Thứ Năm, 08/06/2023, 12:26 (GMT+7)
.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Kiểm soát quyền lực cán bộ có chức vụ

Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân sâu xa của tha hóa quyền lực là chủ nghĩa cá nhân, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống. Vì vậy, phải kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước; đồng thời thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực đối với người có chức vụ quyền hạn.

a
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, sáng 8-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Sáng 8-6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bắt đầu trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Không còn sở hữu chéo ngân hàng trên sổ sách

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) chất vấn, nhiều ĐB đồng tình với đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội rằng, tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn rất đáng lo ngại, bất chấp ngành ngân hàng đã trải qua nhiều giai đoạn thực hiện tái cơ cấu. Vì vậy, ĐB đề nghị Phó Thủ tướng cho ý kiến về vấn đề này.

a
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) chất vấn sáng 8-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Trả lời ĐB về sở hữu chéo trong ngân hàng, Phó Thủ tướng cho biết, không phát hiện trường hợp sở hữu chéo khi kiểm tra trên hồ sơ, vì một số trường hợp đã nhờ đứng tên. Sở hữu chéo không chỉ sở hữu về vốn mà còn sở hữu về những hoạt động khác, làm méo mó nền kinh tế, ảnh hưởng chung. Sắp tới, để hạn chế tối đa sở hữu chéo trong ngân hàng, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước rà soát, hoàn thiện chính sách, quy định, trong đó sửa Luật các Tổ chức tín dụng.

Phó Thủ tướng mong rằng các ĐB đóng góp trí tuệ vào dự án luật này. Cùng với đó, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát một cách có trọng tâm trọng điểm.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, sở hữu chéo, đối với ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng là vừa huy động vốn vừa cho vay, không phải sử dụng vốn của mình mà sử dụng vốn huy động. Do đó, việc kiểm soát, giám sát, quản lý theo tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt do việc sở hữu chéo tác động đến hành vi thao túng hoạt động ngân hàng, đặc biệt là hoạt động tín dụng. Vấn đề này được Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao, tổ chức thanh tra, kiểm tra và hiện không còn trường hợp sở hữu chéo trong hồ sơ, sổ sách.

Đánh giá tác động thuế tối thiểu toàn cầu

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) chất vấn triển vọng của dòng vốn FDI vào Việt Nam không lạc quan khi thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ đầu năm 2024; khiến các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút FDI của chúng ta bị suy giảm hiệu lực, hiệu quả.

Trả lời ĐB về thuế tối thiểu toàn cầu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tháng 6-2021, nhóm G7 đã đạt được thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu, ấn định mức thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 15%. Tính đến tháng 7-2021 các nước G20 đã thống nhất mức thuế tối thiểu toàn cầu. Cuối năm 2022, 138 nước đã thống nhất về khung thuế. Về nguyên tắc, đây là thỏa thuận hợp tác quốc tế hội nhập, không bắt buộc. Tuy nhiên, các nước đã tham gia và đã nội luật hóa, có hiệu lực thi hành trong năm 2024.

Về vấn đề này, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt Chủ tịch Quốc hội rất quan tâm, đã có nhiều diễn đàn có chỉ đạo về vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác nghiên cứu đánh giá tác động để đề xuất. Tổ công tác vừa báo cáo, Thường trực Chính phủ đã họp, Bộ KH-ĐT có đánh giá tác động, Chính phủ sẽ trình Quốc hội những giải pháp sớm nhất trong thời gian tới nhằm bảo đảm được quyền, nghĩa vụ hợp pháp của các nhà đầu tư, lợi ích của quốc gia.

Kiểm soát lạm phát năm 2023 khoảng 4,5%

ĐB Triệu Thị Huyền (Yên Bái) chất vấn, từ ngày 1-7, lương cơ sở sẽ tăng. Giá của một số loại mặt hàng dịch vụ thiết yếu như: điện, y tế, giáo dục, bảo hiểm trong thời gian tới có thể xem xét tăng theo lộ trình giá thị trường. ĐB đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết các giải pháp tổng thể về điều hành giá để đảm bảo kiểm soát lạm phát và tránh được hiệu ứng tâm lý tăng lương, tăng giá, một số mặt hàng có thể sẽ tăng giá. Giải pháp nào để kiềm chế việc tăng giá, để việc tăng lương thực sự có tác dụng?

a
Đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) chất vấn sáng 8-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Phó Thủ tướng cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành phải nắm bắt, dự báo được thị trường để điều hành giá linh hoạt, hiệu quả. Cùng với đó, phải bảo đảm cung -cầu hàng hóa để không làm biến động giá. Những mặt hàng thiết yếu, hàng hóa do Nhà nước định giá thì cần điều hành, kiểm soát chặt chẽ; tránh những hiện tượng lợi dụng để trục lợi về giá. Chính phủ rất quan tâm về công tác điều hành giá.

