CHUYÊN MỤC THỰC THI HIẾN PHÁP

Những điểm mới về nội dung bảo vệ Tổ quốc trong Hiến pháp năm 2013

Cập nhật: 15:02, 23/12/2015 (GMT+7)

Chương 4 của Hiến pháp năm 2013 có tên gọi “Bảo vệ Tổ quốc”. Hiến pháp năm 1992 cũng quy định tại Chương 4, nhưng với tên gọi là “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên, trong nội dung nội hàm của bảo vệ Tổ quốc (Hiến pháp năm 2013) vẫn là tiếp tục bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bởi vì thực tế chế độ hiện nay của Nhà nước ta là Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

- “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân; Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh” (Điều 64, Hiến pháp năm 2013). Nội dung này có một số điểm mới như sau:

+ Một là, mới về nội hàm của nội dung bảo vệ Tổ quốc, nghĩa là bảo vệ Tổ quốc ở đây nội dung rộng hơn, bao gồm cả nội dung bảo vệ lãnh thổ biên giới Quốc gia, chủ quyền Quốc gia, có cả bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhân dân (trước đây nhận thức là nhiệm vụ về bảo vệ yên dân bờ cõi, còn nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhân dân đưa vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nghĩa là nói đến an ninh Quốc gia theo nghĩa rộng, bao gồm có cả bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng trong đó).

+ Hai là, khẳng định ngoài việc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là trách nhiệm của toàn dân, trách nhiệm lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc là lực lượng vũ trang (bao gồm có cả bảo vệ lãnh thổ như bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Nhà nước và Nhân dân), nhưng đối với lực lượng vũ trang thì Hiến pháp năm 2013 xác định rõ lực lượng vũ trang gồm Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, chứ không dùng “các lực lượng vũ trang” như Hiến pháp năm 1992, nghĩa là không phân biệt Quân đội và Công an riêng.

+ Ba là, trong bảo vệ Tổ quốc, ngoài việc bảo vệ ở trong nội địa, biên giới, lãnh thổ của mình, còn làm nghĩa vụ quốc tế, tham gia bảo vệ hòa bình ở khu vực và thế giới.

- Tại Điều 65 quy định “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh Quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế” (Hiến pháp năm 1992 quy định các lực lượng vũ trang trung thành với Tổ quốc, nhân dân; Hiến pháp năm 2013 bổ sung thêm “trung thành với Đảng, với Nhà nước”.

- “Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng” (Điều 66, Hiến pháp năm 2013); Nhà nước xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh Quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm” (Điều 67, Hiến pháp năm 2013). Nội dung này quy định rõ thêm vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng lực lượng vũ trang, mà cụ thể là xây dựng Quân đội nhân dân và xây dựng Công an nhân dân.

BÍCH THỦY (Sở Tư pháp)

.
.
.