Chủ Nhật, 14/03/2021, 09:53 (GMT+7)
.

Đừng lợi dụng quyền tố cáo để toan tính xấu

(ABO) Một trong những vấn đề được đặt ra ở kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đó là ngăn chặn, xử lý hành vi gửi đơn thư tố cáo sai sự thật, vu khống người được đề cử, ứng cử để bầu cử đại biểu khóa mới.

Tình trạng “sáng tác” ra đơn thư tố cáo sai sự thật, vu khống nhằm mục đích triệt hạ uy tín người khác trước thềm bầu cử cần nhìn nhận đúng bản chất vấn đề.

Hệ lụy xấu, nguy hiểm

Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã hoàn thành nhưng bài học về sự cảnh báo, ngăn chặn và xử lý tình trạng đơn thư tố cáo sai sự thật, vu khống, tố cáo nặc danh còn nguyên tính thời sự. Có thể điểm qua những vụ việc ấy:

Tháng 9-2020, Công an tỉnh Đắc Lắc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Hoàng Minh Tuấn, trú tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắc Lắc và Phạm Đình Quý, trú tại thị xã La Gi, Bình Thuận, về tội “Vu khống” theo quy định tại Điều 156, Bộ luật Hình sự. Trước đó, Hoàng Minh Tuấn và Phạm Đình Quý đã có hành vi phát tán tài liệu nhằm hạ thấp uy tín, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trước thềm đại hội đảng bộ các cấp.

Một vụ việc khác xảy ra ở Thanh Hóa: Thời điểm cuối tháng 5-2020, huyện Thạch Thành đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 thì xuất hiện nhiều đơn thư nặc danh tố cáo bà Bùi Thị Mười, Bí thư Huyện ủy “lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong quá trình công tác, vi phạm đạo đức, lối sống”.

Sau đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã vào cuộc kiểm tra, xác minh và kết luận bà Bùi Thị Mười không vi phạm như đơn thư tố cáo. Công an tỉnh Thanh Hóa vào cuộc điều tra và đã bắt đối tượng Lê Hùng Mạnh (trú tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Lê Hùng Mạnh khai nhận, vì mâu thuẫn cá nhân nên thường xuyên viết đơn nặc danh để bôi nhọ, hạ uy tín, nhằm khiến bà Bùi Thị Mười không trúng cử vào Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025.

Cũng trước thềm đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt Nguyễn Mạnh Toàn, Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) để điều tra hành vi “Vu khống”. Cơ quan chức năng đã làm rõ, Nguyễn Mạnh Toàn là người thường xuyên viết đơn nặc danh, vu khống nhằm hạ uy tín lãnh đạo huyện Tam Đảo trước đại hội đảng bộ các cấp huyện Tam Đảo.

Từ thực tiễn cho thấy, trước mỗi dịp diễn ra sự kiện quan trọng, nhất là các nội dung liên quan đến công tác nhân sự, bầu cử... thì tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo lại “nóng”. Trong số đơn thư, nhiều trường hợp là nặc danh, nội dung không đúng sự thật, thậm chí vu khống với mục đích vụ lợi, triệt hạ người khác. Không ít cá nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng về danh dự, uy tín và đã mất đi cơ hội được đề bạt, thăng tiến.

Khi mà mạng xã hội ngày càng phát triển, môi trường internet không biên giới thì các hình thức tố cáo, trong đó kiểu tố cáo vu khống biến tướng rất nhanh. Nó không còn đơn thuần là gửi đơn thư nặc danh, mượn danh đến các cơ quan, tổ chức mà là tình trạng lợi dụng mạng xã hội, nhất là Facebook và YouTube để tung ra các thông tin sai trái. Ít nhiều những thông tin đó khiến dư luận bị phân tán, người bị tố cáo dù đúng hay sai đều bị ảnh hưởng.

Cần phải khẳng định, đơn thư tố cáo đúng có vai trò rất quan trọng trong công tác tổ chức, nhất là những công việc có liên quan đến kinh tế, tài chính, đặc biệt là liên quan đến con người. Nó cũng thể hiện trách nhiệm, sự dũng cảm đấu tranh, chấp nhận sự thiệt thòi, thậm chí bị đe dọa cả đến tính mạng của người tố cáo.

Những năm qua, từ việc người dân thực hiện khiếu nại, tố cáo đã giúp cho tổ chức làm rõ nhiều cán bộ có sai phạm, nhiều vụ việc bị phanh phui, đưa ra khỏi tổ chức những cá nhân không đủ trình độ, tư cách, phẩm chất đạo đức. Nhiều đại án bị phanh phui cũng bắt đầu từ các đơn thư tố cáo đúng sự thật, có trách nhiệm. Từ thực tế đó, Đảng ta cũng như tổ chức các cấp đã mạnh tay xử lý nhiều cán bộ sai phạm, trong đó có cả những cán bộ cấp cao. Việc làm đúng được pháp luật bảo vệ; Đảng, Nhà nước ta luôn khuyến khích.