Việc tăng lương, theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã tính toán kỹ tác động, sẽ không ảnh hưởng lớn đến điều hành giá. Quan điểm nhất quán là điều hành giá, bảo đảm kiểm soát lạm phát năm 2023 khoảng 4,5% như nghị quyết của Quốc hội.

Phải đưa nhanh vốn vào nền kinh tế

ĐB Vương Thị Hương (Hà Giang)
cũng đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết nguyên nhân, trách nhiệm xử lý và giải pháp căn cơ trong thời gian tới để giải quyết tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công.

a
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn của các đại biểu sáng 8-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo Phó Thủ tướng, về giải ngân vốn đầu tư công, 5 tháng đầu năm 2023, giải ngân đạt 157.000 tỷ đồng, tỷ lệ 22,2%. Số tuyệt đối giải ngân cao hơn cùng kỳ là 41.000 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2022.

So với cùng kỳ các năm trước thì không chậm, cơ bản tương đương, trên 20%. “Nhưng, chậm so với kế hoạch, so với mong muốn đưa vốn vào nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay, cần đưa vốn vào để đáp ứng nhu cầu phát triển. Đặc biệt là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn khá chêch lệch giữa các bộ ngành, địa phương. Cần khắc phục”, Phó Thủ tướng nói.

Ngăn chặn hành vi kích động người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần

ĐB Vương Thị Hương (Hà Giang) chất vấn về thực trạng cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, nhất là ở các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động, xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập và đời sống của người dân. Chính phủ có giải pháp gì để hỗ trợ người lao động trong bối cảnh thị trường lao động đang khó khăn, nhiều lao động bị mất việc, giảm việc làm?

a
Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) chất vấn sáng 8-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Phản hồi, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung đã trả lời chất vấn rất đầy đủ. Từ đầu năm đến nay, tình trạng lao động bị mất việc, giãn việc tăng cao. Chính phủ đã tính toán các giải pháp để xử lý tình huống này tốt nhất. Đầu tiên là làm sao để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, từ đó bảo đảm việc làm cho người lao động. Với người lao động, cần có các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế...

Bên cạnh đó, phải tăng cường kết nối cung - cầu việc làm thông qua các sàn giao dịch việc làm. Đặc biệt, cũng phải tuyên truyền, ngăn chặn việc lợi dụng kích động người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Kiểm soát quyền lực cán bộ có chức vụ

Cho rằng tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) chất vấn đâu là giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực?

a
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) chất vấn sáng 8-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả cần kiểm soát được quyền lực. Đây là việc có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, do quyền lực có xu hướng gây tha hóa khi không kiểm soát. Kiểm soát quyền lực là việc căn cơ trong phòng, chống tham nhũng, giúp loại bỏ, phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm sai phạm.

Phó Thủ tướng nhắc lại 8 bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác này. Trong đó, bài học về kiểm soát quyền lực là rất quan trọng.

Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân sâu xa của tha hóa quyền lực là chủ nghĩa cá nhân, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống. Vì vậy, phải kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước; đồng thời thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực đối với người có chức vụ quyền hạn. Đi cùng với đó là tăng cường giám sát kiểm soát quyền lực người thực thi công vụ có chức vụ quyền hạn… Đặc biệt là phải đề cao tinh thần tự soi tự sửa, tự rèn luyện và phát huy vai trò giám sát của người dân.

Bảo vệ quyền lợi người dân, nhà đầu tư

Đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) chất vấn, thời gian thị trường bất động sản, tài chính, chứng khoán gặp khó khăn, thậm chí khủng hoảng. Quan điểm chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ thế nào để thị trường bất động sản, tài chính giảm bớt khó khăn?

a
Đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) chất vấn sáng 8-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhìn nhận, hiện nay, có nhiều khó khăn ảnh hưởng đến điều hành hoạt động của các doanh nghiệp, thanh khoản thấp trong khi đối mặt áp lực nghĩa vụ đáo hạn nợ. Cùng với đó, các doanh nghiệp vướng mắc, khó khăn trong xử lý trái phiếu doanh nghiệp, sử dụng đòn bẩy tài chính chưa hợp lý, thậm chí sai phạm, thời gian qua có nhiều trường hợp bị điều tra, truy tố.

Thị trường bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn liên quan đến pháp lý, cơ cấu sản phẩm thiếu hợp lý khi sản phẩm bất động sản cao cấp chiếm phần lớn trong cơ cấu sản phẩm.

Trước khó khăn trên, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 2 tổ công tác do 2 Phó Thủ tướng trực tiếp làm tổ trưởng để rà soát đánh giá tồn tại, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng với đó, Chính phủ đã chỉ đạo hoàn thiện căn cứ pháp lý, sửa đổi nghị định, thông tư có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo minh bạch thị trường, trên tinh thần trách nhiệm, thúc đẩy việc thực hiện theo cam kết của doanh nghiệp, nếu vi phạm xử lý nghiêm để bảo vệ quyền lợi người dân và nhà đầu tư.

