Những quy định về giáo dục và đào tạo trong Hiến pháp năm 2013

Cập nhật: 14:51, 07/07/2014 (GMT+7)

Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhằm đạt 3 mục tiêu là nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.

Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, nhà trường không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý.

Hiến pháp năm 2013 quy định Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề.

Phát triển giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lỗi cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện đảm bảo thực hiện; đổi mới từ lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học. Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp với quy luật khách quan. Chuyển giáo dục và đào tạo sang chú trọng chất lượng và hiệu quả; đồng thời đáp ứng yêu cầu về số lượng, phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và các phương thức giáo dục và đào tạo. Chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục và đào tạo. Chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, đảm bảo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển giáo dục và đào tạo.

Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo; đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.

TRẦN BÌNH
(Hội Luật gia tỉnh)

.
.
.