Chủ Nhật, 23/06/2013, 11:12 (GMT+7)
.

Về Gò Công ăn đặc sản rừng ngập mặn

Trong thực đơn của những quán ăn uống cũng như bữa cơm gia đình của người dân miệt biển Gò Công có những món ăn của các loại giáp xác đặc trưng sống ở vùng đất ngập mặn mà ai đã thưởng thức một lần sẽ khó mà quên được, đó là con ba khía và con còng gió.

Ba khía được rộng để bán dần.
Ba khía được giữ lại để bán dần.

Ba khía thuộc họ nhà cua, trọng lượng trung bình gần bằng con cua đồng cỡ lớn, trên mu (mai) có ba gạch rõ nét nên có tên là ba khía. Ba khía có thể sống theo những bãi bồi nước lợ, mặn. Trước đây, tại các rừng phòng hộ, rừng đước, mắm ở biển Tân Thành và dọc theo sông cửa Đại, cửa Tiểu đều có ba khía sống rất nhiều.

Vào dịp gần mùng 5 tháng 5 âm lịch, ba khía thường lột xác nên thịt ba khía lúc này rất béo, ngọt thơm hơn hẳn cua lột nuôi. Còn đến khoảng ngày 30 tháng 8 hoặc tháng 9 âm lịch hàng năm, ba khía sẽ bò ra khỏi hang và bò lên các gốc cây đước, cây mắm để đeo chùm với nhau (dân biển gọi là ba khía “hội”) để duy trì nòi giống bằng việc đẻ trứng.

Món ăn phổ biến nhất chế biến từ ba khía là mắm ba khía (hay còn gọi là ba khía muối) cũng được chế biến tương tự như đặc sản nổi tiếng mắm còng Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông). Ba khía bắt về rửa sạch, ngâm phèn, rửa lại bằng rượu trắng, để ráo nước, ướp với muối, đường, ớt, tỏi theo tỉ lệ hợp lý rồi cho vào hũ phơi nắng để cho thấm đến độ mươi ngày là ăn được.

Mắm ba khía hiện nay đã trở thành đặc sản ở miệt Gò Công. Ngoài ra, ba khía còn được chế biến thêm nhiều món ăn khác cũng không kém phần hấp dẫn như ba khía rang muối, rang me… Hiện nay, do diện tích rừng dần bị thu hẹp cũng như sự khai thác quá mức của con người nên ba khía trở nên hiếm. Ở chợ Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông), giá 1 kg ba khía có giá dao động từ 25 - 30.000 đồng/kg.

Món còng gió rang muối đậm đà hương vị biển.
Món còng gió rang muối đậm đà hương vị biển.

Còng gió là loài giáp xác nhỏ có kích thước cũng gần bằng con ba khía, có đặc điểm chạy rất nhanh nhờ những cái chân cao lêu ngêu, sống nhiều ở ven sông, bãi bồi và dưới chân rừng ngập mặn.

Ở những bãi cát xung quanh cồn Ngang (Phú Tân, Tân Phú Đông), lúc thủy triều xuống, trên bãi cát có vô số còng gió chui ra khỏi hang phơi nắng nhưng sẽ chạy thoăn thoắt để trốn vào hang hoặc các ngóc ngách khi nghe tiếng động.

Để bắt được còng gió, người bắt thường chạy đuổi phía trong bãi cát để dồn chúng chạy ra mé nước và chui xuống cát để trốn. Vì nước biển ở các bãi cát rất trong nên người bắt cứ canh lỗ đen có cát ùn lên rồi thò tay xuống bắt là túm được còng gió.

Còng gió sau khi bị bắt rất mau chết nên khó vận chuyển đi xa được như ba khía nên các quán ăn không thể giữ lại để chế biến dần theo yêu cầu của thực khách. Còng gió được rang muối, rang me, nấu chua với lá me non... ăn rất ngon vì vỏ mềm, thịt ngọt và chắc, vị hơi mặn và thơm hơn thịt cua biển, nhất là phần thịt ở hai cái càng. Đặc biệt, còng gió còn được đâm nhuyễn, vắt nước để nấu canh rau, nấu cháo hoặc nấu bún riêu (thế cua đồng) cũng là món ngon dân dã nhưng đậm đà vị biển Gò Công.

N.HỮU

.
.
.