Thứ Tư, 15/04/2015, 17:44 (GMT+7)
.
Cuộc hành trình cho ngày giải phóng, thống nhất đất nước

Bài 4: Rưng rưng ngày đại thắng…

Bài 1: Khi "Tổ quốc gọi tên mình"
Bài 2: Đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết
Bài 3: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh
Bài cuối: Thắm đượm truyền thống "Uống nước nhớ nguồn"

Cột mốc ngày 30-4-1975 lịch sử đã lùi xa 40 năm. Những tưởng 40 năm trôi qua, thời gian có thể đã mang theo ít nhiều ký ức về ngày đại thắng. Nhưng không, ký ức về ngày non sông thống nhất vẫn còn vẹn nguyên trong lòng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Và trong niềm hân hoan, tràn ngập niềm vui khi hay tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, thẳm sâu trong trái tim của các mẹ còn có nỗi niềm rưng rưng…

(anh-2)-DSCF7498.jpg
Mẹ VNAH Trần Thị Sáu luôn đau đáu mong tìm được mộ con.

2 BÀ MẸ LONG HƯNG

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thơm (ấp Thạnh Hòa, xã Long Hưng, huyện Châu Thành) đã bước sang tuổi 94, chuyện đời có cái nhớ có cái quên, nhưng ký ức về ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước vẫn còn hằn sâu trong tâm trí của mẹ. Khi hay tin bộ đội đại thắng, mẹ Thơm “mừng vui không thể tả xiết”.

Nhưng cũng chính trong khoảnh khắc ấy, trái tim người vợ, người mẹ như se thắt lại, rưng rưng… Làm sao không rưng rưng cho được khi mọi người hân hoan chào đón người thân từ những đoàn quân chiến thắng trở về sum họp với gia đình, thì chồng và 2 con trai của mẹ mãi mãi không về nữa. Trong cuộc hành trình cho ngày giải phóng, thống nhất đất nước, họ đã nằm xuống trên mảnh đất Long Hưng này…

Nhà mẹ Thơm là cơ sở của cách mạng. Mẹ chỉ có 2 con trai. Chồng mẹ tham gia cách mạng, rồi 2 người con trai của mẹ lớn lên cũng nối bước cha tham gia cách mạng. Mẹ nhớ hoài cái ngày 8-6-1967…

Hôm ấy, người con trai lớn (Nguyễn Văn Đạo) của mẹ vừa đánh đồn xong thì ghé tạt ngang thăm nhà. Mẹ sợ địch theo dõi biết anh về thăm nhà nên giục anh tranh thủ tắm rồi đi ngay. Anh vừa tắm xong, vào phòng thay quần áo chuẩn bị đi thì bọn địch ập đến.

Mẹ chưa kịp phản ứng gì thì anh Đạo từ trong phòng bước ra, chiếc áo mới xỏ vào được 1 tay. Một loạt đạn nổ xé tai… Anh ngã gục ngay trước mặt mẹ. Mẹ nắm tay chúng tôi dẫn lên nhà trên rồi chỉ cái bàn, giọng run run: “Thằng Đạo bị bắn ngã chúi xuống gầm bàn này nè. Còn mẹ đứng chỗ kia kìa. Mẹ nhào đến ôm con, nó nấc lên một tiếng rồi đi…”. Mẹ kéo khăn lau đôi mắt mờ đục, nhạt nhòa… Có nỗi đau nào hơn thế nữa không, hỡi mẹ!?

Nửa năm sau, ngày 27-1-1968, người con trai út của mẹ lại hy sinh. Quê hương Châu Thành lại một lần nữa nhuộm thắm dòng máu đỏ thanh xuân của con mẹ. Nén nỗi đau vào lòng, mẹ lên Thân Cửu Nghĩa nhận xác con. Nỗi đau chưa dừng lại ở đó. Ngày 22-4-1970, ông đi công tác về bị địch phục kích bắn hy sinh ngay trước nhà. Bà lại kéo tay chúng tôi ra trước sân, chỉ ra ngoài cổng: “Đó, chỗ đó đó con… Ông bị địch phục kích bắn ngã nhào ngay chỗ đó…”.

