Thứ Sáu, 19/09/2014, 19:07 (GMT+7)
.

Tư tưởng nhân dân trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Ảnh: K.D)
GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: K.D

Bản di chúc của Bác là di sản vô giá của Đảng và dân tộc ta. Những điều căn dặn của Bác trong di chúc là những quan điểm tư tưởng sâu sắc về một số vấn đề cơ bản của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, trong đó, tư tưởng nhân dân được Bác thể hiện đầy tính nhân văn, sâu sắc...

Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để làm rõ hơn vấn đề này.

Phóng viên (PV): Xin ông đánh giá về tầm vóc của bản Di chúc Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, cũng như vai trò của bản Di chúc với đảng viên ngày nay và những năm sau này?

GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Bản Di chúc được Người viết rất công phu, suốt từ năm 1965 đến trước khi Người qua đời. Qua đó, mỗi một thời kỳ Người đều cân nhắc rất kỹ, từng câu, từng chữ, từng lời. Vì vậy, có thể nói, bản Di chúc của Bác Hồ là kết tinh về trí tuệ, tình cảm, ước vọng của Bác đối với Đảng, với đất nước, với dân tộc, với nhân dân.

Đồng thời, trong đó cũng kết tinh văn hóa của dân tộc, của nhân dân Việt Nam. Bản Di chúc đã đề cập đến một cách cơ bản, toàn diện những vấn đề quan trọng, có ý nghĩa sống còn nhất của Đảng, của đất nước, của dân tộc ta.

Có thể nói, Đảng và Nhà nước về cơ bản đã thực hiện rất nghiêm túc bản Di chúc của Bác Hồ với lòng kính trọng. Những mong muốn rất cơ bản của Bác trong trong bản di chúc đã được thực hiện một cách sinh động, thể hiện qua kết quả công cuộc đổi mới của đất nước chúng ta. Đặc biệt là với vai trò của Đảng, Đảng đã lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước đạt được những thành tựu to lớn, mang ý nghĩa lịch sử. Chính trong công cuộc đổi mới ấy, đời sống được cải thiện, từng số phận con người được quan tâm.

Tuy nhiên, cùng với những thành tựu rất to lớn ấy, việc thực hiện Di chúc đối với từng cán bộ, đảng viên không phải là ở chỗ nào, đối với người nào cũng tốt. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã chỉ rõ một bộ phận không nhỏ trong cán bộ đảng viên chúng ta có biểu hiện suy thoái về chính trị và đạo đức lối sống. Đó là điều rất đau lòng, nó dẫn tới giảm thiểu niềm tin của nhân dân và như thế là cán bộ, đảng viên ấy không thực hiện đúng yêu cầu của Bác.

Về vấn đề này, rõ ràng là chúng ta phải thực hiện chỉnh đốn Đảng theo đúng yêu cầu của Bác. Phải tạo nên một cơ chế, một chế độ, chính sách làm sao để phân định rõ trách nhiệm, công việc của từng cán bộ, đảng viên. Phải đổi mới chế độ đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới chế độ xem xét, đánh giá, nhận xét đối với từng cán bộ, đảng viên.

Làm sao để quá trình này được giám sát chặt chẽ, bám sát đồng thời các công việc. Kết hợp với việc đó phải thực hiện chế độ giám sát đảng viên trong lối sống của mình, đặc biệt là sự giám sát của nhân dân, của đoàn thể chính trị, xã hội để cho việc phê bình, tự phê bình thực sự đi vào cuộc sống, mang lại ý nghĩa thực tế.

Hiệu quả mang lại là đội ngũ cán bộ, đảng viên chúng ta ngày càng trong sạch hơn để thực hiện tốt hơn ước nguyện của Bác. Đặc biệt, là thực hiện ước nguyện xây dựng một tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh…

PV: Chúng ta đều biết Bác Hồ là người cả đời vì nước, vì dân, vậy quan niệm về nhân dân trong Di chúc của Người được thể hiện như thế nào thưa ông?

GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Tất cả chúng ta đều biết một điều rất giản dị và rất rõ ràng là Bác đã cống hiến, hy sinh suốt đời mình vì nhân dân, vì dân tộc và tâm nguyện cũng như trí lực của người trong suốt cuộc đời đều dành cho dân. Điều đó thể hiện một cách cụ thể, rõ ràng trong tư tưởng chung cũng như trong từng câu, từng chữ của Di chúc. Người nhắc đi nhắc lại vấn đề là phải phát triển kinh tế, văn hóa để đảm bảo cuộc sống của nhân dân.

Thậm chí, trong Di chúc, người nhắc đến từng số phận, từng con người, từng hoàn cảnh… Đó là những con người đã dành một phần xương máu cống hiến cho sự nghiệp của đất nước, là các thương binh, liệt sĩ, Người nhắc là phải quan tâm, tạo điều kiện cho họ có cuộc sống ổn định, có thể tự lực cánh sinh. Người nhắc đến phụ nữ và căn dặn Đảng, Nhà nước phải làm sao để họ có cơ hội phát triển.

