Thứ Tư, 17/12/2014, 14:33 (GMT+7)
.

Cần đầu tư đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ cá rô phi

Nước ta có nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi và chế biến cá rô phi xuất khẩu ở khắp các địa phương và được xác định là đối tượng nuôi chủ lực bên cạnh cá tra, tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Để tận dụng tiềm năng, phát huy hết lợi thế cần phải đầu tư đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ cá rô phi. Đó là nội dung chính tại Hội thảo “Tìm giải pháp phát triển cá rô phi và sản xuất giống tôm càng xanh” do Tổng cục Thủy sản vừa tổ chức tại TP. Cần Thơ.

Nhiều tiềm năng phát triển nuôi cá rô phi

Năm 2014, cả nước có 236 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cá rô phi, trong đó có 44 cơ sở nuôi giữ 940.000 cá bố mẹ, sản xuất 455 triệu con cá rô phi giống. Với số lượng giống trên đủ để cung cấp cho diện tích thả nuôi, nhưng cá rô phi giống bảo đảm chất lượng phục vụ cho xuất khẩu còn hạn chế.

Qua phản ánh của người nuôi giống sản xuất tại các tỉnh phía Nam, tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ phi lê của cá rô phi nuôi chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Năm 2014, các tỉnh phía Bắc sản xuất 173 triệu con giống, chủ động một phần giống cung cấp cho nhu cầu thả nuôi vào đầu vụ.

Nuôi cá rô phi hồng trên lồng bè ở xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho.
Nuôi cá rô phi hồng trên lồng bè ở xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho.

Hiện nay, cá rô phi được nuôi trong lồng và trong ao, cả trong môi trường nước ngọt và nước lợ. Cá rô phi vằn chủ yếu được nuôi ở các tỉnh phía Bắc và cá rô phi hồng (còn gọi cá điêu hồng) được nuôi ở các tỉnh phía Nam.

Năm 2012, diện tích thả nuôi cá rô phi đạt 16.337 ha, chiếm 1,41% tổng diện tích nuôi thủy sản và chiếm 3,88% diện tích nuôi cá nước ngọt của cả nước. Đến hết tháng 11-2014, diện tích nuôi cá rô phi trong ao, hồ đạt 15.992 ha, nuôi lồng bè đạt 410.732 m3, sản lượng đạt 118.800 tấn. Ước sản lượng nuôi cá rô phi năm 2014 trên cả nước đạt 125.000 tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh hình thức nuôi trong ao đất, hình thức nuôi thâm canh trong lồng cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt. Khu vực miền Bắc và miền Trung lồng nuôi có kích cỡ nhỏ, miền Nam lồng bè có kích thước dao động lớn.

Hiện cả nước có 16 tỉnh nuôi cá rô phi trong lồng, với tổng số 2.036 lồng, trong đó miền Bắc có 948 lồng (kích cỡ 12-19 m3), miền Trung có 158 lồng (kích cỡ 10-36 m3), miền Nam có 1.130 lồng bè (từ 5-1.250 m3) với tổng thể tích 75.000 m3. Năng suất nuôi cá rô phi trung bình đạt 6,28 tấn, trong đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có năng suất đạt cao nhất, đạt 18,12 tấn/ha và thấp nhất là vùng Tây Nguyên chỉ đạt 1,18 tấn/ha.

Theo nhận định của Tổng cục Thủy sản, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển nuôi cá rô phi khi thị trường cá rô phi tại Mỹ đối với cá rô phi nhập khẩu từ Trung Quốc co lại, đặc biệt là khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 5 hàng năm.

Kích cỡ cũng là một yếu tố quan trọng ở thị trường Mỹ, cá phi lê cỡ 3 - 5 (85,05 - 141,75 g) được tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị bán lẻ. Điều này có nghĩa là trọng lượng cá nuôi phải đạt tối thiểu 357,11 g/con.

Đối với cá nguyên con, 3 kích cỡ phổ biến là 340 - 454g; 454 - 681g; 681 - 908g. Thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ đang hướng tới tiêu thụ sản phẩm cá rô phi nước lợ, kích thước trung bình. Hiện nay đã có một số doanh nghiệp của Việt Nam tại An Giang, Thanh Hóa xuất khẩu cá rô phi nuôi nước lợ.

Cần tập trung mọi nguồn lực để phát triển

Mặc dù tiềm năng phát triển nuôi cá rô phi rất lớn nhưng thời gian qua đối tượng nuôi này vẫn chưa được quan tâm đầu tư phát triển. Chính vì vậy việc sản xuất và tiêu thụ cá rô phi vẫn còn nhiều bất cập, nhất là trong khâu sản xuất giống và nuôi thương phẩm.

Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay chất lượng đàn cá rô phi mẹ tại các đơn vị nghiên cứu chưa đáp ứng nhu cầu của các cơ sở sản xuất giống về số lượng và chất lượng. Nhiều cơ sở phải nhập đàn cá bố mẹ từ Trung Quốc hoặc Đài Loan về để sản xuất giống.

