Thứ Sáu, 22/05/2015, 15:12 (GMT+7)
.

Định kiến giới dẫn đến mất cân bằng giới tính

Tiền Giang là một trong 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về mất cân bằng giới tính giữa nam và nữ trong nhóm trẻ sơ sinh. Chỉ số giới tính khi sinh của trẻ em Tiền Giang những năm gần đây dao động từ khoảng 110 đến 117 bé trai/100 bé gái. Đây là một trong những hậu quả của tình trạng bất bình đẳng giới.  

THÁCH THỨC TỪ ĐỊNH KIẾN

Mặc dù từ lâu xã hội đã coi trọng vai trò người phụ nữ và bình đẳng nam - nữ, nhưng tư tưởng trọng nam khinh nữ từ bao đời nay vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân.

Mọi trẻ em dù gái hay trai đều phải được đối xử công bằng và tử tế.
Mọi trẻ em dù gái hay trai đều phải được đối xử công bằng và tử tế.

Sắm vai người bị “vỡ kế hoạch” đến phòng khám sản của một bệnh viện, tôi lân la hỏi thăm những người “cùng cảnh” và biết Lê Thị Đ. (24 tuổi) ở huyện Cai Lậy đi phá thai vì lý do giới tính thai nhi. Đ. cho biết, đã có 1 con gái 3 tuổi nên muốn sinh con trai để “nối dõi tông đường” nhưng “không may” lần này lại là gái nữa. Đ. thở dài:

“Thật lòng em không muốn bỏ cái thai này đâu, nhưng bên chồng em chỉ có mình ảnh là con trai, ba mẹ chồng em ham cháu trai lắm. Chồng em lại đi làm việc, chỉ được sinh 2 con thôi. Biết em có bầu con gái ai cũng buồn. Mẹ chồng em khuyên bỏ đi rồi sinh đứa khác con trai. Em nói dối với bác sĩ là “bị vỡ kế hoạch” nhưng bác sĩ nói thai đã lớn, nếu bỏ đi sẽ nguy hiểm lắm”. Qua đó cho thấy, trong số hàng ngàn ca nạo phá thai trong toàn tỉnh hàng năm, dù không ai thừa nhận vì lý do lựa chọn giới tính nhưng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo truyền thống của người Việt Nam, con trai được coi là chỗ dựa tốt hơn về mặt tài chính cho cha mẹ khi về già; con gái lấy chồng sẽ không sống trong gia đình mình nữa, vì thế không thể thường xuyên phụng dưỡng cha mẹ. Con trai nối dõi tông đường, duy trì huyết thống gia đình, dòng tộc và có vai trò trong các nghi thức thờ cúng tổ tiên. Trong hoạt động sản xuất, con trai rất cần cho các công việc lao động nặng nhọc. Chính vì vậy gia đình nào cũng mong muốn sinh cho được con trai.

Luật pháp nghiêm cấm mọi hình thức lựa chọn giới tính thai nhi, nhưng nhiều người vẫn muốn và quyết tâm có con trai. Trong điều kiện tiến bộ của y học hiện nay, vấn đề sinh con trai hay con gái không còn quá khó khăn như trước đây. Ngay từ khi chưa mang thai, không ít cặp vợ chồng đã tìm đến bác sĩ nhờ tư vấn “làm cách nào, ăn uống ra sao để sinh được con trai”. Với kỹ thuật siêu âm hiện đại, giới tính thai nhi được phát hiện rất sớm. Nhiều cặp vợ chồng âm thầm tìm đến các cơ sở dịch vụ để xác định giới tính thai nhi và sẵn sàng phá bỏ khi thai nhi là gái. Từ đó xảy ra tình trạng thừa nam thiếu nữ.

Xét về yếu tố pháp lý, chính sách dân số có 1 - 2 con đã giải quyết tốt vấn đề về quy mô dân số, nhưng trong điều kiện phong tục tập quán trọng nam hơn nữ đã tạo sức ép lớn đến vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi (lựa chọn thai nhi nam). Việc cho phép nạo, phá thai một mặt tạo hành lang pháp lý giúp các cặp vợ chồng phá thai nhằm tránh sinh con ngoài ý muốn.

Mặt khác, lại tạo cơ hội để các cặp vợ chồng lợi dụng thực hiện lựa chọn giới tính thai nhi bằng cách loại bỏ thai nhi nữ. Trong khi đó, nội dung nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức nêu trong Pháp lệnh Dân số (năm 2003) chưa được người dân chấp hành đúng. Kết quả thực hiện các chính sách liên quan đến bình đẳng giữa trẻ em trai và trẻ em gái, giữa phụ nữ và nam giới còn hạn chế.

