Thứ Năm, 18/09/2014, 08:11 (GMT+7)
.

Lời dặn của Người luôn cần thiết

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.

Bác đi vào cõi vĩnh hằng đến nay là 45 năm – cũng là 45 năm Đảng ta công bố di chúc của Người. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng thấy được sự vĩ đại của Bác trong những lời căn dặn cuối cùng của mình.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã có cuộc trò chuyện về bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đã 45 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Ðảng và của dân tộc để lại cho chúng ta bản Di chúc lịch sử. Ông có thể phân tích về sức sống bền bỉ của bản Di chúc?

Ông Vũ Quốc Hùng: Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những nhiệm vụ cơ bản của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nhằm mục đích xây dựng nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Tháng 5-1965, trong “mấy lời để lại, chỉ nói tóm tắt vài việc” Bác đã khẳng định: “Trước hết nói về Đảng”. Đến tháng 5-1968, trong “mấy điểm cần phải viết thêm”, Người nhấn mạnh: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”.

Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một tư duy xuyên suốt gần nửa thế kỷ về một vấn đề mấu chốt liên quan tới tiền đồ của dân tộc. Đó là vấn đề Đảng, là vấn đề của ngày hôm nay và mai sau.

Theo Bác, Đảng phải luôn nâng cao chất lượng, năng lực lãnh đạo mới đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng. Chất lượng ở đây là “Đảng là đạo đức, là văn minh”. Trong quá trình lãnh đạo, ở những bước ngoặt của cách mạng, Đảng càng phải quan tâm tới vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc làm này “phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm”.

Vấn đề quan trọng nhất của một đảng cách mạng chân chính là vấn đề lý tưởng. Điều này được thể hiện rất rõ qua mong muốn cuối cùng của Bác trong Di chúc là: “Phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Lý tưởng và hành động cụ thể của Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên còn được thể hiện ở chỗ “một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc” (Di chúc Hồ Chủ tịch). Đây chính là điều tối thượng của Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền. Và chỉ khi nào ý thức phục vụ nhân dân của Đảng ngày càng tăng thì Đảng mới đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo được nhân dân.

Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, những lời dặn của Người vẫn luôn cần thiết.

Muốn Đảng có được giá trị và sức mạnh, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, đó là chất lượng của đội ngũ cán bộ đảng viên, là uy tín và ảnh hưởng sâu rộng của Đảng ở trong dân và trong xã hội. Theo ông, ở thời điểm hiện nay, Đảng cần làm thế nào để nâng cao được lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ?

Ông Vũ Quốc Hùng: Đây cũng là câu hỏi của nhiều người, nhiều tầng lớp và ngay trong đội ngũ đảng viên. Trả lời câu hỏi này cũng nhiều người trả lời rồi, các báo cáo, Nghị quyết của nhiều dịp Đại hội Đảng, của nhiều Hội nghị Trung ương Đảng cũng đều đi tìm câu trả lời. Câu trả lời chính là phải thực hiện thật tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI: Đảng phải thật sự đổi mới và thật sự chỉnh đốn.

Nghị quyết Trung ương 4 đã biểu thị quyết tâm cao, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân tập chung sức thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 yêu cầu cán bộ, đảng viên giữ trọng trách càng cao thì càng phải rèn luyện và gương mẫu về đạo đức, lối sống.

Bác Hồ nói: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Làm được như vậy thật không đơn giản, cần phải có sự giúp đỡ thường xuyên của tổ chức đảng trên “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” như Bác đã dặn dò trong Di chúc.

Mỗi cán bộ, đảng viên đều biết rất rõ ràng nhân dân là cội nguồn sức mạnh của Đảng, của cách mạng, Đảng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Thế nhưng trong thực tế, khi chiến tranh gian khổ, cán bộ đã dựa vào dân, được dân che chở, vậy mà khi cách mạng thành công, được sung sướng, chính không ít người trong số họ lại quên dân.

Nhắc lại một câu nói bất hủ của Hồ Chủ tịch: “Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ của nhân dân”. Ngoài lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều cán bộ, đảng viên không phải là đầy tớ, là công bộc của nhân dân mà thậm chí đã trở thành những ông “quan cách mạng”.

Phải lấy lại lòng tin của dân với Đảng Cộng sản Việt Nam để tiếp tục gánh vác sứ mệnh là đảng cầm quyền, là đảng của nhân dân Việt Nam. Vẫn còn cơ sở rất lớn để lấy lại lòng tin. Nhưng Đảng phải đổi mới toàn diện, đổi mới triệt để.

Trước hết, Đảng phải đổi mới tư duy một cách mạnh mẽ. Đã từng có Nghị quyết của Đảng nói rằng: Chúng ta đã lạc hậu về lý luận. Giờ phải xem lại chúng ta lạc hậu về lý luận những gì. Phải nghiêm túc nhìn thẳng vào lý luận, chỗ nào chúng ta còn chưa hoàn thành, chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu soi đường cho cách mạng Việt Nam. Phải đổi mới về tư duy lý luận, để nâng tầm với hiện nay, để lý giải được tất cả những vấn đề cuộc sống đang đặt ra.

