Thứ Năm, 06/04/2017, 08:32 (GMT+7)
.

Điểm sáng từ Chỉ số PAPI năm 2016 của Tiền Giang

Theo Báo cáo về Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2016 vừa được công bố vào ngày 4-4, cũng như đối chiếu với số liệu của những năm gần đây cho thấy, các chỉ số thành phần cấu thành Chỉ số PAPI của Tiền Giang có biến động lớn và theo xu hướng tăng điểm là chủ yếu.

Cụ thể, trong 6 chỉ số nội dung thành phần Chỉ số PAPI năm 2016 của Tiền Giang, có đến 5 nội dung tăng điểm. Điểm đáng chú ý là các chỉ số Tham gia của người dân, kiểm soát tham nhũng, thủ tục hành chính công... Riêng chỉ có chỉ số về Trách nhiệm giải trình bị giảm điểm (từ 5.22 điểm của năm 2015 chỉ còn 4.94 điểm năm 2016). Nếu tính trên phạm vi tổng thể, PAPI của Tiền Giang năm 2016 đạt 36,56 điểm, được xếp vào nhóm Trung bình cao.

P
Chỉ số PAPI đã góp phần chỉ ra những tồn tại trong quản trị và hành chính công cấp tỉnh (Ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Tuy nhiên, nếu so sánh Chỉ số PAPI của Tiền Giang trong những năm gần đây cho thấy, có một số lĩnh vực nội dung có điểm số không ổn định. Điểm đáng chú ý lĩnh vực nội dung Kiểm soát tham nhũng, thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công luôn nằm ở nhóm có điểm số cao. Điều này một phần chứng minh tiến trình cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả nhất định.

ĐIỂM CHỈ SỐ PAPI CỦA TIỀN GIANG QUA CÁC NĂM

 

Năm 2016

Năm 2015

Năm 2014

Năm 2013

Tham gia của người dân

5.06

4.36

4.55

5.48

Công khai, minh bạch

5.8

4.95

5.39

5.79

Trách nhiệm giải trình

4.94

5.22

5.53

5.75

Kiểm soát tham nhũng

6.99

6.15

6.47

7.6

Thủ tục hành chính công

7.25

6.96

6.94

7.34

Cung ứng dịch vụ công

6.52

6.42

6.74

6.69

CỘNG

36.56

34.06

35.62

38,65

(Nguồn: www.papi.org.vn)

Chỉ số PAPI bao gồm 6 chỉ số lĩnh vực nội dung, 22 chỉ số nội dung thành phần và hơn 90 chỉ tiêu thành phần về hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh, thành. Chỉ số PAPI được cấu thành từ việc tính toán, tổng hợp từ hơn 5.700 biến số cấu thành chỉ tiêu, nhóm thành hơn 1.370 biến số cấu thành chỉ số thành phần và hơn 370 biến số cấu thành sáu lĩnh vực nội dung.

Năm 2016 là năm thứ 6 liên tiếp UNDP thực hiện khảo sát PAPI tại Việt Nam. Kết quả PAPI thể hiện đánh giá của người dân thông qua trải nghiệm và cảm nhận của họ về hiệu quả quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công của bộ máy chính quyền các cấp.

Báo cáo về Chỉ số PAPI 2016 cho thấy, Cần Thơ là địa phương dẫn đầu trong cả nước về mức độ hài lòng của người dân với tổng điểm là 39,57. Các tỉnh, thành cũng được người dân “chấm” điểm cao tiếp theo là Hà Tĩnh (39,32), Đà Nẵng (38,58), Phú Thọ (38,53), Quảng Bình (38,41), Bến Tre (38,37)…

Theo báo cáo PAPI 2016, trong 6 chỉ số nội dung, chỉ số cung ứng dịch vụ công tăng mạnh nhất ở 35 tỉnh, thành so với năm 2011. Cụ thể, nhận thức của người dân về y tế công lập cải thiện rõ rệt do số lượng người có bảo hiểm y tế tăng từ 62% năm 2015 lên 73% năm 2016.

Báo cáo cũng cho thấy, chất lượng chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ em tăng mạnh: 32% người khảo sát cho biết dịch vụ dành cho trẻ em dưới 6 tuổi “rất tốt”, cao hơn so với tỷ lệ 23% năm 2015. Người dân chấm điểm chất lượng bệnh viện công tuyến huyện/quận cao hơn, song đánh giá của người sử dụng dịch vụ này giữa các tỉnh, thành phố có mức chênh lệch lớn…

Bên cạnh đó, khảo sát PAPI 2016 ghi nhận tín hiệu tích cực khi người dân nhìn chung hài lòng hơn với các thủ tục đăng ký cấp giấy phép xây dựng và dịch vụ hành chính cấp xã, phường cho giấy tờ tùy thân...

Chỉ số PAPI là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam từ năm 2009 đến nay, cùng với sự hỗ trợ của các đối tác trong suốt quá trình triển khai thực hiện nghiên cứu, gồm: Trung tâm Công tác lý luận và Tạp chí Mặt trận thuộc MTTQ Việt Nam (từ năm 2009 - 2012), Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trong năm 2012) và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam (từ năm 2013)...

ANH PHƯƠNG

.
.
.