Người dân chưa thấy được hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh theo hướng thừa nam thiếu nữ sẽ gây hệ lụy nhiều mặt đối với đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung. Các văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định 114/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em) nghiêm cấm, xử phạt việc lựa chọn giới tính thai nhi chưa được người dân chấp hành tốt.

HỆ LỤY NẶNG NỀ CHO TƯƠNG LAI

Theo bà Guilmoto - chuyên gia của Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc (UNFPA) cho biết, Việt Nam là 1 trong số 14 nước khu vực châu Á nằm trong tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS). Điều này đã khiến sự “thiếu hụt” phụ nữ và trẻ em gái tăng từ 66 triệu vào năm 1950, ước tính tăng lên 117 triệu tại thời điểm hiện nay. Nếu không có sự can thiệp tích cực thì tỷ số GTKS của nước ta tiếp tục tăng lên khoảng 125 bé trai/100 bé gái vào năm 2020 và tiếp tục duy trì cho đến năm 2050.

Các chuyên gia quốc tế đã tính toán với tỷ số giới tính khi sinh như hiện nay thì đến năm 2020 nước ta có khoảng 700.000 đàn ông trong độ tuổi 15 - 49 “dư thừa” và đến năm 2050 là khoảng 3 triệu người. Theo dự báo lạc quan nhất thì cũng có tới hàng triệu đàn ông Việt Nam sẽ phải chịu đựng cuộc sống độc thân, đơn côi suốt đời, hậu quả về kinh tế, sức khỏe, tinh thần, an ninh và an sinh xã hội… chắc chắn sẽ nặng nề.

Mất cân bằng giới tính khi sinh không những không cải thiện vị thế của phụ nữ, mà thậm chí còn làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới. Nhiều phụ nữ có thể phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao. Tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, mại dâm gia tăng; phát sinh hôn nhân vụ lợi và tội phạm tình dục; bạo hành giới…

Sự gia tăng của mất cân bằng GTKS trong những năm qua, đặc biệt là 3 năm trở lại đây rất đáng lo ngại, về lâu dài sẽ tác động không tốt tới sự phát triển của đất nước. Đây là vấn đề thách thức cho toàn xã hội. Tỷ số GTKS bình thường là một trong những biểu hiện quan trọng để đánh giá mức tiến bộ của bình đẳng giới trong xã hội.

ĐI TÌM GIẢI PHÁP

Giải quyết vấn đề mất cân bằng GTKS là khó, nhưng không phải không làm được. Tất nhiên, để thực hiện có hiệu quả thì không thể một sớm một chiều và không thể bằng một biện pháp đơn lẻ nào, mà phải bằng sự lồng ghép của nhiều chương trình, nhiều cấp, nhiều ngành và kiên trì.

Giải pháp quan trọng là tuyên truyền vận động thay đổi hành vi của cộng đồng; đồng thời với việc tăng cường sự quản lý của Nhà nước bằng các biện pháp hành chính. Việc tăng cường cam kết về mặt chính trị phải được đặt lên hàng đầu. Giảm thiểu mất cân bằng GTKS là nhiệm vụ không chỉ riêng của ngành Y tế, ngành Dân số mà đây là nhiệm vu chung của cả hệ thống chính trị.

Một trong số các giải pháp hiện nay là đưa vấn đề giáo dục giới tính vào nhà trường, để các em có những nhìn nhận đúng đắn hơn về giới và bình đẳng giới. Cần thiết phải có sự tham gia của các đoàn thể, đặc biệt Đoàn Thanh niên phải có nhận thức đúng để tạo hạnh phúc cho thanh niên.

Giải pháp giáo dục gia đình về chức năng, trách nhiệm chung của cha mẹ vì lợi ích con cái, không phân biệt đối xử với con gái - con trai; truyền thông cho mọi đối tượng, trong đó tập trung vào những cặp vợ chồng trẻ, vợ chồng đã có 2 con một bề là con gái.

Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên, các nhà lãnh đạo cần làm gương chấp hành tốt trong gia đình mình, rồi dần thuyết phục, vận động người thân, dòng họ và mọi người dân trong cộng đồng làm theo.

Quan tâm chăm sóc, có chế độ an sinh tốt cho người cao tuổi cũng là một giải pháp góp phần không nhỏ vào việc hạn chế tình trạng bất bình đẳng giới. Vì khi đó nỗi lo “khi về già biết nhờ cậy ai?” được giải tỏa, người dân sẽ coi con gái cũng như con trai, tâm lý “trọng nam khinh nữ” sẽ dần được xóa bỏ..

HẠNH NGA

.
.
.