.

Mốc son 92 năm của Hội Nông dân Việt Nam

Cập nhật: 08:45, 13/10/2022 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14-10-1930 - 14-10-2022), Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang và cán bộ, hội viên, nông dân cùng nhau ôn lại quá trình hình thành và phát triển của Hội Nông dân Việt Nam; là dịp động viên hội viên, nông dân ra sức thi đua, tham gia hưởng ứng các phong trào Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội các cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang tổ chức Họp mặt nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14-10-1930 - 14-10-2020).
Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang tổ chức Họp mặt nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14-10-1930 - 14-10-2020).

GIAI CẤP NÔNG DÂN CẦN CÓ TỔ CHỨC RIÊNG

Đời sống nông dân dưới thời Pháp thuộc vô cùng nghèo nàn, đau khổ. Song chính trong sự áp bức, bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp và tay sai đã khiến cho họ nhận rõ bộ mặt thực của kẻ thù dân tộc và kẻ thù giai cấp. Bằng những kinh nghiệm trực tiếp của mình, giai cấp nông dân đã tiến từng bước tới giác ngộ chính trị. Họ sẵn sàng ủng hộ, đi theo các phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì quyền lợi của người lao động.

Nguyễn Ái Quốc là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam, từ lâu Người đã hiểu và gắn bó với nông dân Việt Nam. Trong cuốn Đường Kách mệnh (1927), đồng chí Nguyễn Ái Quốc đặt vấn đề nông dân Việt Nam muốn thoát khỏi ách áp bức, bóc lột thì phải “tổ chức nhau lại”, vì vậy Người đã dành riêng một chương phân tích về tình hình nông dân Việt Nam và tầm quan trọng của “Tổ chức dân cày”; (1) Vạch rõ nguồn gốc đói nghèo, đau khổ của nông dân Việt Nam chính là do sự áp bức, bóc lột tàn nhẫn của đế quốc, phong kiến và bè lũ tay sai. Vì vậy “Nếu dân cày An Nam muốn thoát khỏi vòng cay đắng, thì phải tổ chức nhau kiếm đường giải phóng”; (2) Giai cấp nông dân cần phải có tổ chức riêng của mình là Hội dân cày. Nhưng trong tình hình hiện tại chưa nên gọi là Hội dân cày, mà nên gọi là phường lợp nhà, phường đánh cá, phường chung lúa…

Cuối thập kỷ 20 của thế kỷ XX, Nông hội đỏ đã xuất hiện ở một số địa phương. Tháng 11-1929, Ban Chấp hành Tổng Nông hội Nghệ An ra đời, do đồng chí Phan Thái Ất làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung kỳ, ngày 10-12-1929 ở thành phố Vinh - Bến Thủy và một số vùng ở Nghệ An rải truyền đơn kêu gọi các tầng lớp nhân dân tham gia các tổ chức quần chúng của Đảng Cộng sản. Truyền đơn có phần kêu gọi Dân cày gia nhập Nông hội, theo Đảng Cộng sản đấu tranh đòi bỏ thuế người, thuế vườn, thuế chợ, thuế đò, bỏ lệ bắt phu… Tiếp đó, nhiều tổ chức Nông hội đỏ được thành lập ở Thái Bình, Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Hải Dương và các tỉnh Trung kỳ, Nam kỳ…

Những năm qua, bằng việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, nông dân, Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả công tác Hội và các phong trào nông dân, phát huy truyền thống lao động cần cù, chịu khó, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân, khẳng định vị trí quan trọng của nông dân và vai trò nòng cốt của các cấp Hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh nhà. Tổ chức Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang không ngừng được củng cố, phát triển, đến nay toàn tỉnh có 164 cơ sở hội, 937 chi hội và 7.842 tổ hội, với 264.621 hội viên.

Với sự đóng góp và nỗ lực trên, năm 2013, Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Đầu năm 1930, Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Cửu Long (Hương Cảng - Trung Quốc), trong Sách lược vắn tắt của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc dự thảo, được Hội nghị hợp nhất thông qua ngày 3-2-1930 đã nêu ra những vấn đề cơ bản đối với giai cấp nông dân: “Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày nghèo làm cách mạng thổ địa đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến”; đồng thời, Đảng nhấn mạnh “Nông dân là lực lượng to lớn của cách mạng”. Vì vậy, phải tập hợp nông dân vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đấu tranh giành độc lập tự do và thực hiện cách mạng ruộng đất.

Cao trào cách mạng 1930 - 1931, dưới sự lãnh đạo của các Đảng bộ địa phương, các tổ chức Nông hội cấp cơ sở được hình thành ở Nam kỳ, Trung kỳ, đặc biệt là ở Nghệ - Tĩnh. Nông dân cả nước đã vùng lên đấu tranh cùng với công nhân giành thắng lợi từng bước. Chỉ tính từ tháng 5-1930 - 10-1930 cả nước có 53.000 hội viên Nông hội.

