luyện cơ bản và sẵn sàng chiến đấu.

Ngày 15-10-1945, để chấm dứt tình trạng tồn tại 2 Xứ ủy (Tiền phong và Giải phóng), các đảng viên chủ chốt của 2 Xứ ủy và các đảng viên mới từ nhà tù Côn Đảo trở về quyết định tổ chức Hội nghị Xứ ủy ở nhà ông Nguyễn Tử Vân, xóm cầu Vĩ, xã Mỹ Phong, quận Chợ Gạo (nay là xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho). Hội nghị cử ra Xứ ủy lâm thời Nam kỳ gồm 11 thành viên, thống nhất đề cử đồng chí Tôn Đức Thắng giữ chức vụ Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam kỳ.

Xứ ủy lâm thời ra Nghị quyết: Củng cố, thống nhất các tổ chức Đảng và Mặt trận Việt Minh từ cấp xứ đến cơ sở; chỉ định một số Bí thư Tỉnh ủy tăng cường bố trí số đảng viên từ Côn Đảo mới về vào chính quyền và các tổ chức đoàn thể cách mạng của các tỉnh, thành, thị trong toàn Xứ. Thành lập Ủy ban Kháng chiến, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến. Xây dựng căn cứ kháng chiến ở Đồng Tháp Mười, đưa cán bộ xuống xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang tập trung. Lập các binh công xưởng ở căn cứ. Các cơ quan và lực lượng vũ trang chủ động rút ra khỏi thành phố, lập các phòng tuyến ngăn chặn địch...

Thực hiện lệnh Tổng động viên và Lời kêu gọi nhân dân kháng chiến giết giặc cứu nước của Xứ ủy Nam bộ, Tỉnh ủy Mỹ Tho và Gò Công đã lãnh đạo các ngành, đoàn thể cứu quốc và các chi bộ, đảng bộ cơ sở khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến. Thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống”, “tiêu thổ kháng chiến”, các thành thị ở 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công còn rất ít người. Lương thực, thực phẩm được nhân dân mang đi hoặc chôn cất. Một số nơi du kích tổ chức giật súng của Nhật để tự trang bị cho mình. Không khí kháng chiến đã thực sự nằm trong ý thức của đông đảo các tầng lớp nhân dân 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công.

HÀ NAM - HÀ ANH

.
.
.