Tuy vậy, mặt trái của nó là tình trạng đơn thư tố cáo nặc danh, mượn danh, tố cáo sai sự thật; động cơ nhằm triệt hạ người khác; gây mất đoàn kết nội bộ tổ chức... Việc này lại gây ra những hệ lụy rất xấu, thậm chí là nguy hiểm. Nó làm mất uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức bị tố cáo sai sự thật, bị vu khống.

Có những đồng chí cán bộ tốt đã bị tố cáo sai khiến họ mất đi cơ hội được đề bạt, cất nhắc. Đơn thư sai sự thật làm cho tổ chức rối bận, mất công, mất việc để điều tra, xác minh, xử lý; gây ra sự nghi ngờ, nghi kỵ, mất đoàn kết nội bộ... Trong nhiều vụ việc, khi nội dung tố cáo được kết luận là không đúng thì người bị tố cáo đã phải chịu nhiều thiệt thòi bởi chờ "được vạ thì má đã sưng".

b
Ảnh minh họa.

Hiểu luật để thượng tôn pháp luật

Với trách nhiệm của công dân, nhất là cán bộ, đảng viên thì việc thực hiện quyền tố cáo là cần thiết, nhưng phải tuân thủ luật pháp, đúng về nội dung, đúng thời điểm và trình tự. Để giải quyết một nội dung tố cáo thường mất nhiều thời gian xác minh, điều tra mới có thể kết luận.

Ở kỳ bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Hướng dẫn số 13-HD/UBKTTW, ngày 2-12-2020 “về việc giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp”.

Hướng dẫn nêu rõ: Trong thời hạn 10 ngày, trước ngày bầu cử, ngừng việc xem xét, giải quyết mọi tố cáo, khiếu nại liên quan tới người ứng cử và việc lập danh sách người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp cho đến khi bầu cử xong.

Về mặt pháp lý thì quyền tố cáo của công dân được quy định tại Điều 30, Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục để công dân thực hiện quyền này. Trong đó, rõ ràng nhất là quy định đơn thư khiếu nại, tố cáo phải được gửi đến đúng cơ quan có chức năng giải quyết, theo đúng phân cấp, tránh tình trạng gửi đơn thư vượt cấp khi mà cấp có trách nhiệm đang trong thời gian xem xét, xử lý.

Theo Hướng dẫn số 13 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì không giải quyết những trường hợp khiếu nại quá thời hạn khiếu nại theo quy định đang được cấp trên có thẩm quyền giải quyết; đã được cấp có thẩm quyền cao nhất xem xét, kết luận, quyết định. Hướng dẫn số 13 cũng nêu rõ những trường hợp tố cáo không được giải quyết bao gồm:

Tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ; tố cáo có tên đã được cấp thẩm quyền (do Điều lệ Đảng và Luật Tố cáo quy định) xem xét, kết luận, nay tố cáo lại nhưng không có thêm tài liệu, chứng cứ mới làm thay đổi bản chất vụ việc; đơn tố cáo có tên nhưng không rõ nội dung, không chứa đựng, phản ánh nội dung tố cáo; đơn tố cáo không phải bản do người tố cáo trực tiếp ký tên; đơn tố cáo có từ hai người trở lên cùng ký tên; đơn tố cáo của người không có năng lực hành vi dân sự.

Luật sư Nguyễn Thành Minh, Đoàn Luật sư tỉnh Tuyên Quang, cho biết: “Luật Tố cáo đã có quy định rất rõ quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, trong đó người tố cáo có nghĩa vụ trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo; hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu...

Luật cũng nghiêm cấm nhiều hành vi đối với người tố cáo, như: Cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo; mua chuộc, hối lộ, đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo; lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; gây rối an ninh, trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo...”.

Hướng dẫn số 13 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và Nhà nước đối với hành vi lợi dụng tố cáo để xuyên tạc sự thật, vu khống nhằm gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, phá hoại bầu cử.

Mỗi cá nhân nếu thực hiện quyền tố cáo cần phải nắm chắc các quy định của pháp luật với trách nhiệm cao nhất của mình. Không ai được thực hiện quyền năng này một cách vô tổ chức để xâm phạm nhân thân người khác. Điều 20, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm...”. Điều 34, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định rất rõ: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Luật sư Lê Văn Lên, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Hãng luật Capital cho biết: “Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định cụ thể, chi tiết tội vu khống: Cụ thể Điều 156 quy định: “1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền...”.

Nhìn nhận từ thực tiễn hệ thống luật pháp của chúng ta cho thấy, chế tài hiện nay đối với hành vi tố cáo vu khống, cố tình tố cáo sai sự thật đã đủ sức răn đe trong khuôn khổ pháp lý chặt chẽ. Cùng với việc luật pháp cần phải được áp dụng rộng rãi để tạo tính răn đe, thì quan trọng nhất là mọi người dân phải nâng cao nhận thức để hành động thượng tôn pháp luật.

Theo Báo Quân đội nhân dân online

.
.
Liên kết hữu ích
.