Thứ Hai, 02/09/2013, 08:13 (GMT+7)
.

Trận Ao Dong và những điều mong mỏi

Lãnh đạo TX. Gò Công đang gấp rút chuẩn bị tổ chức buổi tọa đàm khoa học, dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 9, với sự tham gia của đại diện các sở, ngành tỉnh; các nhân chứng lịch sử đã từng tham gia và chứng kiến trận Ao Dong diễn ra vào ngày 24-3 (ÂL) năm Mậu Thân 1968 tại xã Bình Xuân.

Qua tọa đàm lần này nhằm thống nhất các sự kiện diễn ra trong trận đánh và quan trọng hơn là dự kiến tìm hướng quy hoạch xây dựng lại khu vực Ao Dong làm nơi tưởng niệm ngang tầm với ý nghĩa của trận đánh theo như mong mỏi của người dân bấy lâu nay.

Nơi thờ cúng và Bia tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong trận chống càn Ao Dong tại xã Bình Xuân.
Nơi thờ cúng và Bia tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong trận chống càn Ao Dong tại xã Bình Xuân.

Theo tư liệu mà chúng tôi góp nhặt được từ ông Châu Thanh Hải, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 514B, đơn vị chiến đấu chủ lực trong trận đánh ngày 24-3, bối cảnh lịch sử diễn ra trận đánh Ao Dong là sau khi thất bại nặng nề trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta, địch tổ chức những trận càn quy mô lớn, với lực lượng lên đến hàng ngàn quân, được trang bị vũ khí đầy đủ và dùng thiết xa vận.

Mục đích của chúng là thực hiện âm mưu bình định, củng cố địa phương phía sau của chúng, mà tỉnh Gò Công là trọng điểm. Địch tổ chức lại các liên đoàn bảo an ở tỉnh Gò Công, gồm 4 liên đoàn, mỗi liên đoàn có 4 đại đội.

Ngoài lực lượng bảo an và dân vệ, địch còn tăng cường Trung đoàn 12 (Sư đoàn 7), từng lúc đưa từ 1 - 2 tiểu đoàn biệt động quân và 26 đoàn bình định. Mục đích của địch là càn quét liên tục làm tiêu hao lực lượng vũ trang của ta, đàn áp, khống chế phong trào cách mạng quần chúng.

Thực hiện chỉ đạo của Quân khu ủy Khu 8 và Tỉnh ủy Gò Công, quyết tâm đánh phá và làm thất bại âm mưu bình định của địch, với mục tiêu bám sát các đoàn bình định nhằm tập kích tiêu diệt chúng; chọn trận địa, kiên quyết đánh càn, tiêu hao sinh lực địch, hỗ trợ phong trào cách mạng quần chúng đấu tranh với địch, từ đó hiểu về địa bàn xã Bình Xuân để học tập, củng cố lực lượng, bổ sung quân số.

Mục đích của ta là đưa Tiểu đoàn 514B về trú quân ở xã Bình Xuân, nơi đây có địa hình, địa vật để củng cố học tập và bổ sung quân số. Quân số Tiểu đoàn có 220 người, gồm 3 đại đội bộ binh, 1 trung đội trinh sát, 1 trung đội đặc công và công binh, 1 trung đội cối 82.

Tiểu đoàn do đồng chí Châu Thanh Hải làm Tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn đã bố trí Đại đội 1 và Đại đội 3 ở ấp 7 xã Bình Xuân, phía Tây giáp ấp Bình Hòa xã Bình Phú Đông, phía Nam giáp xã Bình Thành. Đại đội 2 được bố trí tiếp giáp ấp 5, ấp 6 xã Bình Xuân. Trung đội cối 82 bố trí gần chỉ huy sở tiểu đoàn giữa ấp 7 và ấp 6.

Sơ đồ diễn biến trận đánh càn  Bình Xuân ngày 21-4-1968 (nhằm ngày 24-3 ÂL) do Tiểu đoàn trưởng  Châu Thanh Hải phác thảo.
Sơ đồ diễn biến trận đánh càn Bình Xuân ngày 21-4-1968 (nhằm ngày 24-3 ÂL) do Tiểu đoàn trưởng Châu Thanh Hải phác thảo.

