Thứ Sáu, 15/11/2013, 11:12 (GMT+7)
.

Làm gì để giảm bớt những nỗi đau từ TNGT?

Trung bình mỗi ngày Việt Nam có 30 người chết vì tai nạn giao thông (TNGT); mỗi năm có trên 10 ngàn người chết vì TNGT! Ở Tiền Giang, TNGT đường bộ trong 9 tháng của năm 2013 xảy ra 406 vụ, chết 198 người, bị thương 400 người. Biện pháp hữu hiệu để kéo giảm TNGT, làm vơi đi những nỗi đau từ TNGT vẫn là công tác tuyên truyền làm sao đạt hiệu quả cao hơn nhằm giúp người tham gia giao thông nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT).

Kịch bản với chủ đề “ATGT đường bộ” của huyện Châu Thành.
Kịch bản với chủ đề “ATGT đường bộ” của huyện Châu Thành.

Tang thương vừa xảy ra trong căn nhà nhỏ của chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1950, ở ấp 4, xã Tân Bình, huyện Cai Lậy) làm cuộc sống của gia đình đã nghèo lại đi vào bế tắc. Cách nay 5 tháng, em Phan Tấn Quốc (SN 1986) con trai chị Hoa vừa chết vì TNGT ở Bến Lức (tỉnh Long An). Quốc là lao động chính làm thuê nuôi cả nhà. 8 năm trước, người anh trai Quốc là anh Phan Tuấn Kiệt cũng bị TNGT ở ngã ba Vũng Tàu, gãy cánh tay phải và bể hộp sọ đến nay gia đình chưa có tiền gắn lại. Gia đình họ hiện chỉ sống nhờ vào lòng từ thiện của xã hội.

Hay em Ngọc Mai, học sinh lớp 6A5 Trường THCS Trừ Văn Thố đang phải nương tựa vào dì ruột là chị Trần Thị Nguyệt (ở KP.7, thị trấn Cai Lậy) vì mẹ em đang phải túc trực ở bệnh viện chăm sóc anh trai là Phạm Minh Khang (SN 1988) bị TNGT chấn thương não, gãy xương hàm đang nằm hôn mê ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Người gây tai nạn đã bỏ trốn nên hậu quả gia đình bé Mai phải gánh chịu.

Hơn 10 năm trước, cha của em đi làm mướn đã bị va quẹt té xe vỡ hộp sọ, người gây tai nạn bỏ trốn. Gia đình đã nghèo nên sau khi lo cho cha Mai lành bệnh thì đổ nợ. Cha em thành người mất sức lao động, gia đình “tha phương cầu thực”, nay anh trai lâm nạn cuộc sống càng bế tắc hơn. Mỗi sáng, bé Mai cầm 20 tờ vé số quanh quẩn ở các cây xăng, mong bán mau hết để về đi học.

Còn tại ấp Tân Hưng Phú (Tân Hòa Tây, Tân Phước, ông Dương Văn Ri (SN 1931) nằm thiêm thiếp trên chiếc võng bởi căn bệnh suy tim mãn tính và viêm phế quản nặng, vậy mà lòng vẫn không an tâm bởi con trai đang “thập tử, nhất sinh” ở Bệnh viện Chợ Rẫy sau TNGT. Con ông là Dương Văn Sơn (SN 1976), bị giập tủy sống cổ (C5 - C6) dẫn đến liệt tứ chi, mọi sinh hoạt cá nhân phải có người hỗ trợ.

Ông thở dài, cái thở dài nghe não nuột và xót lòng! Hay cảnh nghèo lại nghèo hơn của anh Phạm Lê Thành Trung (SN 1981, ở ấp Long Bình, xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây) vì tránh học sinh đi hàng 3 mà té giập tủy sống, bại liệt hàng tháng trời, vợ con nheo nhóc, cuộc sống bấp bênh. …

Để nâng cao ý thức người dân chấp hành quy định pháp luật về trật tự ATGT, công tác tuyên truyền về pháp luật ATGT luôn được các cấp, các ngành phối hợp quan tâm. Trên các tuyến đường panô, khẩu hiệu được trưng bày nhắc nhở: “ATGT là không tai nạn”, “Uống rượu thì không lái xe, lái xe thì không uống rượu”….

Các Đài Truyền thanh từ huyện đến sơ sở đều có chương trình, chuyên mục “An toàn giao thông”. Các đội Thông tin tuyên truyền của tỉnh và huyện thường xuyên dàn dựng những chương trình tuyên truyền lưu động về giao thông, biểu diễn phục vụ nhân dân vùng sâu và tổ chức các cuộc hội thi. Đoàn Thanh niên tổ chức mít tinh “Thanh niên với văn hóa giao thông”, phát tờ rơi, treo áp phích tại các bến xe, khu đông dân cư…; phối hợp nhà trường giáo dục pháp luật cho học sinh về ATGT.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra nhiều vụ TNGT dẫn đến hậu quả là ngày càng có nhiều gia đình phải chịu những nỗi đau từ hậu quả TNGT để lại như đã nêu trên. Một vấn đề đặt ra là phải chăng công tác tuyên truyền về nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về ATGT chưa thực sự đạt hiệu quả như mong đợi!?

Do vậy trong thời gian tới, để kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) như chỉ đạo của UBND tỉnh, thiết nghĩ công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT cần phải được tăng cường cả về chiều sâu lẫn chiều rộng. Có như vậy, những nỗi đau vì hậu quả TNGT mới có thể được kéo giảm.

ÁI QUỲNH

.
.
.