Tiếp theo là phải đổi mới về công tác cán bộ. Bây giờ là lúc cần kiểm tra, đánh giá lại chất lượng công chức đã ở lâu trong tất cả các ngành. Các ngành cũng phải xem lại trách nhiệm, tính chuyên nghiệp của cán bộ từ xã, phường đến Trung ương để tránh tình trạng vô trách nhiệm với dân, xa dân, khinh dân.

Chúng ta đang kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, xây dựng tổ chức Đảng “trong sạch, vững mạnh”, “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu” thì đây là lúc thể hiện. Đừng để tình trạng nói nhiều làm ít, làm sai nhiều, mất lòng tin của dân.

Theo ông, những nguyên nhân nào khiến đất nước chưa thực hiện được di nguyện của Bác về xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh?

Ông Vũ Quốc Hùng: Đã có nhiều đồng chí có trách nhiệm nói về sự lạc hậu, tụt hậu, kém cỏi của chúng ta so với một số nước trên thế giới và trong khu vực. Gần đây đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã nói về sự tụt hậu của chúng ta so với Hàn Quốc. Nghe những số liệu đồng chí đưa ra mà thấy xót trong lòng. Ví dụ như con số 90.000 người Việt Nam sang Hàn Quốc toàn là ô-sin, còn họ sang đây đều là các ông chủ.

Đất nước ta có nhiều tiềm năng, cơ hội. Đất nước ta về mặt chính trị vẫn ổn định, thiên nhiên ưu đãi, giang sơn quy về một mối thống nhất, nhân dân anh hùng và rất cần cù, vậy thì tại sao đất nước lại kém?

Phải tìm ra cách xây dựng đất nước, đặt trong hoàn cảnh chung thế giới, trong nước, các quy luật phát triển. Bác Hồ nói “phải có một kế hoạch”. Phải có một cơ sở lý luận, thực tiễn để xây dựng kế hoạch chứ không phải kế hoạch trên mây xanh.

Trong thời gian qua, lòng yêu nước của toàn dân tộc lại được dâng trào qua đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, qua sự kiện dàn khoan Hải Dương 981. Tôi vẫn có niềm tin đất nước ta với số dân này, với lòng yêu nước này sẽ đưa đất nước tiến về phía trước.

Mặc dù Đảng và Nhà nước đã rất nỗ lực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhưng kết quả vẫn chưa đạt được sự mong mỏi của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Là người làm công tác kiểm tra Đảng lâu năm, theo ông, công tác phòng chống tham nhũng còn những điều gì cần phải khắc phục?

Ông Vũ Quốc Hùng: Tham nhũng là vấn đề toàn cầu chứ không phải riêng quốc gia nào. Đảng và Nhà nước ta cũng đã thẳng thắn nhận diện vấn nạn tham nhũng. Về Nhà nước đã có riêng một bộ luật phòng chống tham nhũng, về mặt Đảng, đã có riêng Nghị quyết về phòng, chống tham nhũng. Để tránh tình trạng cơ quan phòng chống tham nhũng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, Đảng đã đứng ra để chỉ đạo, lãnh đạo cuộc phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư là Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng.

Nếu nói về hình thức, đó là một sự quyết tâm. Giờ phải xem lại trong đội ngũ phòng chống tham nhũng, chúng ta đã thật sự quyết tâm cao chưa, trong đội ngũ này có những biểu hiện tiêu cực không. Quan liêu, thiếu trách nhiệm, vô cảm, ngại đấu tranh, nể nang, né tránh… đều là những hình thức tiêu cực. Hoặc phải đặt vấn đề: Trong những người chống tham nhũng có tham nhũng không?

Phải nâng cao năng lực, sức chiến đấu của những người chống tham nhũng. Tổ chức nên rà soát lại tất cả những người đứng đầu từ cơ sở, từ trên xuống, từ dưới lên, có những ai liên quan đến tham nhũng để kịp thời xử lý, giải quyết.

Với những nơi đoàn kết giả tạo, thống nhất giả tạo, các tổ chức lãnh đạo phải soi tới, nhìn thẳng vào đó và tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, khi cần thì điều tra. Chủ động phát hiện tiêu cực, đừng vì bệnh thành tích, sỹ diện mà giấu giếm. Việc này phải chủ động tiến hành thường xuyên. Nếu công tác này làm tốt thì mầm mống tiêu cực được ngăn chặn, hay nói cách khác đó là chủ động phòng ngừa.

Nếu trong cơ quan thỏa hiệp lẫn nhau để tồn tại, trong nội bộ như “ung nhọt” thì cũng nguy hiểm. Đừng vội nghĩ nơi bung ra cái “ung nhọt” ấy là xấu, mà vội vàng chê bai. Mất đoàn kết là xấu, nhưng bung ra là tốt, để chấn chỉnh đoàn kết.

Xin cảm ơn ông!

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.