Thứ Hai, 20/10/2014, 13:43 (GMT+7)
.
Thực hiện Di chúc của Bác, chung tay chăm lo cho nhân dân

Bài 1: Chăm lo cho gia đình chính sách

Bài 2: Điểm tựa của cựu chiến binh
Bài 3: Nỗ lực chăm lo cho nông dân

 

Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người dặn sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi thì một trong những công việc phải làm là toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, mà cụ thể là các gia đình chính sách, phụ nữ, các đối tượng xã hội…

Thực hiện Di chúc của Bác, trong những năm qua, các ngành, các cấp trong tỉnh đã nỗ lực phục vụ nhân dân, mang lại cuộc sống ấm no cho mọi tầng lớp nhân dân.

Bác dặn trong Di chúc: Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình thì Đảng, Nhà nước phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn. Đối với người thân của thương binh và liệt sĩ, phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, không để họ đói rét… Thực hiện Di chúc của Người, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn nỗ lực cùng cộng đồng chăm lo cho gia đình chính sách, từ đó cuộc sống gia đình chính sách được nâng lên.

Ông Nguyễn Văn Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm hỏi gia đình chính sách ở xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho.
Ông Nguyễn Văn Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm hỏi gia đình chính sách ở xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho.

ẤM LÒNG MẸ!

Vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ Nguyễn Thị Bê (ngụ ấp 15, xã Long Trung, huyện Cai Lậy) trào dâng niềm xúc động. Mẹ vui vì luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, chính quyền và toàn xã hội đối với những cống hiến của chồng và con.

“Chồng, con lần lượt hy sinh là nỗi đau da diết trong đời của người làm vợ, làm mẹ. Những cống hiến đó đã được ghi nhận và bù đắp. Mẹ giờ có thiếu gì đâu. Nhà ở có Nhà nước xây. Tiền trợ cấp hàng tháng của Nhà nước mẹ dùng không hết, còn dư để cho cháu học hành. Bệnh hoạn thì đã có bảo hiểm y tế của Nhà nước lo và mẹ còn có chế độ người phục vụ nữa. Đã vậy, hàng tháng thầy giáo, cô giáo của Trường THCS Long Trung còn đến thăm hỏi, động viên nữa. Mẹ cảm thấy tuổi già ấm áp!” - mẹ xúc động cho biết.

Trong căn nhà kiên cố, khang trang vừa được Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đầu tư nâng cấp lần 2, mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Hai ở ấp Phước Thuận, xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho trải qua những năm tháng cuối đời an nhàn. Được Chủ tịch UBND tỉnh đến tận nhà thăm hỏi sức khỏe, động viên tinh thần, mẹ Hai phấn khởi: “Vắng con, mất chồng nhưng tuổi già của mẹ được an ủi vì những tình cảm và sự quan tâm chu đáo của Đảng bộ, chính quyền cùng với bà con chòm xóm!”.

Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách lớn, luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Chế độ, chính sách ưu đãi đối với thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công những năm qua thường xuyên được đổi mới và hoàn thiện, từng bước nâng cao mức sống của đối tượng chính sách.

UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN

Ngoài việc đảm bảo chi trợ cấp thường xuyên cho người có công, nhiều chính sách hỗ trợ khác cũng được tỉnh thực hiện tốt. Ngân sách Nhà nước đầu tư mua bảo hiểm y tế cho 100% người có công theo quy định; thực hiện chế độ ưu đãi giáo dục, trợ vốn, việc làm đối với con em các gia đình chính sách…

Đặc biệt, chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công luôn được sự đồng tâm hợp lực của cộng đồng. Hàng năm, tỉnh vận động trên 10 tỷ đồng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống và cha, mẹ liệt sĩ già yếu neo đơn, thương binh nặng; đỡ đầu con thương binh, liệt sĩ…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 4-2014, Tiền Giang triển khai Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Cuộc tổng rà soát có sự tham gia của nhiều ngành, đoàn thể trong tỉnh, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Mục đích của cuộc tổng rà soát là nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, trong đó tập trung vào 7 nhóm đối tượng là: Liệt sĩ và gia đình liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người có công giúp đỡ cách mạng và cựu thanh niên xung phong kháng chiến. Tổng số đối tượng có công thuộc 7 nhóm đối tượng rà soát lần này của tỉnh là gần 43.900 người.

Các hoạt động chăm sóc khác đối với đối tượng chính sách cũng được tỉnh quan tâm thực hiện như: Xây dựng mô hình VAC cho hộ chính sách; hỗ trợ nước sạch và điện thắp sáng; tạo điều kiện để gia đình chính sách tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất… Hiện tại có 98% gia đình chính sách có mức sống ngang bằng và cao hơn mức sống trung bình của dân cư cùng địa bàn cư trú.

Phong trào Đền ơn đáp nghĩa trong thời gian qua đã giải quyết phần nào khó khăn trong cuộc sống, góp phần bù đắp những cống hiến to lớn của những cá nhân và gia đình có công với quê hương, đất nước, thực hiện đúng những điều căn dặn của Bác trước lúc đi xa.

THỦY HÀ
Bài 2:  Điểm tựa của cựu chiến binh

Toàn tỉnh hiện có gần 58.000 đối tượng chính sách, người có công đang được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng.

Trong 9 tháng qua, tỉnh đã phê duyệt 8.009 hồ sơ bảo hiểm y tế cho thân nhân liệt sĩ; tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, xét duyệt và giải quyết chế độ ưu đãi người có công cho hơn 2.000 trường hợp về trợ cấp mai táng phí, tuất liệt sĩ, thăm viếng và di dời hài cốt liệt sĩ.

Phối hợp Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ triển khai 2.447 quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra việc thực hiện các Quyết định 290, 188, 38, 62/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và giải quyết chế độ cho thương binh, liệt sĩ còn tồn sót.

Tổ chức 8 đợt điều dưỡng cho 593 người có công tại Trung tâm Điều dưỡng Khánh Hòa, tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; lập kế hoạch phân bổ điều dưỡng tại gia đình cho người có công với cách mạng năm 2014 cho các huyện, thành, thị là 8.753 suất, với số tiền trên 9,7 tỷ đồng; xây dựng 394 ngôi nhà tình nghĩa, tổng kinh phí gần 17 tỷ đồng và sửa chữa 64 ngôi nhà với tổng kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.

Về việc vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, đến thời điểm này cấp tỉnh đã thu được gần 9,8 tỷ đồng. Số tiền này đã được sử dụng xây dựng, sửa chữa 167 căn nhà tình nghĩa và thực hiện những hoạt động trợ giúp khác đối với đối tượng chính sách.

 

.
.
.