Thứ Ba, 30/12/2014, 07:31 (GMT+7)
.
HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 52 NĂM CHIẾN THẮNG ẤP BẮC (2-1-1963 - 2-1-2015)

"Lửa" Thành Quắn

Một chi tiết cảm động mà chúng tôi biết được khi trao đổi với cựu chiến binh Thành Quắn (tên thật Phan Văn Hiệp - Năm Hiệp, sinh năm 1941, ngụ ấp Bình Đông, xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre): Lúc 4 giờ 45 phút sáng ngày 2-1-1963 - thời điểm ông nổ súng trong trận thắng lịch sử Ấp Bắc của Tiểu đoàn 261 - GIRON (tại quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho lúc bấy giờ), thì trước đó ông đã bị sốt rét bỏ cơm đến 3 ngày liền. Nay ông đã 75 tuổi, kể lại:

TRẬN ĐÁNH GIAN NAN MÀ TỰ HÀO TRỌN ĐỜI

Nhắc về thời khắc oanh liệt trong trận Ấp Bắc, mắt ông ngời lên như vừa được tiếp thêm “lửa”. Ông không giấu được cảm xúc tự hào và từ tốn kể lại: “Trinh sát báo địch sẽ mở trận càn vào đúng vị trí đóng quân của Trung đội 3 thuộc Đại đội 1 chúng tôi. Sương đêm còn rơi, sốt trong người và rét ngoài da làm cơ thể tôi rã rời do bị sốt rét từ 3 ngày trước, chỉ uống nước thay cơm, vẫn cầm súng sẵn sàng chờ địch dưới công sự cùng các đồng chí của mình”.

“Trong cơn thập tử nhất sinh, tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ chết, nhưng cái chết này do chiến tranh gây ra, mà không ai khác chính là bọn địch sắp tràn tới để giết những người yêu hòa bình chúng tôi. Và cơn hận đã giục tôi mạnh mẽ, lấn át cả cái đói, cái rét. Sự oán hận đó cũng nhanh chóng được giải quyết bởi chúng đến rất nhanh, lù lù lúc trời còn tối mịt. Thấy dáng chúng, tôi lẩy cò ngay lập tức” - ông Thành Quắn xúc động nhớ lại.

Vấp phải sự chống trả quyết liệt, địch thương vong, nhưng 2 bên chỉ cầm cự chờ trời sáng. Trận chiến ác liệt kéo dài đến chiều hôm đó. Xe tăng địch cũng không dám tấn công nữa, do trước đó cây trường MAS của đồng đội tên Ba Chiến đã bắn cháy chiếc M113, gây cho chúng nhầm tưởng đơn vị có trang bị hỏa lực của bộ đội miền Bắc.

“Đến chiều, máy bay ùn ùn kéo đến, từ trên cao những cục nhỏ xíu màu đỏ, màu xanh từ từ rơi xuống. Lúc đầu tưởng đâu chúng chi viện thức ăn, sau đó nghe anh Bảy Đen vận động diệt lính dù thì mới biết đó là bọn lính nhảy dù. Tôi thấy nhiều dù xanh, còn dù đỏ rất ít. Nổi hứng, tôi lựa dù đỏ bắn, thấy từ trên cao trúng đạn của tôi và rớt xuống 1 cây. Sau này mới biết lính dù đỏ là chỉ huy cố vấn người Mỹ, còn lính dù xanh là lính ngụy” - ông Thành Quắn cười tươi.  

CHIẾN SĨ TIÊN PHONG TRỌN ĐỜI

Sau trận Ấp Bắc, chiến sĩ Thành Quắn được đơn vị cử đi học Báo Vụ (chuyên dịch, phát thông tin bằng ký hiệu) ở Quân khu 8 và sau đó công tác ở đài phát thanh. Đến Xuân Mậu Thân năm 1968, ông bị thương, phải dưỡng thương hơn 7 tháng.

Sau thời gian này, ông chủ yếu chiến đấu ở chiến trường tỉnh Bến Tre. Một năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước ông xuất ngũ, về quê hương Mỏ Cày Nam sinh sống và vẫn luôn tích cực tiên phong trong công tác ở mọi vị trí tại địa phương.

Ông Võ Văn Quới, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cẩm Sơn (huyện Mõ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) cho biết: 15 năm kể từ năm 1997, chú Năm Hiệp (tức Thành Quắn) là Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã và là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Bình Đông từ năm 1998 đến nay.

Với các dây hụi gây quỹ tương trợ nhau làm kinh tế hay vận động 3 hộ khá giúp 1 hộ nghèo từ ý tưởng của chú Năm Hiệp nên từ mấy năm qua trong chi hội cựu chiến binh do chú Năm Hiệp phụ trách đã không còn hộ nghèo hay cận nghèo nữa.

Tiền quỹ của chi hội còn giúp khá nhiều hộ dân còn khó khăn trong ấp. Không ngừng phát triển, hiện quỹ đã tích lũy hơn 100 triệu đồng và Chi hội Cựu chiến binh ấp Bình Đông nhiều năm liền được Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre công nhận là chi hội vững mạnh.

Với làn da ngâm đen, dáng người cao đến 1,75 m, thân hình hơi gầy, gân guốc và dù đã ở tuổi 75 nhưng mắt ông vẫn sáng, đọc chữ không cần dùng kính, đầu óc vẫn minh mẫn và luôn nhiệt tình với công tác đoàn thể nhằm góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và làm gương cho thế hệ trẻ… 

MÃ PHƯƠNG

.
.
.