Thứ Hai, 08/12/2014, 15:30 (GMT+7)
.

Khu Du lịch Thới Sơn: Góp phần thúc đẩy ngành Du lịch phát triển

Cù lao Thới Sơn là điểm du lịch sinh thái miệt vườn nổi tiếng ở Tiền Giang và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Dọc theo cù lao là những vườn cây ăn trái sum sê, khí hậu mát mẻ, nhiều nhà bày bán đủ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất từ cây dừa; hàng thêu may, đan, rượu, bánh… tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương. Tuy còn những khó khăn nhất định, song Thới Sơn vẫn có những nét hấp dẫn thu hút khách du lịch gần xa tham quan, trải nghiệm.

Du khách ngồi đò chèo tham quan, du lịch cù lao Thới Sơn. 					                 Ảnh: CAO LẬP ĐỨC
Du khách ngồi đò chèo tham quan, du lịch cù lao Thới Sơn. Ảnh: Cao Lập Đức

Đến cù lao Thới Sơn, du khách có thể thăm những vườn cây trái trĩu quả, trại nuôi ong, lò kẹo dừa... đặc trưng của người Nam bộ. Quang cảnh xanh tươi của khu du lịch, sự hấp dẫn, quyến rũ của Thới Sơn ở chỗ đến mảnh đất này người ta sẽ quên sự ồn ào, tấp nập của phố phường.

Du khách có thể xuống đò chèo xuôi theo con rạch ngoằn ngoèo giữa 2 hàng dừa nước rậm rạp. Nếu muốn tản bộ, sẽ theo những con đường đá uốn lượn, băng qua những vườn cây trái sum sê.

Du khách cũng có thể ngồi trong những nhà vườn nhấm nháp tách trà mật ong thơm ngọt và lắng nghe đờn ca tài tử. Có lẽ, chính những nét đặc trưng riêng này cùng với lợi thế về điều kiện tự nhiên, đã thúc đẩy ngành Du lịch tỉnh phát triển, số lượng khách du lịch luôn tăng qua các năm.

Những năm qua, ngành Du lịch Tiền Giang chọn cù lao Thới Sơn là điểm du lịch trọng tâm của tỉnh để đầu tư phát triển. Nhờ vậy, người dân từ chỗ bám ruộng - bám vườn, nay chuyển sang làm du lịch. Dọc chiều dài cù lao Thới Sơn nhộn nhịp hẳn lên với những dãy nhà bày bán quà lưu niệm, cơ sở sản xuất hàng thủ công truyền thống, làng nghề, khu câu cá, tát mương…

Cơ sở hoạt động kinh doanh du lịch ngày càng phát triển với nhiều đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa và vận chuyển khách du lịch bằng thuyền máy, đò chèo; mở lớp tập huấn tài tử ca... tạo nên nét độc đáo. Qua đó, đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho bà con.

Ông Bùi Văn Bảo, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thới Sơn cho biết: “Cù lao Thới Sơn hiện là trung tâm đón khách du lịch của tỉnh, mỗi năm đón trên 6.800 đoàn khách du lịch với gần 60 ngàn lượt khách, trong đó có 70% là khách quốc tế.

Thời gian qua, ngành Du lịch đã quan tâm đầu tư, song khu du lịch này vẫn còn những hạn chế nhất định. Các dịch vụ đi kèm, khu vui chơi giải trí còn hạn chế nên chưa tạo sức hấp dẫn để du khách tiêu tiền và giữ chân khách qua đêm, mà chủ yếu du khách chỉ đến tham quan rồi về trong ngày”.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, năm 2014 và những năm tiếp theo Tiền Giang sẽ đầu tư 430 tỷ đồng để thực hiện các dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó, khoảng 95% vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp và nhân dân, vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 5% để đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch.

Với nguồn vốn này sẽ tập trung đầu tư phát triển du lịch ở 2 khu vực chính: Trung tâm TP. Mỹ Tho và huyện Cái Bè. Trung tâm TP. Mỹ Tho dựa vào lợi thế cảnh quan sông nước, miệt vườn trên cù lao Thới Sơn (cù lao có diện tích khoảng 1.211 ha nằm giữa dòng sông Tiền, đặc trưng văn hóa sông nước Nam bộ).

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt đã xác định Thới Sơn là 1 trong 4 Khu du lịch Quốc gia của vùng ĐBSCL. Thới Sơn sẽ phát triển các dịch vụ du lịch đa dạng như: Du thuyền trên sông Tiền, đi đò chèo trong kinh - rạch nhỏ, thưởng thức đờn ca tài tử, tham gia tát mương bắt cá, thưởng thức trái cây đặc sản, ẩm thực địa phương…

HOÀI THU

.
.
.