Trận đánh bắt đầu diễn ra vào sáng ngày 24-3. Đúng 7 giờ 15 phút máy bay đầm già quầng đảo từ xã Bình Phú Đông xuống xã Bình Xuân qua xã Bình Thành để hướng dẫn xe M113 chở theo Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12, Sư đoàn 7 ngụy từ hướng Tây xuống ấp Bình Hòa xã Bình Phú Đông, giáp ấp 7 xã Bình Xuân. Đúng 8 giờ pháo từ TX. Gò Công, Gò Công Tây, vàm Lý Nhơn bắn liên tục 300 quả vào ấp 5, 6, 7 xã Bình Xuân.

Đúng 8 giờ 30 phút, phi cơ ném bom bay đến bỏ 6 quả vào ấp 7 và 4 quả vào ấp 6 xã Bình Xuân. Đúng 9 giờ, 24 xe M113 và Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12, Sư đoàn 7 tiến vào trận địa phòng ngự cách 150 m của Đại đội 1 và Đại đội 3 của ta.

Cũng thời gian trên 30 trực thăng chở 1 tiểu đoàn biệt động, đổ quân cách ấp 6 xã Bình Xuân 200 m, cách trận địa phòng ngự của Đại đội 2 là 250 m.

Hỏa lực của Đại đội 2 đồng loạt nổ súng, diệt hàng chục tên khi trực thăng địch chưa bay lên khỏi trận địa, địch hốt hoảng chạy tán loạn, trực thăng cũng vội vàng cất cánh bay về hướng Long An.

Đại đội 2 tiếp tục bắn tỉa vào nơi quân địch đang ẩn nấp, vào đám lá giữa đồng làm địch không triển khai được đội hình tiến công vào trận địa ta.

Hướng Đại đội 1 và Đại đội 3 ở ấp 7 xã Bình Xuân, địch cho từ 10-15 tên bò vào thăm dò tuyến phòng ngự của ta, đồng thời 24 xe M113 sẵn sàng hỏa lực chi viện cho bộ binh địch khi cách tuyến phòng ngự ta 20 m.

Đại đội 1 tập trung hỏa lực diệt 3 mũi địch tiến vào, 20 tên địch bỏ xác tại chỗ, số còn lại dạt sang hai bên để hỏa lực xe M113 bắn ào ào vào tuyến công sự phòng ngự chủ yếu của Đại đội 1.

Chỉ huy sở tiểu đoàn ra lệnh cho cối 82 ta bắn 20 quả vào khu vực xe M113. Trước tuyến phòng ngự của Đại đội 1, cối của ta bắn rất chính xác làm 3 xe M113 đứt xích nằm tại chỗ, bọn lính trên xe tháo chạy núp vào các xe khác.

Từ 9 giờ 30 phút đến 11 giờ, ta và địch đánh trả liên tục và ác liệt. Mãi đến 16 giờ 30 phút, trận địa mới im tiếng súng. Riêng cánh quân bảo an cũng rút về TX. Gò Công vào lúc 16 giờ 50 phút.

Trận đánh càn Bình Xuân đã thể hiện tinh thần đấu tranh cách mạng của quân dân Gò Công, quyết tâm đánh phá âm mưu bình định và củng cố hậu phương của chúng. Đặc biệt là lòng dân, hầu hết nhân dân trong xã, ấp đều một lòng theo cách mạng, mặc dù gian khổ, khó khăn, pháo bom bắn phá ngày đêm nhưng không có gia đình nào bỏ làng, bỏ nhà ra vùng địch kiểm soát.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đến năm 1977 để tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, nhân dân trong ấp lập am thờ tại Ao Dong để cúng viếng.

Năm 2006, Huyện ủy Gò Công Đông và UBND xã Bình Xuân đã hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà vuông để thờ cúng, với diện tích khoảng 50 m2. Năm 2013, nhân dân trong ấp tiếp tục đóng góp kinh phí xây dựng thêm nhà khối phía sau để thờ cúng.

Hiện nay, tại gian thờ trân trọng ghi lại dòng chữ: “Nơi đây Tiểu đoàn 514B đánh bại trận càn quét với quy mô lớn của Mỹ - Ngụy có máy bay, pháo binh và xe tăng yểm trợ từ 8 giờ sáng đến 17 giờ chiều. Ta tiêu diệt trên 30 tên địch, phá hủy 2 xe M113, giữ vững trận địa, bẻ gãy trận càn vào khu căn cứ cách mạng.”

THẾ ANH – NGÔ VĂN

.
.
.