Thứ Bảy, 18/05/2013, 07:44 (GMT+7)
.

Tháng năm, về thăm mộ người anh hùng dân tộc Thủ Khoa Huân

Vào những ngày tháng năm này, người dân ở xã Hòa Tịnh và Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo) thường tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Thủ Khoa Huân, tấm gương "Tận trung báo quốc" vì nước vì dân, bị Pháp hành quyết vào 12 giờ trưa ngày 14 tháng 4 âm lịch năm Ất Hợi, nhằm ngày 19-5-1875.

Đền thờ Thủ Khoa Huân.
Đền thờ Thủ Khoa Huân.

Theo Địa chí Tiền Giang, Thủ Khoa Huân tên thật là Nguyễn Hữu Huân, sinh năm Canh Dần tại làng Tịnh Hà, tổng Thanh Quơn, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay là xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang).

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, ông bỏ chức Giáo thụ (chức quan ngành giáo dục) từ biệt gia đình tham gia kháng chiến, liên kết với các sĩ phu yêu nước, chiêu mộ nghĩa binh đứng lên chống giặc, ngược hẳn với chiến lược hòa mà thực chất là đầu hàng của triều đình nhà Nguyễn.

Năm 1875, trong một trận giao tranh với giặc bị bất lợi, ông cùng tùy tùng Đốc Binh Hương trở về Chợ Gạo dự định quá giang thuyền buôn ra Bình Thuận cầu viện. Đốc Binh Hương bị Trần Bá Lộc mua chuộc dẫn quân về bắt Nguyễn Hữu Huân ở Chợ Gạo ngày 15-5-1875, đem giam tại Mỹ Tho (lần bị bắt thứ ba).

Hơn 10 năm trước, do áp lực của thực dân Pháp, tháng 7-1864, quan Tổng đốc An Giang là Phan Khắc Thận đã hèn nhát bắt ông giao nộp cho quân giặc. Một tháng sau ông bị chính quyền thực dân Pháp kết án khổ sai chung thân và bị đày tận đảo Réunion (Trung Mỹ). Suốt 15 năm hoạt động với 3 lần bị bắt - 3 lần khởi nghĩa, trên chiến trường, trong tù ngục và ngay khi bị xử trảm, Thủ Khoa Huân không nao núng tinh thần cho đến phút cuối cùng luôn nêu tấm gương "Tận trung báo quốc" và "Đạo cương thường" vì nước vì dân.

Ngày 19-5-1875, giặc Pháp cho tàu chở ông theo dòng sông Bảo Định về quê Mỹ Tịnh An để hành quyết, nhằm lúc 12 giờ trưa ngày 14 tháng tư âm lịch năm Ất Hợi. Năm ấy ông được 45 tuổi.

Sau khi Thủ Khoa Huân mất, để tỏ lòng tôn kính nhân dân địa phương đã lập đền thờ cách nơi ông bị xử trảm 100m. Năm 1995 được sự đồng ý của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang, đền thờ Thủ Khoa Huân được dời về cạnh mộ của ông ở ấp Hòa Quới, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo. Từ đó có tên gọi đền thờ Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân.

Mộ Thủ Khoa Huân.
Mộ Thủ Khoa Huân.

Mộ Thủ Khoa Huân thuộc loại hình di tích lịch sử dân tộc. Lúc đầu mộ được lắp bằng đất, đến năm 1927 con cháu của ông và nhân dân địa phương xây lại bằng đá xanh. Mộ gồm 02 phần: núm mộ và bia mộ.

Theo các vị bô lão địa phương, mộ được xây theo kiểu “Voi phục” vì trông giống như con voi đang nằm áp bụng xuống đất. Nền mộ là những viên đá dày 30cm, rộng 40cm, dài 120cm ghép lại với nhau thành nền để đặt núm mộ với diện tích phần nền bằng đá 4,042m2. Núm mộ gồm 2 tảng đá xanh có hình dáng mô hai đầu cao 70cm, phần giữa lõm xuống cong như lưng voi, phía trước có hoa văn khắc ô chữ nhật xoáy vòng, phía sau hoa văn là những vòng gợn và uốn xoáy lại ở cuối đã được ghép bằng xi măng theo chiều dài.

Bia mộ nối liền với núm mộ gồm 3 phần: chân bia, thân bia và mái bia. Chân bia là một khối đá hình chữ nhật có chạm hoa văn hình lá. Thân bia để viết chữ dày 40cm, cao 72cm rộng 100cm. Mái che bằng đá xanh cao 32cm, rộng 38cm. Mái che giả ngói chia làm 8 rãnh, cuối đầu mỗi rãnh có chạm hoa sen, hai đầu chạm 2 con dơi quay mặt ra ngoài tư thế đang bay trông rất sinh động.

Mộ có giá trị lịch sử dân tộc, đây là nơi chôn cất Phó đề đốc, nhà thơ, nhà trí thức yêu nước Thủ Khoa - Nguyễn Hữu Huân. Khu di tích đền thờ Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân với diện diện tích 3.500m2. Hiện nay, tại đây đã thành lập Ban bảo vệ Đền thờ Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân, hằng ngày có người bảo vệ, chăm sóc khu di tích và đón tiếp khách tham quan.

Di tích Mộ Thủ Khoa Huân được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Tinh thần yêu nước của ông chính là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam nói chung, của nhân dân Tiền Giang nói riêng.

MỸ AN

 

 

.
.
.