Trên cơ sở đó, Hội nghị lần thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp trong tháng 10-1930 tại Hương Cảng đã thông qua bản Luận cương chính trị. Luận cương nêu rõ: “Dân cày là hạng người chiếm đại đa số ở Đông Dương (hơn 90 phần trăm), họ là một động lực mạnh cho cách mạng tư sản dân quyền”. Luận cương vạch rõ: “Vấn đề thổ địa là cái cốt của cách mạng tư sản dân quyền, vô sản giai cấp có đứng đầu và cùng với quần chúng dân cày để tranh đấu và binh vực quyền lợi hằng ngày cho dân cày và để thực hành thổ địa cách mạng cho triệt để thì mới giành quyền lãnh đạo dân cày được”.

Cùng với việc thông qua Luận cương chính trị, Hội nghị còn ra Nghị quyết về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, trong đó nêu rõ các quyết định quan trọng của Hội nghị, một trong các quyết định đó là “phải chỉnh đốn Nông hội lại cho có hệ thống theo điều lệ mới và dự bị việc tổ chức Đông Dương Tổng Nông hội”.

ĐẾN TỔ CHỨC NÔNG HỘI

Tại Hội nghị quan trọng này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương. Điều lệ Tổng Nông hội Đông Dương quy định: “Hễ Nông hội nào thừa nhận mục đích, Điều lệ và chịu thi hành những án nghị quyết của Tổng Nông hội Đông Dương và nộp hội phí thì được nhận làm hội viên”. Trong đó trọng tâm là xây dựng tổ chức Nông hội, cơ sở của Nông hội là làng.

Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay) tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10-1930 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam, sự trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt của phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mặc dù về danh nghĩa Hội Nông dân Việt Nam vẫn chưa được thành lập, nhưng các tổ chức Nông hội vẫn tiếp tục hoạt động dưới hình thức tổ chức Nông hội đỏ, tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay. Các nghị quyết của Hội nghị tháng 10-1930 được phổ biến sâu rộng; dựa vào Điều lệ Nông hội làng, các tổ chức Nông hội hoạt động chủ động, sáng tạo, tập hợp đông đảo lực lượng nông dân tham gia các phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân và tay sai của chúng.

Tháng 3-1937, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và quyết định đổi tên Nông hội đỏ thành Nông hội. Nông hội có nhiệm vụ thu hút đông đảo nông dân đoàn kết đấu tranh đòi cứu tế nạn đói, giảm tô, giảm tức, cải cách hương thôn, đòi chia lại ruộng đất công, chống sưu cao thuế nặng, phù thu lạm bổ, chống nạn cướp ruộng đất…

Tháng 5-1941, khẳng định nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tạm gác nhiệm vụ cách mạng ruộng đất thay bằng khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của đế quốc, Việt gian chia cho dân cày nghèo, thực hiện giảm tô, giảm tức; thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh); Mặt trận các đoàn thể lấy tên là Cứu quốc. Vì vậy: “Nông hội từ nay gọi là Việt Nam Nông dân cứu quốc Hội”, Việt Nam Nông dân cứu quốc Hội là một bộ phận của Việt Nam độc lập đồng minh, với mục đích thu nạp hết thảy nông dân đến cả hạng phú nông, địa chủ muốn đánh Pháp, đuổi Nhật giành lại quyền độc lập cho nước Việt Nam.

Đến cuối năm 1949, Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ nhất họp từ ngày 28-11 đến ngày 7-12-1949 đã nhất trí thành lập Hội Nông dân cứu quốc Trung ương (sau này đổi tên là Ban Liên lạc Nông dân toàn quốc). Lần đầu tiên trong lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam, giai cấp nông dân có một tổ chức Hội ở cấp Trung ương, đáp ứng nguyện vọng của nông dân cả nước.

Ngày 21-4-1961, ở miền Nam, tổ chức Hội có tên gọi là Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập và là thành viên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sự ra đời của Hội là một mốc lịch sử đánh dấu sự phát triển của tổ chức nông dân, mà trên thực tế hàng ngàn cơ sở Nông hội cứu quốc ở các khu, tỉnh, huyện, xã đã được phục hồi trong thời gian Đồng khởi.

Ngày 27-9-1979, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập tổ chức thống nhất của nông dân lao động trong cả nước, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, lấy tên là “Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam”.

Ngày 1-3-1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định 42 về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành “Hội Nông dân Việt Nam”. Bên cạnh đó, tại phiên họp ngày 17-1-1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14-10-1930 làm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.

LÊ MINH (tổng hợp)

.
.
.