Chủ Nhật, 23/11/2014, 06:13 (GMT+7)
.

Thực hiện Di chúc của Bác: Chung tay chăm sóc, giáo dục trẻ em

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm yêu thương đặc biệt đối với thiếu niên, nhi đồng. Trước lúc đi về cõi vĩnh hằng, trong Di chúc thiêng liêng, Bác khẳng định “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.

Thực hiện Di huấn của Bác, sau ngày đất nước thống nhất, công tác chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước tích cực thực hiện. Tại Tiền Giang, bên cạnh những chủ trương chung của cả nước, tỉnh ta đã vận động được cả cộng đồng cùng chung tay góp sức chăm sóc trẻ em.

Trẻ em ngày càng được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Trẻ em ngày càng được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

QUAN TÂM TOÀN DIỆN

Qua 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, Đảng và Nhà nước đã ban hành rất nhiều chỉ thị, nghị quyết cũng như những văn bản, luật liên quan đến trẻ em như: Chỉ thị 38 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Chỉ thị 55 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng ở cơ sở trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (Sửa đổi và bổ sung năm 2004), Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Lao động; Luật Giáo dục… góp phần làm cho toàn xã hội nhận thức sâu sắc về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong sự nghiệp “trồng người” cho đất nước.

Tại Tiền Giang, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành quan tâm. Tỉnh ta đã thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện cho trẻ em phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần. Trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; học sinh tiểu học được miễn học phí; trẻ em sống trong các gia đình nghèo được tiếp tục miễn học phí ở các bậc học.

Không những vậy, Nhà nước còn có chính sách hỗ trợ đối với những phụ nữ nghèo đơn thân đang nuôi con nhỏ và hỗ trợ cho các gia đình nhận nuôi trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi... Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em học tập, phát triển toàn diện.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các đoàn thể cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: Thăm hỏi, tặng quà cho học sinh nghèo hiếu học, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang gặp khó khăn, tặng học bổng cho trẻ em nghèo nhân dịp tổng kết năm học và khai giảng năm học mới.

Không chỉ có Đảng và Nhà nước quan tâm, chăm sóc, giáo dục trẻ em mà còn có sự chung tay, hợp sức của cả cộng đồng. Chỉ riêng việc chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trung bình mỗi năm Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh vận động trên 5 tỷ đồng từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Có thể nói, tại từng gia đình, từng địa phương, từng đơn vị, trẻ em đã được chăm lo ngày càng tốt hơn.

HIỆU QUẢ TÍCH CỰC

Sự quan tâm, chăm sóc đối với trẻ em được thực hiện tốt thể hiện tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em giảm liên tục qua mỗi năm và hiện đang ở mức dưới 10%. Chất lượng và hiệu quả giáo dục của tỉnh nhà cũng có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm dần; tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi, học sinh tốt nghiệp cuối cấp, học sinh giỏi ngày càng cao.

Số liệu từ ngành Giáo dục cho thấy năm học 2014 - 2015, tỷ lệ trẻ em 5 tuổi ra lớp mẫu giáo và trẻ 6 tuổi ra lớp 1 đạt 99,9%; tỷ lệ học sinh trung học cơ sở ra lớp đạt 96,9%. Đặc biệt, tỉnh còn thực hiện tốt công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tại các trường tiểu học. Toàn tỉnh hiện có 1.471 học sinh khuyết tật đến trường, chiếm tỷ lệ 68,7% (so với số trẻ 6 - 14 tuổi khuyết tật).

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, tỉnh ta đã tổ chức các đoàn lãnh đạo tỉnh gồm đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đến thăm và tặng 1.515 phần quà Trung thu cho 12 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành, thị và trẻ em Trung tâm Bảo trợ xã hội.

Ngoài ra, từng địa phương đều tham mưu cho lãnh đạo Đảng, chính quyền phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đến thăm, tặng quà và tổ chức Tết Trung thu cho 20.516 trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng trị giá 2,1 tỷ đồng; Tỉnh đoàn tổ chức nhiều chương trình văn nghệ, chương trình vui đón Tết Trung thu, cắm trại và hội thi làm lồng đèn để tặng cho 2.000 trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa...

Chăm lo về mặt tinh thần, trẻ em được tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi. Toàn tỉnh hiện có 9/11 huyện, thành phố, thị xã có trung tâm văn hóa; năm 2013 đã có 65 nhà văn hóa ở xã, phường văn hóa với vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng. Ước tính đến cuối năm 2014 toàn tỉnh sẽ có 72 nhà văn hóa cấp xã.

Các trung tâm, nhà văn hóa này thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, trong đó có phục vụ vui chơi, sinh hoạt cho trẻ em, đặc biệt là nhân dịp các ngày lễ, tết… Riêng Nhà thiếu nhi tỉnh, từ đầu năm đến nay đã tổ chức phục vụ 10.000 trẻ em đến vui chơi, giải trí và học năng khiếu.

Ngành Văn hóa - Thông tin luôn quan tâm công tác kiểm tra, phát hành các ấn phẩm văn hóa lành mạnh, bổ ích phục vụ tốt cho việc học tập, rèn luyện đạo đức của trẻ em như trang bị sách thư viện, phòng đọc sách dành cho thiếu nhi, tổ chức nhiều buổi giao lưu văn nghệ nhân ngày lễ, tết, thông qua các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em; tỷ lệ trẻ em được vui chơi giải trí từ thành thị đến nông thôn ngày càng nhiều.

Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã và đang đồng tâm, hợp lực chăm lo cho mầm xanh của đất nước để đáp lại sự tin tưởng, kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có thể bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

MAI HÀ

.
.
.