Chuyên mục "Thực thi Hiến pháp": Về Lời nói đầu trong Hiến pháp năm 2013

Cập nhật: 11:22, 14/08/2015 (GMT+7)

Ngày 28-11-2013, với đa số phiếu thống nhất (486/488), Quốc hội thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp năm 2013), có hiệu lực từ ngày 1-1-2014.

Trên cơ sở kế thừa Lời nói đầu trong Hiến pháp năm 1992, tiếp thu ý kiến của Nhân dân, đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học, Lời nói đầu trong Hiến pháp năm 2013 đã được xây dựng trên cơ sở chắt lọc, lựa chọn từ ngữ… để nêu bật một cách ngắn gọn tinh thần, nội dung của Hiến pháp. So với Lời nói đầu trong Hiến pháp năm 1992 với 6 khổ, 536 từ thì Hiến pháp năm 2013 chỉ có 3 khổ với 290 từ. 

Ở khổ thứ nhất của Lời nói đầu đã thể hiện truyền thống hào hùng, tinh thần yêu nước, dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là truyền thống quý báu được kết tinh trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc. “Nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, đấu tranh anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam”. Đây là sự ghi nhận những công lao, cống hiến của các tầng lớp Nhân dân và sự ghi nhận chính Nhân dân chủ thể đã dựng nước và giữ nước từ trong lịch sử đến ngày nay, là truyền thống quý báu của dân tộc được bạn bè quốc tế công nhận.

Lời nói đầu khổ thứ hai đã nêu những cột mốc quan trọng trong quá trình đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc đấu tranh để giữ gìn độc lập, tự do cho Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế, đã phản ánh được nghị lực và ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam dù khó khăn, gian khổ và phải trải qua nhiều hy sinh, mất mát nhưng với truyền thống hào hùng, Nhân dân Việt Nam sẵn sàng đấu tranh chính nghĩa để giữ gìn độc lập, tự do cho Tổ quốc. Ngoài ra, còn có sự ghi nhận, trân trọng những tình cảm mà bạn bè quốc tế đã dành cho Nhân dân Việt Nam trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Khổ thứ 3 của Lời nói đầu đã thể hiện ý chí, quyết tâm của Nhân dân ta trong việc xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đồng thời đã thể hiện nhất quán quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao quyền làm chủ của Nhân dân trong Hiến pháp: Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; Nhân dân là chủ thể xây dựng Hiến pháp, cũng chính là chủ thể thi hành và bảo vệ Hiến pháp.

Có thể nói, lịch sử Việt Nam là cả một quá trình dài với nhiều cột mốc khác nhau, nhưng chỉ với 290 từ được chắc lọc, lựa chọn trong Lời nói đầu của Hiến pháp đã phản ánh lịch sử hào hùng của dân tộc, những mốc lịch sử quan trọng, những thành quả của cách mạng và khẳng định được bản chất, mục tiêu của Nhà nước, là một bước phát triển mới trong kỹ thuật lập hiến của nước ta.

Trân trọng những thành quả của lịch sử dân tộc Việt Nam, mỗi chúng ta cần phải nỗ lực, cố gắng khắc phục những hạn chế, khó khăn, có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định mục tiêu mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

     PHẠM VĂN CHÍNH

.
.
.