Người nhắc cả đến những người sai đường, lạc lối hay những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi xã hội cũ... là chúng ta phải nâng đỡ, giúp đỡ họ để họ trở thành người lao động lương thiện. Theo tôi, toàn bộ từng câu, từng chữ trong Di chúc của Bác đều thấm đẫm tinh thần vì nhân dân.

PV: Trong Di chúc của Bác có nhắc rằng: Đảng phải có kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa để nâng cao đời sống nhân dân. Vậy vấn đề này đã được Đảng ta thực hiện như thế nào?

GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Xét cho đến cùng, toàn bộ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng ta thì đều nhằm thực hiện mục tiêu Bác đã đặt ra đó là Đảng phải phát triển kinh tế - văn hóa xã hội để đảm bảo đời sống ngày càng cải thiện cho nhân dân. Điều đó được thể hiện ngay bằng công cuộc đổi mới xây dựng đất nước của chúng ta.

Vượt qua thời kỳ khó khăn khủng hoảng trước năm 1986, bắt đầu chính sách đổi mới năm 1986, đã mang lại hiệu quả quan trọng, từ một nước nghèo hàng năm phải nhận viện trợ lương thực nhưng đến bây giờ, sau nhiều năm đổi mới chúng ta đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Một loạt các nông sản khác chúng ta đã có xếp hạng trong top 5, top 10 của thế giới. Đó là những cải thiện rất quan trọng về đời sống vật chất. Về đời sống tinh thần, chính sách phát triển giáo dục hay chính sách xây dựng dân chủ ở cơ sở đã khiến cho đời sống của nhân dân dần được cải thiện, dần được đổi mới.

Như chúng ta đã biết, hệ thống giáo dục của chúng ta mặc dù còn nhiều khiếm khuyết nhưng theo tôi nếu so sánh điều kiện phát triển đất nước với trình độ phát triển của các quốc gia trên thế giới thì đây là nền giáo dục khá ưu việt. Đặc biệt, trong chính sách xóa đói giảm nghèo thì chính sách của chúng ta mang lại những thành quả hết sức to lớn và được thế giới đánh giá rất là cao. Có thể nói, trong toàn bộ quá trình xây dựng và phát triển đất nước ấy, đều nhằm thực hiện lời dạy của Bác Hồ, chính là bản Di chúc.

PV: Hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có lối sống cũng như đạo đức chưa được đúng mực làm giảm lòng tin của nhân dân. Vậy, theo ông, đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên bây giờ cần phải làm gì để thực hiện lời răn dạy của Bác?

GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Trong Di chúc, Bác đã nói phải thực hiện trước tiên là chỉnh đốn Đảng, mà chỉnh đốn Đảng theo quan điểm của Bác chúng tôi nghĩ rằng đó là không chỉ chỉnh đốn về mặt tổ chức, về cơ chế vận hành riêng biệt, mà còn rất quan trọng là phải chỉnh đốn được việc giáo dục, quản lý, bồi dưỡng, sử dụng, đánh giá đối với từng cán bộ, đảng viên.

Bởi vì, Đảng ta là Đảng cầm quyền nên mỗi cán bộ đảng viên tham gia bộ máy cầm quyền ấy lại càng phải trong sạch, mà như Bác đã nói, đã yêu cầu là phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Lỗi của chúng ta bây giờ là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị suy thoái về tư tưởng, đạo đức, chính trị, lối sống là một điều rất đau lòng. Chính nó làm phai nhạt niềm tin của nhân dân đối với Đảng và nó làm giảm đi sức mạnh của Đảng trong việc lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Chính vì thế, theo tôi nghĩ, Đảng cần phải có những giải pháp quyết liệt ở nhiều khía cạnh với các giải pháp toàn diện để làm sao thải loại được những phần tử suy thoái về tư tưởng đạo đức ra khỏi bộ máy của Đảng, để cho Đảng được trong sạch. Những biện pháp đó phải bao gồm đa diện, trên tất cả các bình diện từ tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, giám sát và kể cả những vấn đề rất lớn có tính chất nguyên tắc của nhà nước, đó là cơ chế kiểm tra, giám sát việc phân công thực hiện các quyền lực trong nhà nước.

PV: Theo ông, phải làm sao để vấn đề phê bình và tự phê bình không chỉ mang tính hình thức?

GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Để vấn đề phê bình và tự phê bình không mang tính hình thức, đó đúng là một vấn đề “đau đầu” trong Đảng. Muốn làm được điều này đầu tiên là phải làm rõ về chức trách, nhiệm vụ, công việc của từng người để phê bình, đánh giá, hiệu quả làm việc… Một khi mà chức trách và nhiệm vụ cho từng người chưa rõ ràng thì việc phê bình đương nhiên là hình thức.

Theo tôi, muốn rõ ràng trong việc phê bình thì phải rõ cơ chế, cung cách làm việc của từng người. Thủ trưởng trách nhiệm thế nào, công việc đến đâu, các cấp thế nào, vai trò của tổ chức Đảng với chính quyền ra sao?. Tóm lại, muốn để cho phê bình tránh hình thức thì phải xác định cho rõ chức năng nhiệm vụ của từng người và cần có cơ chế vận hành trong từng bộ máy. Lúc bấy giờ cái việc phê bình mới có thể rõ ràng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.