Thứ Hai, 18/11/2013, 07:58 (GMT+7)
.

Để hàng giả không còn "đất sống"

Tại cuộc Hội thảo về công tác chống hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) do Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Tiền Giang vừa tổ chức, Ông Đặng Thanh Liêm, Giám đốc Sở Công thương nhận định:

Hàng giả hiện là vấn nạn, trên địa bàn tỉnh tình trạng này cũng đang gia tăng về số lượng và quy mô; phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Vì thế, việc chống hàng giả, xâm phạm SHTT không chỉ riêng của các cơ quan quản lý Nhà nước, mà cần sự cộng đồng trách nhiệm của các doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng.

Đội QLTT số 1 tỉnh Tiền Giang phối hợp với Vina CHG đang kiểm tra xử lý hàng giả.
Đội QLTT số 1 tỉnh Tiền Giang phối hợp với Vina CHG đang kiểm tra xử lý hàng giả.

Vì sao hàng giả tràn lan?

Phân tích sâu hơn, ông Nguyễn Văn Phước, Chi cục phó Chi cục QLTT Tiền Giang cho rằng: Hàng giả và xâm phạm SHTT tác hại trực tiếp đến người tiêu dùng và DN, nó triệt tiêu động lực sáng tạo của DN nói riêng và xã hội nói chung; ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.

Về nguyên nhân gia tăng vấn nạn này, ông Phước cho rằng do việc sản xuất hàng giả luôn tạo ra siêu lợi nhuận; kế đến là do tâm lý người tiêu dùng thích lựa chọn sản phẩm có mẫu mã đẹp nhưng giá rẻ; mặt khác, đa phần các DN chưa có ý thức cao trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa; các tổ chức và hoạt động của các cơ quan có trách nhiệm đấu tranh với các hành vi xâm phạm quyền SHTT, hàng giả còn thiếu đồng bộ và chồng chéo, xử lý chưa tập trung.

Ngoài ra, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ pháp luật trên lĩnh vực này còn hạn chế, cơ sở vật chất và kinh phí cũng là vấn đề đáng quan tâm.

Cùng nhận định về thực trạng hàng giả, lãnh đạo Công ty TNHH Chế biến Nông - Thủy sản Thuận Phong (Khu công nghiệp Mỹ Tho) cho rằng, hiện chưa có thống kê nào nói về “tần suất sử dụng và tác hại  của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đến đời sống xã hội” nên chưa có kết luận chính xác các loại hàng này cung ứng bao nhiêu phần trăm nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, hiện nay hàng giả, hàng nhái và kém chất lượng len lỏi khắp nơi trên thị trường trong nước, cũng như ngoài nước. Về nguyên nhân, đại diện công ty cho rằng: Hiện có khá nhiều cơ quan hành chính có chức năng xử lý về vi phạm SHTT như: QLTT, Công an kinh tế, thanh tra chuyên ngành, UBND các cấp, hải quan… nhưng cơ chế phối hợp chưa chặt chẽ và việc chế tài chưa đủ sức răn đe.

Luật của ta hiện nay có khá nhiều kẽ hở để những đối tượng cơ hội, làm ăn chụp giựt lách luật hoặc “xé rào” làm hàng giả, hàng nhái. Do luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, việc chế tài chưa đủ mạnh nên nhiều công ty, DN sẵn sàng vi phạm để tìm kiếm lợi nhuận một cách phi pháp, nếu bị phát hiện thì sẵn sàng nộp phạt.

Theo Ban Chỉ đạo 127/TW  6 tháng đầu năm 2013, trong cả nước lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 5.169 vụ, giá trị hàng hóa vi phạm là 16,2 tỷ đồng, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2012.

Trên địa bàn Tiền Giang, 9 tháng của năm 2013 đã kiểm tra, xử lý 35 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm 130 triệu đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2012. Các mặt hàng vi phạm là bột ngọt, máy tính, phân bón, cà phê, bánh kẹo…

Đại diện một DN cho rằng, bên cạnh một số người tiêu dùng mua hàng giả vì không phân biệt được đâu là giả, đâu thật, thì vẫn có không ít người biết là hàng giả nhưng vẫn mua do phù hợp với túi tiền của mình.

