Thứ Tư, 29/10/2014, 16:03 (GMT+7)
.

Thực hiện không chấm điểm học sinh TH: Vẫn còn lúng túng và khó khăn

Học sinh (HS) tiểu học (TH) sẽ được đánh giá bằng nhận xét thay vì điểm số. Điểm mới này được quy định trong Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT (sau đây được gọi tắt là Thông tư 30), được các trường TH triển khai thực hiện từ giữa tháng 10-2014.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Hiệu trưởng Trường TH Thái Sanh Hạnh (TP. Mỹ Tho) cho biết: “Theo Thông tư 30, giáo viên (GV) không chỉ đánh giá việc tiếp thu kiến thức, mà còn phải phát hiện năng khiếu, sở thích, sự chuyên cần trong học tập lẫn sinh hoạt, thế mạnh hoặc nhược điểm của từng em...; qua đó giúp các em phát huy hoặc khắc phục. Cách đánh giá này cũng sẽ giúp khắc phục tình trạng phụ huynh đem điểm con em mình so với nhau, tạo áp lực cho các em”.

Ông Đặng Văn Hùng, Trưởng phòng Giáo dục TH (Sở GD-ĐT) cho rằng, theo tinh thần Thông tư 30, đánh giá học sinh bằng nhận xét sẽ có nhiều điểm rất tích cực. Cụ thể, HS sẽ được đánh giá đúng năng lực và phẩm chất. GV cũng sẽ tích cực hơn trong việc giám sát HS. Phụ huynh cũng sẽ hiểu con em mình hơn qua lời nhận xét của GV, thay vì “nhìn con” qua điểm số. Đây cũng là cách tạo mối gắn kết giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Học sinh  Trường Tiểu học  Thiên Hộ Dương trong 1 giờ học theo cách  đánh giá mới.
Học sinh Trường Tiểu học Thiên Hộ Dương trong 1 giờ học theo cách đánh giá mới.

Thời gian qua, các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện cách đánh giá học sinh theo Thông tư 30. Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Châu Thành cho biết: “Để các GV, cán bộ quản lý nắm bắt tinh thần cũng như cách đánh giá theo quy định mới, chúng tôi đã tổ chức 4 lớp tập huấn cho 901 cán bộ quản lý và GV bậc TH.

Hầu hết cán bộ, giáo viên đã nắm bắt được tinh thần Thông tư 30 và áp dụng vào việc đánh giá HS trong nửa tháng qua”. Tuy nhiên hiện nay còn có một số GV vẫn chưa thích nghi với cách đánh giá mới, nhất là lúng túng trong cách nhận xét và ghi nhận xét HS...

Theo một số GV, việc đánh giá HS theo cách mới, bản thân GV không biết nên viết (hoặc nhận xét bằng lời) thế nào cho đúng, không thể nhận xét chung chung, nhưng góp ý với từng em thì không được vì thời gian của tiết học không cho phép. GV cũng không thể nghĩ ra lời góp ý cho nhiều HS cùng một lúc. Đó là chưa kể những GV môn phụ, mỗi GV phụ trách nhiều lớp với vài trăm HS, nên việc nhận xét từng HS không phải dễ.

Ngoài ra, việc thay đổi cách đánh giá HS sẽ dẫn theo việc thay đổi sổ sách, nhưng GV cũng chưa được hướng dẫn cụ thể sổ sách sẽ thay đổi thế nào nên nhiều thầy cô rất lo về vấn đề này.

Mặt khác, Thông tư có quy định: “Hiệu trưởng chỉ đạo việc đánh giá định kỳ kết quả học tập... bằng bài kiểm tra định kỳ”. Điều này cũng gây lo lắng cho các Phòng GD-ĐT, vì trước nay Phòng GD-ĐT thông qua mặt bằng điểm của các trường để đánh giá chất lượng học tập của HS.

Bây giờ quyền quyết định sẽ được trao cho các hiệu trưởng. Nếu các hiệu trưởng làm đúng trách nhiệm thì không có gì để bàn, nhưng nếu hiệu trưởng chạy theo thành tích thì khó lòng đánh giá được HS đúng thực chất.  

Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT Ban hành Quy định đánh giá HS tiểu học. Từ giữa tháng 10-2014, các trường TH trong cả nước sẽ tiến hành thực hiện Thông tư này. Theo đó, việc đánh giá HS tiểu học sẽ theo hướng không dùng điểm số mà tăng cường nhận xét; chuyển dần từ hướng đánh giá xếp loại nặng về kiểm tra kiến thức sang nhận xét toàn diện HS, từ quá trình học tập, sự tiến bộ, năng lực, sự phát triển năng lực cho đến phẩm chất các em. Các GV phải đánh giá bằng cách ghi (hoặc nói) nhận xét của mình đối với các em theo từng bài học, môn học.

Nội dung đánh giá gồm 3 mặt: Quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của HS theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông bậc TH; sự hình thành, phát triển một số năng lực của HS (bao gồm các vấn đề: tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề); sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của HS (bao gồm các vấn đề:

Chăm học, chăm làm; tích cực tham gia hoạt động giáo dục; tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm; trung thực, kỹ luật, đoàn kết; yêu gia đình, bạn và những người khác; yêu trường, lớp, quê hương, đất nước).

MINH CHÂU

.
.
.