Theo số liệu báo cáo của các địa phương phía Nam, khoảng 70% đàn cá rô phi bố mẹ do cơ sở tự chọn từ đàn cá nuôi thương phẩm nên qua nhiều năm có dấu hiệu thoái hóa, dẫn đến chất lượng con giống kém, tốc độ sinh trưởng chậm. Các tỉnh phía Bắc do đặc điểm thời tiết và mùa vụ nên đầu vụ nuôi cá cần thả giống tập trung nhưng các tỉnh phía Bắc mới chỉ cung cấp được 50%, còn lại phải nhập khẩu từ các tỉnh phía Nam và Trung Quốc.

Cá rô phi là tên gọi chung của khoảng 80 loài cá thuộc 3 giống: Tilapia, Sarotherondon và Oreochromis thuộc họ Cichlidae. Trong 3 giống thì các loài cá rô phi vằn (O. niloticus), cá rô phi xanh (O. aureus) và cá rô phi hồng (Oreochromis sp.) với khả năng thích ứng tốt trong các điều kiện môi trường nuôi khác nhau, có tốc độ lớn tương đối nhanh, là những loài cá rô phi đang được nuôi phổ biến trên thế giới thuộc giống Oreochromis.

Đến nay, Việt Nam cũng chưa có quy trình nuôi chuẩn, không ổn định về chất lượng sản phẩm cũng như lượng sản xuất, mang tính chất sản xuất nhỏ, chưa phát triển thành sản xuất hàng hóa, đặc biệt là sản xuất với mục tiêu xuất khẩu.

Về tổ chức sản xuất đối với đối tượng cá rô phi, chưa liên kết được vùng nuôi và chế biến xuất khẩu. Do phát triển ao bè nuôi nhiều trong cùng diện tích cũng như nuôi với mật độ cao làm cho nghề nuôi bị thiệt hại nhiều do dịch bệnh xảy ra.

Tác nhân gây bệnh quan trọng nhất trên cá rô phi nói chung, cá rô phi hồng nói riêng thường là vi khuẩn, vi rút hoặc protozoa, trong đó đáng chú ý nhất là vi khuẩn Streptococcus sp.

Định hướng trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản đặt ra kế hoạch phấn đấu đến năm 2015 diện tích thả nuôi cá rô phi cả nước đạt 21.000 ha với sản lượng 140.000 tấn, trong đó sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu 50.000 tấn và xuất khẩu 30.000 tấn.

Đến năm 2020, diện tích nuôi cá rô phi cả nước đạt 25.000 ha với sản lượng 200.000 tấn, trong đó sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu 100.000 tấn và sản lượng xuất khẩu 80.000 tấn.

Để đạt được kết quả này, các đại biểu tham dự hội thảo thống nhất, tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 1771/QĐ-BNNPTNT-TCTS ngày 27-7-2012 về Quy hoạch hệ thống nghiên cứu sản xuất và cung ứng giống thủy sản đến năm 2020.

Cụ thể, triển khai quy hoạch vùng sản xuất giống tập trung tại 3 miền, trong đó miền Bắc tập trung ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng nuôi thương phẩm trong các thủy vực nuôi nước ngọt nội địa và những vùng nước lợ ven biển nuôi tôm bị bỏ hoang tận dụng nuôi cá rô phi; miền Trung, tập trung tại Quảng Nam và những tỉnh có hồ chứa, ao đầm nước lợ nuôi tôm bị thoái hóa môi trường; miền Nam, tập trung sản xuất giống tại Tiền Giang và nuôi cá thương phẩm tại Cần Thơ.

Về phát triển giống cá rô phi, tập trung mọi nguồn lực nghiên cứu, phát triển đàn cá bố mẹ có chất lượng cao, đủ số lượng thay thế đàn cá bố mẹ không bảo đảm chất lượng hiện nay. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá rô phi của các viện nghiên cứu.

Có chính sách ưu đãi đầu tư công cho các tổ chức, cá nhân đi đầu trong công tác nghiên cứu, chọn tạo giống cá rô phi chất lượng cao. Về khoa học - công nghệ, ưu tiên nghiên cứu chọn giống, nhập vật liệu di truyền, xây dựng quy trình sản xuất giống nuôi thương phẩm đạt năng suất cao.

Ngoài ra, nhiều ý kiến tại hội thảo cũng đề nghị Nhà nước nên có những cơ chế, chính sách quy định ngành hàng cá rô phi là ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện để không lập lại những bất cập trong sản xuất và tiêu thụ như đối với con cá tra.

THÀNH CÔNG

Nhu cầu tiêu thụ cá rô phi trên thế giới tăng

Cá rô phi là loài nuôi phổ biến thứ 2 trên thế giới, sản lượng cá rô phi nuôi không ngừng tăng lên và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện nguồn cung cấp dinh dưỡng cho người nghèo. Hiện nay Trung Quốc có sản lượng cá rô phi đứng đầu thế giới (sau đó là Ai Cập, Indonesia, Thái Lan và Philipine) với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD/năm.

Hàng năm có khoảng 2,3 triệu tấn cá rô phi được sản xuất, trong đó 73% là cá nuôi. Phần lớn cá rô phi được nhập khẩu vào Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản. Thị trường nhập khẩu cá rô phi tại Hoa Kỳ năm 2013 đạt 1,1 tỷ USD, trong đó khoảng 1,01 tỷ USD từ Trung Quốc và một số nước Nam Mỹ. Trong vòng 10 năm trở lại đây, tình hình nuôi cá rô phi và nhu cầu tiêu thụ cá rô phi trên thế giới có tốc độ tăng trưởng từ 30 - 40%.

 

.
.
.