Tăng cường tuyên truyền đưa Hiến pháp 2013 vào cuộc sống

Cập nhật: 10:36, 02/04/2014 (GMT+7)

Vào lúc 10 giờ 45 ngày 28-11-2013, Quốc hội tán thành rất cao, biểu quyết với tỷ lệ đa số tuyệt đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình. Đây là kết quả của một quá trình làm việc rất cật lực, là sự nỗ lực và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của Quốc hội, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Ủy Ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (UBDTSĐHP) trong hơn 2 năm qua.

Hiến pháp 1992 được thông qua trong thời kỳ đầu của đổi mới, đó là cơ sở để thực hiện đổi mới trên tất cả các lĩnh vực. Qua 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992, đất nước ta, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; trong đó, đã thực hiện thành công bước đầu công cuộc đổi mới, nước ta đã ra khỏi tình trang kém phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Hệ thống chính trị và đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. Độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của đất nước đã tăng lên rất nhiều, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn theo con đường xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Sau 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001), Đại hội XI của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), có nhiều vấn đề mới đặt ra, một số quy định của Hiến pháp năm 1992 không còn phù hợp. Đồng thời, từ đó đến nay, nhận thức về lý luận cũng được nâng lên một tầm mức mới cần được thể chế hóa trong Hiến pháp. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là yêu cầu khách quan, đó là đòi hỏi của điều kiện phát triển mới của đất nước trong thế kỷ XXI.

Mặt khác, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là nhằm tạo cơ sở hiến định vững chắc cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những giai đoạn tới, thực hiện thành công đường lối, chủ trương mà Đảng ta đã đề ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Tại kỳ họp đầu tiên (tháng 8-2011), Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Với quá trình chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc; là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý quan trọng của đất nước ta, thu hút sự quan tâm đông đảo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; là văn bản pháp lý quan trọng được đưa ra lấy ý kiến toàn dân, lần đầu tiên một văn bản pháp lý quan trọng được gửi đến từng hộ gia đình để người dân tham gia đóng góp ý kiến (có hơn 26 triệu lượt ý kiến đóng góp, và hơn 280 ngàn cuộc hội nghị).

Trên cơ sở ý kiến của nhân dân, UBDTSĐHP đã chỉnh lý và trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 và sau đó tiếp tục hoàn chỉnh trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương và trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6. Quốc hội thông qua Hiến pháp với tuyệt đại đa số phiếu (tổng số 498 đại biểu QH, vắng 10 đại biểu có lý do chính đáng, có 486/488 tham gia bỏ phiếu tán thành, tỷ lệ 97.59%, có 2 đại biểu không biểu quyết); 100% đại biểu tán thành Nghị quyết Thi hành Hiến pháp.

Hiến pháp có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.

Bản Hiến pháp được sửa đổi từ Hiến pháp 1992 và có sự kế thừa tinh thần, những quy định còn phù hợp các bản Hiến pháp trước đây như Hiến pháp 1946, 1959, 1980. Thể hiện các yêu cầu định hướng của Đảng, thể hiện rõ hơn bản chất của Nhà nước ta là nhà nước dân chủ, nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, có thể coi đây là bản Hiếp pháp của dân chủ và phát triển.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 64/2013/QH13 quy định một số điểm thi hành Hiến pháp, trong đó quy định rõ thời hạn công bố chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày thông qua, thời điểm Hiến pháp mới có hiệu lực là từ ngày 1-1-2014, đồng thời quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp, trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp nhằm bảo đảm Hiến pháp được tuân thủ và chấp hành nghiêm trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nhằm triển khai và tổ chức thực hiện tốt Hiến pháp 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Công văn 1985- CV/TU chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về triển khai thi hành Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị 07 và Kế hoạch số 33 về việc triển khai thi hành Hiến pháp trên địa bàn tỉnh.

Cùng với việc triển khai Hiến pháp, việc tăng cường công tác tuyên truyền của các lực lượng trong hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan báo chí có vai trò rất quan trọng giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy rõ mục đích, ý nghĩa và kết quả của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, những nét mới của Hiến pháp sửa đổi; tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội về việc triển khai và thực thi Hiến pháp, pháp luật.

Đồng thời nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt nhận thức của đảng viên và đội ngũ cán bộ, công chức về Hiến pháp, ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt những quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Các cơ quan báo chí trong tỉnh cần có nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện, thế mạnh của mỗi cơ quan báo chí và từng đối tượng; mở chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, đăng tải các nội dung liên quan đến Hiến pháp; thường xuyên đưa tin, bài phản ánh các hoạt động nghiên cứu, học tập, triển khai Hiến pháp;

Đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; phê phán những nhận thức sai trái, lệnh lạc về Hiến pháp; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền trong tổ chức thực thi Hiến pháp; tuyên truyền giáo dục giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân nâng cao ý thức, tinh thần tự giác chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

Việc tuyên truyền Hiến pháp cần tiến hành thường xuyên, liên tục và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014.

THANH HIỀN

.
.
.