.
KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV:

Quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước

Cập nhật: 09:26, 22/01/2024 (GMT+7)

Sau 3,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm và thống nhất, đồng thuận cao, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Những nội dung được QH quyết định tại Kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024 và cả nhiệm kỳ, mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài.

TẠO ĐỘNG LỰC ĐƯA NƯỚC TA PHÁT TRIỂN

Tại Kỳ họp, QH đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, xem xét kỹ lưỡng và biểu quyết thông qua các nội dung: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG); Nghị quyết về việc sử dụng dự phòng chung, dự phòng nguồn ngân sách Trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu QH đơn vị  tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh cùng các đại biểu QH tỉnh Tiền Giang tham gia biểu quyết tại  Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của QH.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu QH đơn vị tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh cùng các đại biểu QH tỉnh Tiền Giang tham gia biểu quyết tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của QH.

Trong đó, Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, KT-XH, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Đối với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), với các nội dung được sửa đổi, bổ sung rất căn bản, toàn diện và đồng bộ. Dự án Luật này sẽ góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực ngân hàng; tăng cường tính công khai, minh bạch, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế phổ biến; hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý nợ xấu, tình trạng sở hữu chéo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại có giá trị gia tăng cao; tăng cường năng lực tài chính, quản trị và chất lượng hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Điển hình như tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, dự thảo Luật đã quy định phạm vi người có liên quan đối với quỹ tín dụng nhân dân hẹp hơn so với các loại hình tổ chức tín dụng khác và thể hiện tại điểm h khoản 24 Điều 4 của dự thảo Luật. Về hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng (tại Điều 5, Điều 113), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Đồng thời, giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng. Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (tại Chương XII), tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH chỉnh lý theo hướng quy định về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ tại khoản 3 Điều 200 và về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đã nhận làm tài sản bảo đảm trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành để thu hồi nợ tại khoản 15 Điều 210 của dự thảo Luật…

KHẲNG ĐỊNH TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, ĐI ĐẾN CÙNG VẤN ĐỀ

QH cũng đã nhất trí cao thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình MTQG. Đây là bước tiếp nối kết quả giám sát tối cao về chuyên đề này của QH tại kỳ họp trước, khẳng định tinh thần trách nhiệm, đi đến cùng vấn đề giám sát, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm thực hiện hiệu quả 3 chương trình MTQG có ý nghĩa hết sức quan trọng về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh: QH tiếp tục phát huy tinh thần “lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển”, để cùng Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Chủ tịch QH cũng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt sâu sắc, triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các nghị quyết của Trung ương Đảng, QH và các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 ngày 5-1-2024 của Chính phủ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới; đồng thời, quán triệt đầy đủ, nghiêm túc Chỉ thị 26 của Ban Bí thư, tập trung chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ nhân dân vui xuân, đón mừng năm mới, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đầm ấm, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón tết.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực thi đua, lập thành tích mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới, chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng.

QH xem xét, quyết định các vấn đề về tài chính, ngân sách, cho phép phân bổ, sử dụng gần 64.000 tỷ đồng cho các nhiệm vụ, dự án thuộc 5 lĩnh vực: Quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, khoa học công nghệ và giao thông; trong đó, dành gần 58.000 tỷ đồng cho 32 dự án giao thông trọng điểm.

Những vấn đề tài chính, ngân sách được QH quyết định tại Kỳ họp này là tiền đề quan trọng để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, thúc đẩy phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; nhất là hệ thống đường cao tốc, đường ven biển, cảng hàng không, các dự án liên kết vùng, góp phần hoàn thành mục tiêu có hơn 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025.

Tại Kỳ họp này, các đại biểu QH đơn vị tỉnh Tiền Giang đã tích cực tham gia phát biểu với nhiều nội dung đóng góp ý kiến đối với các dự án luật, nghị quyết được trình ra tại Kỳ họp...

THU HOÀI

 

.
.
.