CHUYÊN MỤC THỰC THI HIẾN PHÁP

Quy định về hình thức sở hữu trong Hiến pháp năm 2013

Cập nhật: 10:48, 13/11/2015 (GMT+7)
Về chế độ sở hữu: Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, tôn trọng đa hình thức sở hữu, bảo hộ quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sản xuất, tư liệu sinh hoạt, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác (Điều 32) và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (Điều 62). Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa (Điều 51). 
Ảnh minh họa: Như Lam
Ảnh minh họa: Như Lam

Tiếp tục khẳng định như trong Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 xác định Nhà nước tôn trọng và bảo vệ hình thức đa sở hữu, nghĩa là có sở hữu Nhà nước, có sở hữu tư nhân đều được tôn trọng và bảo vệ, cụ thể Điều 51 của Hiến pháp năm 2013 quy định:

 
“Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
 
- Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
 
- Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”.
 
Về tài sản thuộc sở hữu toàn dân: Hiến pháp năm 2013 quy định “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý (Điều 53)”, nghĩa là các loại tài sản này chỉ thuộc sở hữu toàn dân (không có sở hữu tư nhân, không có đa sở hữu). Các loại tài sản này đều là tài sản công, là tài sản công thì thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu để thống nhất quản lý.
 
Như vậy, quy định đất đai là tài nguyên đặc biệt của Quốc gia, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, Nhà nước giao đất đai cho tổ chức và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài để khai thác lợi ích của đất đai. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ (khoản 2, Điều 54).
 
Tại Điều 54 của Hiến pháp năm 2013 quy định một nội dung quan trọng là việc bảo hộ quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân được pháp luật bảo hộ. Do đó Hiến pháp quy định rất rõ là đất do tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ có thể bị thu hồi trong trường hợp thật cần thiết do luật định, chỉ có 2 trường hợp: Vì lý do quốc phòng, an ninh; vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, nhưng phát triển kinh tế - xã hội phải phục vụ lợi ích Quốc gia, lợi ích công cộng thì mới thu hồi đất và việc thu hồi đất này phải thực hiện công khai, minh bạch và có bồi thường theo quy định của pháp luật. 
 
 BÍCH THỦY (Sở Tư pháp)
.
.
.