Thứ Sáu, 12/12/2014, 14:29 (GMT+7)
.

Giai thoại về Bí thư Chi bộ xã Đạo Thạnh

Thoạt đầu tôi cứ nghĩ ông thứ mười, tên Hổ nên mọi người gọi ông là “Mười cọp” cho vui, nhưng không phải vậy. Qua tìm hiểu, được biết, cái tên “Mười cọp” ẩn chứa một câu chuyện kỳ thú, như là một giai thoại về Bí thư Chi bộ xã Đạo Thạnh - một xã ven TP.  Mỹ Tho trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gian lao mà anh dũng. Đó là câu chuyện về ông Thái Ngọc Hổ, sinh năm 1936, được tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, hiện ngụ ấp 5, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho.

Tham gia cách mạng từ những ngày Đồng khởi năm 1960, trưởng thành từ du kích xã, năm 1963 được kết nạp vào Đảng, từng trải qua nhiều công tác như: Tổ trưởng sản xuất vũ khí, cán bộ binh vận - nông hội, năm 1967 ông Mười Hổ được phân công làm Phó Bí thư Chi bộ xã Đạo Thạnh.

Hóc Đùn thuộc xã Đạo Thạnh, là căn cứ của Thành đội và nơi đó có vuông vườn của gia đình ông Mười Hổ. Trong vuông vườn có ít nhất 3 cái hầm bí mật, từng nuôi giấu các đồng chí Khu ủy, Thành ủy lúc bấy giờ như đồng chí Mười Hà, Tám Thành, Tám Đỉnh, Hoài Thu, Hai Tính… (sau giải phóng, bà Nguyễn Thị Anh, vợ ông Mười Hổ được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì).

Từ căn cứ Hóc Đùn, lực lượng vũ trang Thành đội phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực của khu, của tỉnh tập kết trước đó đã vượt sông Bảo Định để tấn công vào TP. Mỹ Tho trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

Sau chiến dịch Xuân Mậu Thân, địch bung ra càn quét dữ dội nhằm đẩy lùi lực lượng chủ lực của ta ra xa thành phố. Lúc này, ông Mười Hổ được chỉ định làm Bí thư Chi bộ xã Đạo Thạnh.

Nhớ lại một thời khói lửa đạn bom, gian nan ác liệt, giọng ông Mười Hổ chợt bồi hồi: “Chúng đánh rát quá chừng, dựa vào sự chi viện của sư đoàn 9 Mỹ về lực lượng, pháo binh, máy bay, tàu chiến, bọn lính sư đoàn 7 ngụy tổ chức nhiều trận càn quét dài ngày vào các căn cứ của ta ở các xã ven. Có trận càn chúng kéo dài suốt một tuần, du kích xã Đạo Thạnh và lực lượng C2 Thành đội phải ăn mận hồng đào thay cơm để chống địch càn.

Khi bộ đội chủ lực rút quân, chúng tung biệt kích, thám báo, chỉ điểm đánh vào các cơ sở cách mạng đang bám trụ trên địa bàn. Lúc bấy giờ bọn lính làng gọi tôi là con cọp vùng Hóc Đùn và địch treo giải thưởng 5 triệu đồng - số tiền rất lớn lúc đó cho bất kỳ ai bắt hoặc giết được “Mười cọp”. Đó là những năm tháng đầy gian nan, vì tôi phải sống trong sự truy lùng ráo riết của địch.

Thế nhưng, ngày nằm hầm, đêm tôi cùng các đồng chí trong cấp ủy luồn sâu vào trong các ấp để tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh, thu đảm phụ kháng chiến, củng cố tổ chức, xây dựng lực lượng để tiếp tục chiến đấu.

Giữa năm 1969, do bị chỉ điểm, địch khui hầm bắt được ông Mười Hổ. Hết khám đường Mỹ Tho đến khám đường Cần Thơ, nhưng những đòn tra tấn cực kỳ dã man của kẻ thù không thể nào khuất phục được người bí thư chi bộ Đảng. Trong tù, ông Mười Hổ tiếp tục đấu tranh và được Đảng bộ nhà tù tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy khu 2. Bị địch đày ra đảo Phú Quốc, ông Mười Hổ vẫn giữ vững khí tiết, làm Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy khu C5.

Năm 1973, Hiệp định Pari được ký kết, ông Mười Hổ được trao trả và được đưa ra miền Bắc an dưỡng, sau đó vào học Trường Chính trị Nguyễn Ái Quốc. Cuối năm 1974 ra trường, ông Mười Hổ tình nguyện trở về miền Nam tiếp tục chiến đấu, làm Ban Cán sự Quận ủy Quận 1, TP. Mỹ Tho cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.

Sau giải phóng, ông Mười Hổ được điều về làm Chủ tịch UBND xã Tân Long, sau đó làm Bí thư Đảng ủy xã (nay là phường Tân Long). Chấp hành sự phân công của Đảng, năm 1978 ông Mười Hổ đưa quân vào khai hoang vùng Đồng Tháp Mười, làm Phó Giám đốc Nông trường 3 tháng 2 kiêm Hiệu trưởng Trường Xây dựng cuộc sống mới.

Trọn một đời theo Đảng, từng nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử ai cũng nghĩ ông Mười Hổ sẽ rất tự hào. Vậy mà, ông Mười Hổ vẫn canh cánh trong lòng một nỗi niềm đau đáu, xót xa về một nỗi oan trái mà không sao nói được thành lời.

Nhân dịp đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, ông mới bày tỏ nỗi lòng, chỉ mong muốn một điều là bạn bè, anh em, đồng đội sẽ hiểu ông hơn:  “Năm 1980, tôi bị nghi can trong một vụ trọng án, bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ trong một thời gian dài để điều tra. Mặc dù đã được minh oan, được phục hồi Đảng tịch, chức vụ nhưng dù sao đó cũng là một nỗi buồn man mác trong đời”.

Không chỉ trung kiên, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn hoàn thành tốt trọng trách được giao, ông Mười Hổ còn quan tâm giáo dục con cái trở thành những công dân tốt cho xã hội. Trong 6 người con của ông hiện có 5 người là cán bộ, đảng viên đang công tác trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước. Bước vào tuổi 78, ông Mười Hổ vẫn lạc quan, yêu đời và hóm hĩnh nói: Gia đình tôi dư sức thành lập một chi bộ Đảng.

Đ.V.H

.
.
.