Thứ Sáu, 31/10/2014, 05:48 (GMT+7)
.
Thực hiện Di chúc của Bác, chung tay chăm lo cho nhân dân

Bài cuối: Không quên người yếu thế

Bài 1: Chăm lo cho gia đình chính sách
Bài 2: Điểm tựa của cựu chiến binh
Bài 3: Nỗ lực chăm lo cho nông dân
Bài 4: Đem đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ

Tình cảm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho quê hương, đất nước, dân tộc và đồng bào vô cùng nồng nàn, to lớn. Trước lúc đi xa, những người lầm lỗi cũng được Bác dặn trong Di chúc: “Nhà nước phải vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp đỡ họ trở nên những người lao động lương thiện”.

Giáo viên Trường Cao đẳng Nghề tỉnh dạy sửa chữa xe gắn máy cho học viên của Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội tỉnh.
Giáo viên Trường Cao đẳng Nghề tỉnh dạy sửa chữa xe gắn máy cho học viên của Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội tỉnh.

CHÍNH SÁCH NHÂN ĐẠO

Cùng với những mặt tích cực của quá trình đổi mới là những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn giữa các nhóm dân cư, giữa nông thôn và đô thị, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Tình hình tội phạm, trong đó có tội phạm về ma túy đang diễn biến hết sức phức tạp.

Ở Tiền Giang, tình hình tội phạm ma túy và người nghiện ma túy trong những năm qua diễn biến khá phức tạp, tăng về số vụ và số đối tượng. Số liệu cập nhật đến ngày 15-5-2014, toàn tỉnh có 1.322 đối tượng nghiện ma túy, gồm 1.205 nam và 117 nữ.

Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 1.000 trẻ em vi phạm pháp luật: Gây rối trật tự nơi công cộng, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, giết người…; trong đó được chính quyền, các đoàn thể phối hợp giáo dục 816 em và đưa vào trường giáo dưỡng 184 em.

Qua giáo dục, đã có 152 em được trở về địa phương hòa nhập cùng cộng đồng, hiện còn 32 em đang được học tập, rèn luyện tại Trường Giáo dưỡng số 5 (tọa lạc tỉnh Long An), thuộc Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an.

Thực hiện di huấn của Bác, các cơ sở cải tạo trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác giáo dục định hướng tư tưởng, luôn lấy tiêu chí giáo dục làm thước đo chất lượng cải tạo phạm nhân.

Theo kết quả giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, các trại giam và tạm giam trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đúng, đầy đủ những quyền cơ bản của phạm nhân cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong đó, về mặt tinh thần, phạm nhân đã thành án được xem báo, truyền hình, tham gia các hoạt động văn nghệ - thể thao; những phạm nhân không biết chữ được dạy đọc, viết...

Về vật chất, phạm nhân được ăn uống với khẩu phần đầy đủ dinh dưỡng; trong những ngày lễ, tết khẩu phần của phạm nhân được tăng lên. Về sức khỏe, khi phạm nhân đau yếu, bệnh tật được cán bộ y tế của trại giam cấp thuốc điều trị. Những trường hợp bệnh nặng thì được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh hoặc các bệnh viện chuyên khoa để điều trị. Đối với những phạm nhân có quá trình cải tạo tốt đều được hưởng chính sách giảm án…

MỞ ĐƯỜNG HOÀN LƯƠNG

Khi những chính sách nhân văn được áp dụng tại trại giam hay trung tâm đã giúp nhiều phạm nhân, các đối tượng tham gia tệ nạn xã hội “hồi tâm chuyển ý”, phục thiện khi hòa nhập cộng đồng. X.V. là 1 trong số những học viên có trình độ học vấn cao, đang bị cai nghiện ma túy bắt buộc. Bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy, X.V. bị địa phương buộc phải chấp nhận quyết định cai nghiện ma túy tập trung.

X.V. chia sẻ: “Sau hơn 5 tháng vào trung tâm, em đã tăng 16 kg thể trọng. Lúc mới vô, trông em “thân tàn ma dại”. Bây giờ nghĩ lại cảm thấy hối tiếc. Phải chi thời gian có thể quay trở lại. Ma túy đã đeo bám, tàn phá cuộc đời em. Không chỉ làm hại bản thân em, mà còn liên lụy đến ba mẹ. Ba em là giáo viên dạy giỏi có tiếng trong huyện Cai Lậy, em đã làm ba xấu hổ trước đồng nghiệp và học trò”.

Được biết, phần lớn các phạm nhân tại trại giam không có nghề nghiệp. Khi trở về hòa nhập cộng đồng, nếu không có việc làm thì họ dễ tái phạm tội. Do đó, nhằm mở đường cho người lầm lỗi quay về, phạm nhân tại tất cả các trại giam và học viên đang được giáo dục tại Trung tâm Giáo dục, lao động xã hội tỉnh đều được đào tạo nghề cơ bản trước khi trở về cộng đồng. Những nghề chủ yếu là sửa chữa xe gắn máy, điện dân dụng, làm hàng thủ công mỹ nghệ, may công nghiệp.

T.L là học viên đang cai nghiện ma túy tại Trung tâm Giáo dục, lao động xã hội tỉnh cho biết: “Em rất mừng vì được Trung tâm dạy sửa xe máy. Với những kiến thức học được, khi về nhà em có thể làm thợ phụ cho tiệm sửa xe để kiếm sống và học thêm nghề. Chỉ cần làm công cho người ta chừng 1 năm là em tin có thể tự làm thợ”.

Song song đó, các ngành, các cấp trong tỉnh còn có nhiều chương trình hỗ trợ người mại dâm hoàn lương hòa nhập cộng đồng; giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và tìm việc làm sau cai nghiện; trợ giúp phạm nhân sau khi mãn án tù tái hòa nhập cộng đồng bằng nhiều hình thức như trợ vốn làm ăn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm…

Thời gian qua, Hội LHPN các cấp trong tỉnh tập hợp phụ nữ tham gia 6 CLB phòng, chống mại dâm. Toàn tỉnh phát hiện 105 phụ nữ mại dâm. Những phụ nữ này được cán bộ hội vận động, giúp đỡ để hoàn lương. Đến nay đã có 43 chị hoàn lương và được giúp đỡ gần 200 triệu đồng làm vốn mua bán nhỏ, may gia công… Hiện tại các chị đã có cuộc sống ổn định.

Những dòng ngắn ngủi thấm đẫm thương cảm và trách nhiệm của Bác trong Di chúc thiêng liêng đã cho ra đời những chính sách nhân văn, từ đó đem lại cho người lầm lỗi cơ hội mở được cánh cửa quay về với cộng đồng.

THỦY HÀ

.
.
.