Chủ Nhật, 16/03/2014, 13:09 (GMT+7)
.

Hiệu ứng tích cực từ Mô hình trường học mới ở ĐBSCL

Học sinh được trải nghiệm, khám phá, rèn luyện kỹ năng thông qua hoạt động tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Trong 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có 178 trường được thụ hưởng dự án Mô hình trường học mới (VNEN). Sau một năm thực hiện dự án, đã có thêm 90 trường tự nguyện tham gia, nâng tổng số trường triển khai mô hình VNEN trong khu vực lên 268 trường.

Vừa qua, tại huyện đảo Phú Quốc, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Kiên Giang đã chủ trì tổ chức Hội thảo trong khu vực về “Đánh giá chất lượng, hiệu quả dạy học theo mô hình trường học mới (VNEN)”.

Thứ trưởng Bô GD&ĐT NGuyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Thứ trưởng Bô GD&ĐT NGuyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Tới dự có Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Vinh Hiển, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Phạm Ngọc Định, Giám đốc dự án VNEN, cùng đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên đại diện các đơn vị triển khai dự án thuộc khu vực ĐBSCL.

Báo cáo từ các Sở GD&ĐT thuộc vùng ĐBSCL cho biết, mô hình VNEN dù mới bước sang năm thứ 2 triển khai thử nghiệm, nhưng đã tạo ra những hiệu ứng tích cực trong hoạt động dạy và học. Học sinh được trải nghiệm, khám phá, được rèn luyện kỹ năng thông qua hoạt động tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Điều dễ nhận thấy ở các lớp thực hiện mô hình VNEN, học sinh rất mạnh dạn, tự tin, đặc biệt kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm của các em hơn hẳn học sinh ở các lớp học truyền thống. Sự quá tải trong học tập, áp lực về điểm số đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, do mô hình VNEN đòi hỏi sự đổi mới đồng bộ và căn bản, nhất là đổi mới về hoạt động sư phạm, chuyển trọng tâm từ hoạt động dạy của giáo viên sang hoạt động học của học sinh đến những thay đổi về cách thức tổ chức quản lý lớp học, khiến việc triển khai không tránh khỏi khó khăn, lúng túng.       

Phát biểu tại cuộc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và Vụ trưởng Phạm Ngọc Định đánh giá cao sáng kiến của Sở GD&ĐT Kiên Giang trong việc tổ chức Hội thảo, đồng thời ghi nhận, biểu dương những cố gắng và kết quả bước đầu rất khả quan của các tỉnh ĐBSCL trong việc triển khai thực hiện mô hình VNEN.

Cũng tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã trực tiếp giải đáp nhiều câu hỏi, giải tỏa những băn khoăn của đại biểu liên quan đến chủ trương nhân rộng mô hình VNEN; vấn đề tài liệu phục vụ cho các trường không được thụ hưởng dự án; Tính chủ động sáng tạo của giáo viên trong các lớp VNEN; Phương pháp xử lý đối với những học sinh có năng lực vượt trội hoặc học sinh có năng lực hạn chế; Những thay đổi trong đánh giá học sinh, đánh giá giáo viên; Hướng tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất; sự tham gia của phụ huynh học sinh và cộng đồng trong mô hình VNEN…

Đặc trưng của mô hình VNEN là hoạt động tự học của học sinh. Vì vậy, quan điểm của Bộ GD&ĐT nêu rõ: Để học sinh lớp 2 có thể tự học được, thì ngay từ lớp 1 các em phải đạt được năng lực tiếng Việt tốt. Hiện nay, phương án Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại được coi là một giải pháp hiệu quả. Các địa phương, từng nhà trường phải phát huy tính tự chủ, sáng tạo, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể có thể nhân rộng mô hình VNEN toàn phần hoặc một phần.

Về phía Bộ GD&ĐT và Dự án, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, tài liệu hướng dẫn dạy học, tổ chức tập huấn bồi dưỡng cho giáo viên, đồng thời đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, hỗ trợ kỹ thuật trường học VNEN, nhằm phát huy hiệu quả của mô hình, góp phần thực hiện mục tiêu dạy chữ, dạy người trong giáo dục.

(Theo vov.vn)

.
.
.