Thứ Hai, 28/10/2013, 13:29 (GMT+7)
.

Cần xóa bỏ 2 quan niệm sai lầm trong việc cứu trẻ bị đuối nước

Lúc 17 giờ ngày 17-10, cháu Nguyễn Nhật T. (7 tuổi), nhà ở xã An Thạnh Thủy (Chợ Gạo) tự ý lấy một tay lưới cá của ba cháu ra mé kinh mới đào trước nhà lưới cá, chẳng may cháu bị hụt chân rơi xuống kinh. Không lâu sau, ba cháu không thấy cháu, liền đi tìm xung quanh nhà, phát hiện tay lưới còn nằm ở mé kinh, liền nhảy xuống mò tìm con, đã may mắn mò được và kêu cứu.

Nhiều người hàng xóm đã tới phụ giúp anh cấp cứu cháu. Họ cũng la rầy anh là tại sao dám vớt con, vì cho rằng nếu người nhà vớt lên thì không thể cứu sống được. Sau khi cháu thở lại được, gia đình liền chuyển cháu vào bệnh viện để được hồi sức tích cực.

Tắm sông là một trong những nguyên nhân xảy ra đuối nước ở trẻ em. Ảnh: Vân Anh
Tắm sông là một trong những nguyên nhân xảy ra đuối nước ở trẻ em. Ảnh: Vân Anh

Ở bệnh viện, cháu đã thở do được sơ cứu ở hiện trường, nhưng bị hôn mê, thỉnh thoảng gồng lên từng cơn. Ba của cháu vẻ lo lắng và ân hận hỏi bác sĩ: Có phải tại vì thân nhân vớt cháu lên nên cháu mới nặng như vậy không? 

Bác sĩ lắc đầu, rồi giải thích: “Không phải vậy đâu. Chính nhờ anh vớt cháu lên kịp lúc khi phát hiện cháu té xuống nước nên bây giờ cháu mới có cơ hội được cứu!”. Sau 2 ngày hồi sức tích cực ở bệnh viện, cháu T. đã tỉnh táo, nhận biết người thân, sức khỏe bình phục dần.

Theo quan niệm dân gian ở một số ít vùng sông nước Nam bộ, khi con trẻ bị té xuống nước thì ba mẹ của đứa trẻ đó không được vớt lên, thậm chí không được lại gần vì “kỵ” với tính mạng con mình, mà phải tri hô nhờ người khác tới vớt giùm, cấp cứu giùm thì trẻ mới sống.

Đó là một quan niệm sai lầm, bởi theo nguyên tắc cấp cứu người sắp chết đuối là phải vớt nạn nhân lên khỏi mặt nước càng nhanh càng tốt, vì nếu để nạn nhân ngưng thở quá 5 phút thì não sẽ bị tổn thương không hồi phục, đó là quãng thời gian vàng quý báu quyết định sống - chết của con người. Cháu T. may mắn nhờ được cha vớt lên sớm nên thoát chết.

Một cách xử trí thông thường khác của bà con cũng không đúng, mà ngược lại còn làm cho tình trạng người bị nạn càng nguy hiểm hơn, đó là kéo dài thời gian xốc nước. Xốc nước là chổng ngược nạn nhân lên và cõng chạy vòng vòng cho nước chảy từ phổi và bao tử ra ngoài. Có nơi còn để nạn nhân lên cái lu, vừa lăn cái lu, vừa đốt lửa ở bên trong lu để cho lu nóng lên nhằm giúp nạn nhân ấm lên.

Theo chuyên môn, có hai tình huống phản xạ tự vệ của cơ thể khi nạn nhân té xuống nước. Tình huống thứ nhất (90%), ngay sau khi nạn nhân té xuống nước, đầu bị ngập chìm dưới nước, nạn nhân có phản xạ ngừng thở do co thắt thanh môn và khoảng chừng 2 phút thì phải thở hít vào, nước sẽ tràn ngập vào mũi, miệng; lúc này nạn nhân cố gắng thở sâu nhưng vô hiệu, người ta gọi là đuối nước ướt.

Tình huống thứ hai (10%), khi đầu nạn nhân chìm trong nước thì thanh môn bị co thắt đột ngột, nên nước không thể vào phổi nạn nhân được. Sự co thắt thanh môn gây nên tình trạng ngạt thở cấp tính, dẫn đến hiện tượng thiếu oxy cung cấp cho các mô tế bào của toàn cơ thể, chừng vài phút thì nạn nhân bị tử vong, người ta gọi trường hợp này là đuối nước khô.

Như vậy, không phải tất cả nạn nhân đuối nước đều có nhiều nước trong phổi; nếu có nước trong phổi thì lượng nước này cũng nhanh chóng được hấp thu vào máu khi nạn nhân thở lại được.

Vì vậy bà con không nên tốn nhiều thời gian cho việc xốc nước, chỉ cần để nạn nhân lên nền đất phẳng ngay mé nước nơi nạn nhân được vớt lên, kiểm tra xem nạn nhân còn thở không, nếu không thì tiến hành sơ cứu ngay tại chỗ.

Đầu tiên là lấy ngón tay móc miệng nạn nhân lấy các dị vật ra ngoài để làm đường thở được thông, không móc sâu trong họng vì có thể làm dị vật như đất, cát, cơm… rơi vào phổi nguy hiểm; rồi dùng tay nâng đầu nạn nhân cho ngửa ra, kéo cằm lên và tiến hành thổi ngạt qua miệng ngay (nếu có chấn thương cột sống cổ thì phải dùng phương pháp ngửa đầu và cố định cột sống cổ để tránh di lệch cột sống cổ), thổi vào miệng nạn nhân 2 cái là có thể có hiệu quả. Nếu nạn nhân ngưng tim thì tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực.

Bà con tiếp tục cấp cứu như thế, vừa thổi ngạt, vừa ấn tim cho đến khi nạn nhân thở lại được thì mới đưa vào bệnh viện gần nhất.

BS. NGUYỄN THÀNH ÚC

.
.
.