Mở đầu phiên chất vấn, Phó Thủ tướng báo cáo cập nhật tình hình kinh - tế xã hội cho biết, trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6, trước tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nền kinh tế chịu tác động kép, vừa phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội và đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát (CPI tiếp tục xu hướng giảm, bình quân 5 tháng ở mức 3,55%); các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đạt 22,2% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm 2022, nhưng số tuyệt đối cao hơn 41.000 tỷ đồng; thu hút vốn FDI tháng 5 đạt gần 2 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt khoảng 95.000 doanh nghiệp. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được chú trọng, tăng cường. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực đối với triển vọng kinh tế Việt Nam.

a
Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 8-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Phó Thủ tướng cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta còn không ít hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên trong và bên ngoài, đúng như nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu, như tăng trưởng tín dụng thấp, tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, đứt gãy các chuỗi cung ứng, thị trường lao động, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn bất cập; chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tiếp tục giảm; sức mua của nhiều thị trường lớn, truyền thống suy giảm như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN… đã tác động, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực của nước ta. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường khoảng 88.000 doanh nghiệp; thiếu điện cục bộ ở các địa phương miền Bắc; việc thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và công tác quy hoạch còn chậm. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là công nhân lao động, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; một bộ phận cán bộ có tư tưởng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai.

Báo cáo cơ chế, chính sách hỗ trợ mới trong trường hợp cần thiết

Về an sinh xã hội, lao động, việc làm, Phó Thủ tướng cho biết, gần đây, tình trạng người lao động bị mất việc, giảm giờ làm xảy ra cục bộ tại một số địa phương và trong một số ngành nghề; trong 5 tháng đầu năm có 510.000 lao động bị ảnh hưởng, trong đó 279.000 lao động bị thôi việc, mất việc. Việc chậm đóng, trốn đóng và rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng… Do đó, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn; báo cáo cấp có thẩm quyền về các cơ chế, chính sách hỗ trợ mới trong trường hợp cần thiết.

Chính phủ sẽ khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 tới đây, bảo đảm và nâng cao quyền lợi người tham gia bảo hiểm xã hội cùng với tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần; kiên quyết xử lý các cá nhân, doanh nghiệp cố tình chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

a
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, sáng 8-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Kịp thời rà soát, xử lý, thay thế hoặc điều chuyển cán bộ “sợ sai”

Đáng chú ý, về xử lý tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, Phó Thủ tướng nêu rõ, thời gian gần đây, xảy ra tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc; có tâm lý e ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; có trường hợp đẩy việc lên cấp trên hoặc sang các cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương, chủ yếu trong các lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm công, đầu tư, định giá, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp...

Tình trạng này dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây lãng phí thời gian, nguồn lực, cơ hội phát triển, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, gây cản trở công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Tới đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, yếu kém nêu trên; quán triệt và tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; kiên quyết không để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là thanh tra, kiểm tra đột xuất; biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tổ chức, cá nhân các cơ quan, tập thể, cán bộ, công chức quyết liệt trong thi hành công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dám nói, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đồng thời, Chính phủ sẽ kịp thời rà soát, xử lý, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm.

a
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, sáng 8-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Theo đó, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn lực phù hợp gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; trình Quốc hội về việc tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, xây dựng, đất công nghiệp, đất lúa, đất rừng….

Về rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét việc mở rộng thí điểm tách giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư thành dự án độc lập; tăng thẩm quyền cho địa phương trong đầu tư phát triển các dự án kết cấu hạ tầng...

Đồng thời, Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện, đề xuất hoặc chủ động ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; xử lý hiệu quả vướng mắc, bất cập, nhất là đối với các dự án công nghiệp, xây dựng, thương mại, bất động sản, các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, nhà ở; chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và rà soát, xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành, người dân, doanh nghiệp.

a
Các đại biểu dự phiên họp sáng 8-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Công khai minh bạch trong hoạt động đăng kiểm

Trả lời chất vấn của ĐB liên quan đến sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, đây là bài học kinh nghiệm quý giá, nhất là bài học trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phó Thủ tướng nhìn nhận sai phạm xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm diễn ra trong thời gian dài, phạm vi rộng với số lượng đối tượng vi phạm đông. Các đối tượng vi phạm đến 9 nhóm tội, xảy ra ở 39 tỉnh, thành.

Qua sự cố đau xót này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh đến một số giải pháp như: tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát hoàn thiện các cơ chế chính sách, mô hình hoạt động của đăng kiểm; cùng với đó là công khai minh bạch trong hoạt động đăng kiểm... Làm tốt những việc đó thì mới đáp ứng yêu cầu "đập chuột nhưng không vỡ bình".

Theo sggp.org.vn


 

.
.
.