Luật Tổ chức TAND năm 2014 cụ thể hóa tinh thần cải cách tư pháp

Cập nhật: 15:24, 23/09/2015 (GMT+7)

Quy định về Tòa án nhân dân (TAND) tại Chương VIII, Hiến pháp năm 2013 thể hiện rõ tinh thần cải cách tư pháp. Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, ngày 24-11-2014 Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức TAND mới, có hiệu lực từ ngày 1-6-2015 (một số nội dung có hiệu lực từ ngày 1-2-2015).

- Về vị trí, chức năng của TAND: Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Tòa án là cơ quan xét xử của nước Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Về tổ chức TAND và thẩm quyền của TAND theo tinh thần cải cách tư pháp nhằm bảo đảm xét xử độc lập, được Hiến pháp năm 2013 quy định tổ chức Tòa án theo cấp xét xử. Cụ thể hóa nội dung trên, Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định hệ thống tổ chức TAND gồm: TAND Tối cao; TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và tương đương; Tòa án Quân sự. Các TAND được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử.

TAND Tối cao: Là cơ quan xét xử cao nhất của nước Việt Nam, nhưng không còn thực hiện xét xử phúc thẩm mà chỉ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của các Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; giám đốc việc xét xử; tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án; đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán, Hội thẩm, các chức danh khác của TAND; quản lý các TAND về mặt tổ chức.

TAND cấp cao: Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị; giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện và tương đương bị kháng nghị.
Về cơ cấu tổ chức, TAND cấp cao gồm có: Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên.

TAND cấp tỉnh: Sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật; phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của TAND cấp huyện và tương đương chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.

Về cơ cấu tổ chức của TAND cấp tỉnh: Ngoài Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, còn có Tòa gia đình và người chưa thành niên.

TAND cấp huyện và tương đương: Xét xử sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu tổ chức của TAND cấp huyện có thể có: Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa xử lý hành chính, Tòa gia đình và người chưa thành niên.

- Về các nguyên tắc xét xử của Tòa án:

Bên cạnh quy định Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và tuân theo pháp luật, Hiến pháp bổ sung nội dung quy định nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án dưới mọi hình thức.

Luật Tổ chức TAND kế thừa quy định: TAND xét xử tập thể và quyết định theo đa số; đồng thời bổ sung nội dung: Trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn. Như vậy, việc xét xử theo thủ tục rút gọn có thể áp dụng đối với những vụ án nhỏ, chứng cứ đã rõ ràng, cụ thể, góp phần giảm áp lực công việc cho các Tòa án.
Nguyên tắc mới rất quan trọng trong hoạt động tố tụng được Hiến pháp quy định là nguyên tắc tranh tụng. Tranh tụng là một nguyên tắc tố tụng chi phối toàn bộ hệ thống tư pháp. Để thực hiện tốt nguyên tắc này thì phải rất chặt chẽ trong khâu tố tụng, từ giai đoạn điều tra, truy tố đến xét xử.

Cơ quan tố tụng phải thật sự vững chắc trong việc đưa ra chứng cứ để lập luận, buộc tội, xét xử, như vậy mới thể hiện rõ vị thế của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật. Bên cạnh đó, cần phải nâng cao vai trò của luật sư, kể cả trong thu thập thông tin và thực hiện tranh tụng trước tòa trong việc đưa ra chứng cứ gỡ tội.

- Về trách nhiệm chứng minh tội phạm và việc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự:

Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND quy định: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử công bằng, công khai; trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai. Không ai bị kết án 2 lần vì 1 tội phạm.

Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm; bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; đương sự khác trong vụ án có quyền tự mình hoặc nhờ người bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.

Tòa án có trách nhiệm bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự. Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.

ĐẶNG PHỤNG (Sở Tư pháp)

.
.
.