Những cái ngày ấy mẹ không sao quên được. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trên mảnh đất Long Hưng có máu xương của những người thân yêu nhất của mẹ đã đổ xuống, mang theo niềm tin vào ngày mai chiến thắng. Vì vậy, khi hay tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, mẹ run run đến bàn thờ thắp mấy nén nhang cho ông và 2 anh: “Ông ơi, các con ơi! Bộ đội thắng lớn rồi, miền Nam giải phóng rồi! Ông ơi, các con ơi…”.

Bà mẹ VNAH Trần Thị Bảy bùi ngùi xem lại di ảnh của con.
Bà mẹ VNAH Trần Thị Bảy bùi ngùi xem lại di ảnh của con.

Cũng trên mảnh đất Long Hưng, hòa trong niềm hạnh phúc dâng trào của ngày đại thắng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hậu (ấp Long Thạnh A) bỗng nghe tim mình như thắt lại, rưng rưng… Bởi, để có được ngày đại thắng, Bắc - Nam sum họp một nhà, chồng, con trai và 1 người em trai của mẹ đã anh dũng hy sinh… Cũng như mẹ Nguyễn Thị Thơm, trong khoảnh khắc thiêng liêng hay tin chiến thắng, mẹ Hậu cũng thầm khấn nguyện, báo tin vui với chồng, với con và em trai. Mẹ tin rằng, dưới suối vàng chồng, con và em của mẹ cũng thỏa lòng…

Sắp qua cái tuổi thất thập cổ lai hy, chuyện đời có cái nhớ có cái quên, nhưng ngày 31-12-1971 vẫn không thể phai mờ trong ký ức của mẹ Nguyễn Thị Hậu. Mẹ bùi ngùi nhớ lại: Sáng ngày 31-12-1971, chú và người con trai thứ 3 (Trần Hữu Trí) chuẩn bị di dời điểm quân báo của Khu 8 (đóng ở Long Hưng, Châu Thành) đến ngã ba Trung Lương.

Chưa kịp di chuyển thì trưa hôm đó địch càn quét dữ dội vào địa hình của đơn vị quân báo. Thấy máy bay cứ quần đảo nơi chồng và con trai đóng quân, mẹ đứng ngồi không yên. Đến chiều thì địch rút quân. Lòng phập phòng lo âu, nhưng mẹ không thể đến điểm đóng quân của chồng và con trai, vì sợ địch phát hiện.

Rạng sáng ngày 1-1-1972, một chị cán bộ hoạt động bí mật chung với mẹ vội vả đến nhà báo tin: “Tui báo cho chị hay, anh Tư và thằng Bé Ba (Trần Hữu Trí) hy sinh rồi! Anh em mình đã lấy xác về giấu trong khu vườn hoang ở phía trên”.

Mẹ cảm thấy mình như bị nhấc bổng lên, chơi vơi. Ở trong vùng địch tạm chiếm, nên nỗi đau như bứt ruột, xé gan mà mẹ cũng không dám khóc vì sợ địch phát hiện. Khi đặt 2 chiếc quan tài xuống chung hố huyệt, mẹ nhảy xuống, 2 tay cứ ôm riết 2 chiếc quan tài. Khi lấp đất, mọi người phải kéo mẹ lên.

Lúc ấy mẹ mới 36 tuổi, người con gái út mới được vài tháng tuổi. Thế nên, trong ngày đại thắng làm sao mẹ không rưng rưng, làm sao mẹ không nhớ về những người thân của mình đã ngã xuống cho ngày độc lập này!? Mà đâu chỉ có người thân hy sinh, cuộc chiến tranh còn khiến gia đình mẹ ly tán. Năm 1954, ba của mẹ dẫn 2 người con (em của mẹ) xuống tàu đi tập kết ra Bắc, hứa 2 năm sau sẽ về, nhưng rồi biền biệt hơn 20 năm…

KHÔNG THỂ KHÔNG RƯNG RƯNG…

Mấy năm trước, trong dịp đi công tác ở xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, chúng tôi được gặp Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Sáu (ấp Hậu Phú). Lúc ấy mẹ Sáu đã bước sang tuổi 85. Hỏi mẹ còn nhớ khoảnh khắc hay tin miền Nam hoàn toàn giải phóng hay không, mẹ bảo “nhớ chứ, đó là ngày trọng đại mà, làm sao quên được”.