Luật còn nhẹ tay với hàng giả thì họ vẫn sử dụng hàng giả hoài do không đủ tiền mua hàng thật. Với suy nghĩ đó, người tiêu dùng đã góp phần tiếp tay cho việc sản xuất và tiêu thụ hàng giả.

“Mổ xẻ” giải pháp

“Nhà nước cần thiết lập cầu nối giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng. Theo đó, nhà sản xuất thông qua kênh phân phối của mình cần có biện pháp phổ biến đến người tiêu dùng cách phân biệt hàng thật của mình với hàng giả.

Ngoài ra, Nhà nước cần tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc, nhằm bảo vệ tốt người tiêu dùng sau khi mua và sử dụng hàng hóa. Việc xác định nguồn gốc, địa chỉ nhà sản xuất hoặc nhà phân phối trên bao bì sản phẩm hàng hóa cần phải được kiểm soát chặt chẽ, điều này giúp cho cơ quan quản lý thị trường dễ dàng trong xác minh, giám định chất lượng cũng như truy nguyên nguồn gốc hàng hóa trên thị trường” - đại diện Công ty TNHH Thuận Phong chia sẻ về giải pháp chống hàng giả.

Cùng nhận định về vai trò của Nhà nước, nhiều đại biểu thống nhất là Nhà nước sớm hoàn thiện các quy định về thực thi quyền SHTT; các quy định trong luật phải được hướng dẫn cụ thể để các cơ quan thực thi có thể áp dụng một cách thống nhất.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, cơ quan có liên quan với lực lượng QLTT; đồng thời tăng cường số lượng và chất lượng cán bộ cho bộ phận này cũng như tăng cường các phương tiện cần thiết cho việc giám định, kiểm tra nhanh chóng để xử lý kịp thời, chính xác các hành vi vi phạm. 

Hội thảo có sự tham gia của đại diện QLTT các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Long An, Đồng Tháp cùng các DN: Công ty TNHH phân hữu cơ Green field, Công ty Unilever Việt Nam, Công ty TNHH sơn Akzo Nobel Việt Nam, Công ty Vina CHG, Công ty TNHH chế biến nông thủy sản Thuận Phong.

Ngoài ý kiến về những giải pháp chống hàng giả, hàng nhái, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm để phân biệt hàng thật, giả do công ty mình sản xuất.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phước, Chi cục phó Chi cục QLTT Tiền Giang thì đưa ra các khuyến cáo: Về phía DN, cần có chiến lược lâu dài để bảo vệ thương hiệu, uy tín của mình; cung cấp thông tin về sản phẩm của công ty, các dấu hiệu nhận biết sản phẩm thật của mình; phối hợp với lực lượng chức năng, cộng đồng xã hội bảo vệ thương hiệu mình.

Với người tiêu dùng nên mua hàng tại những địa chỉ quen, tin cậy, có đủ điều kiện kinh doanh; khi mua cần đọc kỹ những thông tin ghi trên sản phẩm; nhận đầy đủ những hóa đơn, chứng từ có liên quan đến sản phẩm đã mua; nếu phát hiện trường hợp bất thường, nên liên hệ với nhà sản xuất và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được bảo vệ quyền lợi chính đáng; không vì ham rẻ mà sử dụng các sản phẩm giả hay vi phạm SHTT.

Đối với các cơ sở kinh doanh, nên chọn những cơ sở sản xuất có uy tín; xem xét kỹ các nội dung liên quan đến chất lượng hàng hóa, nhãn hàng hóa; làm rõ trách nhiệm với cơ sở sản xuất cung cấp hàng hóa về tính pháp lý của hàng hóa trước khi nhập hàng để bán cho người tiêu dùng; cung cấp cho người mua thông tin về việc bảo hành hàng hóa; báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý khi phát hiện hàng giả, vi phạm SHTT.

Thống nhất về giải pháp, các đại biểu cho rằng đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng tổ chức hay cá nhân nào, mà cần có sự phối hợp đồng bộ của cộng đồng xã hội; trước hết cần hoàn thiện các quy định pháp luật, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan thực thi pháp luật, nâng cao ý thức của nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Có như thế, mới từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả, vi phạm SHTT đang tràn lan hiện nay.

DUY SƠN

.
.
.