Thứ Sáu, 12/09/2014, 12:52 (GMT+7)
.

45 năm thực hiện Di chúc của Bác: Vì dân và phục vụ nhân dân

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đảng vĩ đại là ở nơi Đảng biết tìm thấy sức mạnh từ trong nhân dân, vì nhân dân mà làm việc, cống hiến. Chính vì vậy, Bác căn dặn: “Việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân, thì phải hết sức tránh”.

Vì con người, vì nhân dân – một triết lý nhân văn cao cả

Suốt cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc. Bởi vậy, trước lúc đi xa, trong bản Di chúc của Người, tư tưởng vì con người và giải phóng con người thấm đượm chủ nghĩa nhân đạo cao cả, một triết lý nhân sinh mà Người đã dày công xác lập.

 Sau 45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã, đang và sẽ nỗ lực  không ngừng để làm cho người dân Việt Nam ngày càng ấm no, hạnh phúc. (Ảnh: TH)
Sau 45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã, đang và sẽ nỗ lực không ngừng để làm cho người dân Việt Nam ngày càng ấm no, hạnh phúc. Ảnh: TH

Trong Di chúc, Người nói về nhân dân vừa chứa chan tình yêu thương, vừa rất tự hào: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hǎng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”.

Trong thực hiện chính sách xã hội, Người đề cập cụ thể đến từng đối tượng, cảnh ngộ, thân phận. Vấn đề con người trong tư tưởng nhân văn Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong Di chúc là tình yêu thương đối với tất cả mọi tầng lớp người trong xã hội. Người căn dặn, phải có một chính sách đặc biệt đối với mọi tầng lớp nhân dân đã vì Tổ quốc mà hy sinh. Theo Người, đó là công việc nhất thiết phải làm, dẫu khó khăn, phức tạp đến mấy cũng phải ra sức làm…

Cụ thể, đối với cha mẹ, vợ con của các liệt sĩ, thương binh thì chính quyền địa phương và toàn xã hội phải “giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”… Ngay đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, Người cũng nhắc nhở: “Nhà nước phải vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp đỡ họ trở nên những người lao động lương thiện”.

Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: không phải ngẫu nhiên mà trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Công việc đầu tiên là đối với con người”, Bác dặn các thế hệ cách mạng phải chăm lo đến lợi ích của con người và Đảng cầm quyền có kế hoạch thật tốt để chăm lo đời sống nhân dân.

Với trái tim đầy tình yêu thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu và đồng cảm với nỗi thống khổ vì áp bức bất công, vì những gian lao, mất mát trong chiến tranh của nhân dân lao động từ miền xuôi đến miền ngược. Người đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân để đồng bào thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất sau nhiều năm liên tục góp sức người, sức của, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Đây là một sự quan tâm thiết thực của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nông dân. Trong bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta trước lúc đi xa, Người đã nghĩ đến chuyện sau chiến tranh trong việc bình công, báo công và chăm lo những người đã đóng góp cho cách mạng. Người thấu hiểu những người nông dân là những người vất vả, cực khổ nhất.

Nhấn mạnh đến chủ nghĩa nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ quan điểm về con người trong Di chúc là chủ nghĩa nhân văn hành động, nhằm “giải phóng và phát triển con người”, Tiến sĩ Doãn Thị Chín, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: Chủ nghĩa nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là tình yêu thương mà còn là niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh phẩm giá con người, nhất là nhân dân lao động. Chủ nghĩa nhân văn của Người là “mọi suy nghĩ, hành động” đều phải về con người cụ thể, con người số đông, biến mọi suy nghĩ thành hành động giải phóng người lao động.

Tiếp tục không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân

Cả cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh "chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Với mong ước về một xã hội phồn vinh, hạnh phúc cho nhân dân, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại lời di huấn thiêng liêng: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Người đã đề cập đến công việc cụ thể, từng đối tượng, cảnh ngộ, thân phận để thực hiện chính sách xã hội, phát huy nguồn lực con người.

Thực hiện Di nguyện của Người, Đảng đã đề ra và lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công công cuộc đổi mới, đưa nước ta từng bước ra khỏi khủng hoảng, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.

Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đặc biệt, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, biện pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội để làm cho dân ta ngày một ấm no, hạnh phúc. Nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ đói nghèo đã giảm mạnh từ mức hơn 60% năm 1990 xuống còn khoảng 7,6% năm 2013…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta vẫn còn những hạn chế, khó khăn đang tồn tại. Đó là khoảng cách, nguy cơ tụt hậu giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới ngày càng lớn. Nền kinh tế tuy đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Kết quả đạt được của nền kinh tế chưa vững chắc, lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ quay trở lại. Hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Nhiều vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt là vấn đề việc làm và an sinh xã hội; chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Để thực hiện được theo Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Chúng ta phải khắc phục được những hạn chế đang tồn tại. Điều này đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phát huy sức mạnh nội lực, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh".

“Để đất nước phát triển bền vững, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng lên thì Đảng ta càng cần phải thấm nhuần tư tưởng trọng dân, thân dân trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời phải luôn luôn xác định mục tiêu, ý chí và nhiệm vụ chính trị của Đảng là phục vụ nhân dân” – PGS.TS Lê Quốc Lý nêu rõ.

Có thể nói, sau 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã, đang và sẽ nỗ lực không ngừng để làm cho người dân Việt Nam ngày càng ấm no, hạnh phúc. Tư tưởng nhân văn cao cả trong Di chúc vẫn đang tiếp tục soi sáng trên mỗi bước đường đi và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta để vươn tới điều mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.