Chúng tôi hỏi mẹ tiếp: “Vậy khi hay tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, cảm xúc của mẹ lúc ấy thế nào?”. Mẹ trầm ngâm, đôi mắt mờ đục bỗng xa xăm… Mẹ bảo: “Mừng lắm, vui lắm! Nhưng cũng buồn tủi vì chồng, con của mình không được hưởng hòa bình, độc lập như những người khác”. Càng buồn tủi hơn khi người con thứ ba của mẹ hy sinh vẫn chưa tìm được mộ.

Hòa bình, non sông thống nhất, nhưng hình ảnh của chiến tranh vẫn mãi hằn sâu trong tâm khảm của mẹ Sáu với những mất mát, chia lìa đến xé lòng. Chồng mẹ - ông Lê Huờn tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp rồi đến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Ngày 20-10-1960 (ÂL), trên đường đi công tác, ông Huờn bị địch phục kích. Chúng kêu ông đầu hàng, nhưng ông không khuất phục. Một loạt đạn vang lên… Ông Huờn ngã chúi xuống kinh, dòng máu đỏ nhuộm thắm con kinh trên vùng đất Hậu Mỹ Bắc. Địch đem xác ông về đồn phơi nắng, mẹ phải nén uất hận vào lòng để đến đồn van xin chúng cho nhận xác chồng về chôn cất. Lúc ấy, mẹ mới 35 tuổi, đứa con út mới 8 tháng tuổi.

4 người con trai lớn của mẹ vừa 17, 18 tuổi lại tiếp tục thoát ly tham gia cách mạng để trả thù nhà, nợ nước. Thế rồi mảnh đất Hậu Mỹ Bắc A lại một lần nữa xé lòng khi đón nhận người con trai cả của mẹ (Lê Văn Trưởng) anh dũng ngã xuống cho lý tưởng cách mạng, cho ngày mai độc lập. Chiến tranh vẫn còn ác liệt ở phía trước. Mẹ đau đáu dõi mắt về phía tiếng súng với những lo toan, hồi hộp, phập phòng từ trái tim người mẹ yêu thương con còn hơn chính mạng sống của mình.

Nhưng rồi núm ruột thứ hai của mẹ tiếp tục bị cắt lìa. Anh Lê Văn Nữ người con trai thứ 3 của mẹ từ mặt trận Gò Dầu, Tây Ninh trở về bằng một tin dữ: Hy sinh! Còn nỗi đau nào hơn thế nữa không, hỡi mẹ!? Cho nên, ngày hay tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, hòa trong niềm hân hoan, vui sướng, trái tim mẹ dù có cứng cỏi, sắt đá đến mấy cũng không làm sao tránh khỏi rưng rưng… 

Chiến tranh đã khép lại với khoảng thời gian 40 năm. 40 năm qua với biết bao đổi thay, nhưng tình yêu thương con của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng thì vẫn vẹn nguyên trong lòng. Trong 5 người con đã hy sinh của mẹ Nguyễn Thị Là (ấp Mỹ Chánh 5, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè) thì có 3 người chưa lấy vợ. Phải chi trước lúc hy sinh, các anh kịp lấy vợ, sinh con để mẹ được an ủi phần nào khi tuổi xế chiều.

Đó là nỗi dằn vặt của mẹ cho đến khi cuối đời. Còn mẹ Trần Thị Bảy, xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè (có 6 con hy sinh) thì vẫn nhớ như in hình ảnh những người con trước lúc thoát ly, mẹ hỏi: “Con đi khi nào về?”. Các anh trả lời: “Khi nào hết giặc con về!”. Thế nhưng các anh ra đi, rồi đi mãi…, mang theo nỗi khao khát cháy bỏng đất nước được độc lập, thống nhất. Thế nên, trong niềm hân hoan vui mừng miền Nam toàn thắng, có những giọt buồn tủi rưng rưng trong lòng những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…

NGUYÊN CHƯƠNG

(còn tiếp)

.
.
.