Thứ Sáu, 21/11/2014, 08:13 (GMT+7)
.

Bảo tàng Quang Trung nơi lưu giữ giá trị văn hóa,lịch sử nhà Tây Sơn

Ngay trong thời điểm tỉnh Tiền Giang đang hướng đến kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (20-1-1785 - 20-1-2015) nhằm giáo dục truyền thống và ghi nhớ công lao chống giặc ngoại xâm của anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ cũng là lúc Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang đã có chuyến thăm Bảo tàng Quang Trung (tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) - nơi đang lưu giữ và trưng bày một khối lượng lớn hiện vật quý giá, vừa mang tính lịch sử vừa mang tính giáo dục, trong số này có những hiện vật nguyên gốc, độc bản liên quan đến phong trào Tây Sơn.

Bảo tàng Quang Trung là một trong số bảo tàng danh nhân lớn nhất có giá trị về lịch sử và thu hút lượng khách đến tham quan du lịch, học tập nhiều nhất của đất nước ta hiện nay.

Đoàn của Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang thăm Bảo tàng Quang Trung.
Đoàn của Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang thăm Bảo tàng Quang Trung.

Từ TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đi theo Quốc lộ 19 về hướng Tây hơn 40km là đến thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, nơi có một Bảo tàng mang tên người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nơi đây cũng là quê hương của 3 anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.

Bảo tàng Quang Trung được khởi công xây dựng vào năm 1977 trên một khuôn viên rộng khoảng 95.000m2, với lối kiến trúc vừa cổ kính, vừa hiện đại, theo lối trang nghiêm, hài hòa với cảnh quan. Bảo tàng là một không gian văn hóa bao gồm: Khu nhà trưng bày, điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, tượng đài Hoàng đế Quang Trung, nhà biểu diễn nhạc võ Tây Sơn, nhà rông văn hoá các dân tộc Tây Nguyên...

Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt là điểm đầu tiên mà mọi người sẽ đến thắp nén nhang để tưởng nhớ tới các anh hùng áo vải Tây Sơn. Điện thờ được xây dựng trên nền nhà cũ của ba anh em nhà Tây Sơn.

Trong điện thờ có khoảng 10 bàn thờ, chính giữa là thờ cộng đồng, thờ chung cho tổ tiên dòng họ ba anh em nhà Tây Sơn. Ba anh em nhà Tây Sơn được thờ chính giữa gọi là Tây Sơn Tam Kiệt; còn lại tả hữu thờ võ tướng anh em nhà Tây Sơn. Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt là điện thờ cả triều đại nhà Nguyễn Tây Sơn.

Phía ngoài điện thờ hiện vẫn còn cây me và giếng nước có tuổi đời trên dưới 300 năm. Cây me này có ý nghĩa đặc biệt về mặt văn hóa, lịch sử, được xem là biểu tượng cho sức sống, sự trường tồn của phong trào Tây Sơn trong lòng dân tộc. Chiếc giếng cổ vẫn cho nước trong vắt, mát lành.

Bảo tàng Quang Trung (tỉnh Bình Định).
Bảo tàng Quang Trung (tỉnh Bình Định).

Vào khu nhà trưng bày của Bảo tàng Quang Trung, nơi hiện lưu giữ hơn 11.000 tư liệu, hiện vật gốc và hàng trăm hiện vật phục chế của Triều đại Tây Sơn. Đến đây, mọi người sẽ hiểu hơn về một thời đại lừng lẫy và vị vua kiệt xuất nhất, được yêu mến nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Nhiều hiện vật gốc được giữ gìn nguyên vẹn như: Chiếc trống da voi của đồng bào Tây Nguyên tham gia phong trào Tây Sơn; ấn tín, các sắc phong, gia phả của nhiều văn thần, võ tướng; chuông đồng, súng thần công, ấn tín, tiền đồng Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh; tấm bia mộ tổ dòng họ Tây Sơn.

Đặc biệt là 18 loại binh khí thô sơ giúp nghĩa quân Tây Sơn đi từ chiến thắng 5 vạn quân Xiêm trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút đến chiến thắng 29 vạn quân Thanh. Ngoài ra, tại Bảo tàng Quang Trung vẫn còn lưu giữ sắc phục của các vị quan của Triều đại Tây Sơn...

Biểu diễn võ thuật và trống trận Quang Trung có thể xem là hai di sản phi vật thể của nhà Tây Sơn mà mọi người không thể bỏ qua khi đến Bảo tàng Quang Trung.

Theo một nghệ sĩ - võ sĩ biểu diễn nhạc võ Tây Sơn tại Bảo tàng Quang Trung, một bộ nhạc võ Tây Sơn có 12 trống. Một bài trống có 3 hồi: Hồi thứ nhất là xuất quân, với nhịp khoan thai, chậm rãi, tập hợp lực lượng nghĩa quân chuẩn bị xuất phát lên đường. Hồi thứ 2 là hãm thành, nhịp trống dồn dập, rất nhanh và hùng mạnh. Hồi thứ 3 là khúc khải hoàn nên nhịp trống vui tươi.

Theo lời tương truyền, ngày xưa nhạc võ Tây Sơn được đánh để kích thích tinh thần của nghĩa quân Tây Sơn. Ngoài ra, mọi người còn được xem những màn biểu diễn võ cổ truyền độc đáo, thưởng thức văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, với nhiều tiết mục múa đặc sắc, gợi nhớ lại những ngày đầu anh em nhà Tây Sơn khởi nghiệp từ vùng thượng đạo An Khê (nay thuộc tỉnh Gia Lai).

Mặc dù thời gian tham quan Bảo tàng Quang Trung không nhiều nhưng mọi người trong đoàn của Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang đều có ấn tượng mạnh mẽ về những giá trị lịch sử văn hóa tinh thần của một thời đại huy hoàng của dân tộc.

Thăm Bảo tàng Quang Trung, mọi người như được ngược dòng lịch sử để sống với tinh thần thượng võ, anh hùng, nghĩa hiệp, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, giữ gìn quê hương, đất nước qua lịch sử oai hùng của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và những chiến công hiển hách, lừng lẫy của Quang Trung - Nguyễn Huệ, để từ đó càng nâng cao lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ.

HỮU NGHỊ

Tại tỉnh Tiền Giang, khi nhắc đến vị anh hùng áo vải Tây Sơn - Nguyễn Huệ, ai ai cũng đều biết trận thủy chiến oai hùng Rạch Gầm - Xoài Mút (trên đoạn sông Tiền) diễn ra cách nay gần 230 năm, do vị tướng này lãnh đạo, chỉ huy đánh thắng 5 vạn quân Xiêm được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Trận Rạch Gầm - Xoài Mút là một trong ba trận thủy chiến kiệt xuất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Để biểu dương công trận Rạch Gầm - Xoài Mút, năm 1993, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã công nhận "Chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút" là di tích cấp quốc gia; đồng thời để kỷ niệm trận đại thắng ấy, năm 2005, một khu di tích lịch sử mang tên Rạch Gầm - Xoài Mút đã được xây dựng hoàn thành, nằm cạnh bờ sông Tiền (trên tỉnh lộ 864, thuộc xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Khu di tích lịch sử này có tổng diện tích gần 3ha, gồm có tượng đài anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, nhà trưng bày (số 1 và số 2) và một nhà cổ Nam Bộ.

Năm 2015 là năm kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút (20-1-1785 - 20-1-2015) và UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức Lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng này, với nhiều chương trình, hoạt động lễ hội sẽ diễn ra trong 2 ngày 18 và 19-1-2015 tại Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút (xã Kim Sơn, huyện Châu Thành).


 

.
.
.