Một số quy định mới về chính quyền địa phương trong Hiến pháp

Cập nhật: 14:46, 16/11/2015 (GMT+7)
Hiến pháp năm 2013 quy định về chính quyền địa phương tại Chương IX, từ Điều 110 đến Điều 116, vừa thể hiện sự kế thừa của Hiến pháp năm 1992; đồng thời có sự bổ sung, phát triển với một số quy định mang tính mở đường cho sự cải cách tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) nhằm đảm bảo các yêu cầu:
 
Thể hiện sự gắn kết giữa HĐND, UBND; phân cấp, phân quyền rành mạch đối với chính quyền địa phương, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; chính quyền địa phương nằm trong hệ thống hành chính thống nhất. 
 
- Hiến pháp năm 2013 quy định mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng mô hình mở. Trên cơ sở đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật liên quan quy định những vấn đề cụ thể, phù hợp với cơ sở, điều kiện thực tiễn. Mô hình mở về chính quyền địa phương được quy định như sau: 
 
+ Xác định đơn vị hành chính ở địa phương gồm có 3 cấp là cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, được tổ chức phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo; ngoài ra còn có đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập và theo luật định. Thẩm quyền quyết định điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh thuộc Quốc hội, thẩm quyền quyết định điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH). Việc điều chỉnh địa giới hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định. 
 
+ Về nhiệm vụ, thẩm quyền của chính quyền địa phương: Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước cấp trên.
 
Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan Nhà nước ở Trung ương, địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương. Trong trường hợp cần thiết, chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước cấp trên với các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đó. 
 
+ Xác định vị trí, chức năng của HĐND, UBND, đại biểu HĐND, mối quan hệ giữa HĐND, UBND với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tạo cơ sở cho việc cụ thể hóa những nội dung này trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
 
- Ngày 19-6-2015, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương, có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Luật này đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về chính quyền địa phương, với một số điểm nổi bật như sau:
 
Về đơn vị hành chính: So với Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã bổ sung thêm đơn vị hành chính thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. 
 
Về tổ chức chính quyền địa phương: Chính quyền địa phương ở mỗi cấp gồm có HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã. Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc Trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phường, thị trấn.
 
Luật cũng quy định và phân định cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền của chính quyền ở đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhằm tạo cơ sở pháp lý để tổ chức, hoạt động và nâng cao chất lượng, hiệu quả của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
 
Về HĐND: Luật quy định rõ về cơ cấu tổ chức của HĐND, tạo cơ sở pháp lý để củng cố, hoàn thiện tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp. HĐND thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập thêm Ban Đô thị.
 
Số lượng đại biểu HĐND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ 95 đại biểu lên 105 đại biểu. Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện 2 người và phó chủ tịch HĐND cấp xã 1 người hoạt động chuyên trách; trưởng các ban của HĐND cấp tỉnh, huyện có thể hoạt động chuyên trách; phó trưởng ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách; trưởng, phó trưởng ban của HĐND cấp xã hoạt động kiêm nhiệm. 
 
Về UBND: Người đứng đầu các cơ quan chuyên môn của UBND là ủy viên của UBND, quy định này nhằm phát huy trí tuệ tập thể của các thành viên UBND, tăng cường hiệu lực giám sát của HĐND đối với UBND cùng cấp thông qua cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu.
 
Số lượng phó chủ tịch UBND các cấp theo phân loại đơn vị hành chính: Đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt (TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) không quá 5 phó chủ tịch, loại I không quá 4 phó chủ tịch, loại II và loại III không quá 3 phó chủ tịch.
 
Đơn vị hành chính cấp huyện loại I không quá 3 phó chủ tịch, loại II và loại III không quá 2 phó chủ tịch. Đơn vị hành chính cấp xã loại I không quá 2 phó chủ tịch, loại II và loại III có 1 phó chủ tịch. Ngoài ra, luật còn bổ sung quy định về việc điều động, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch UBND cho phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ.
 
Về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính: Khi có trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn đồng ý với đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính thì cơ quan xây dựng đề án mới được hoàn thiện đề án, trình HĐND các cấp thông qua chủ trương. Luật cũng quy định về thẩm quyền đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính. 
 
ĐẶNG PHỤNG 
(Sở Tư pháp)
.
.
.