Thứ Hai, 14/09/2015, 15:08 (GMT+7)
.

Xây dựng văn hóa học đường: Vấn đề cấp bách hiện nay

Sáng 11-9, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với CLB Trí thức và Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Văn hóa học đường (VHHĐ) - mô hình và biện pháp xây dựng”.

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo.
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Tại hội thảo, nhiều tham luận và ý kiến nhận định về thực trạng VHHĐ hiện nay; đồng thời giới thiệu nhiều mô hình và đưa ra nhiều giải pháp xây dựng VHHĐ trong thời gian tới.

Hiện nay, một bộ phận học sinh, sinh viên (HS-SV) có những biểu hiện suy thoái về phẩm chất đạo đức, cụ thể như: Xem thường thầy cô, lêu lổng chơi bời, nói xấu người khác, dối trá, văng tục chửi thề, cãi vả với cha mẹ, vô lễ với thầy cô, xả rác bừa bãi, phá hoại môi trường, tiêu xài lãng phí, trộm cắp, đánh nhau, “sống thử” với người khác phái, xem thường pháp luật... Do đó, việc xây dựng VHHĐ là vấn đề cấp bách hiện nay nhằm định hướng lối sống trong lớp trẻ ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Ông Phạm Văn Khanh, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục tỉnh cho biết: “Mục tiêu chung nhất của VHHĐ là xây dựng trường học lành mạnh, các mối quan hệ thân thiện và chất lượng giáo dục thật. Trên cơ sở mục tiêu chung của ngành Giáo dục, mỗi trường học cần đề ra những mục tiêu, nội dung VHHĐ của trường mình.

Để làm được điều đó, mỗi nhà trường phải xem xét cụ thể hoàn cảnh, điều kiện của trường mình mà xây dựng những chuẩn mực, giá trị phù hợp, được các thành viên trong nhà trường cùng tham gia xây dựng với nhiều biện pháp tổ chức thực hiện.

Những chuẩn mực, giá trị VHHĐ phải tương hợp với các giá trị truyền thống, phong tục của địa phương, cộng đồng. VHHĐ ở mỗi nhà trường nhằm tạo niềm tin cho xã hội trong việc thực hiện chức năng giáo dục và sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần đào tạo, cung ứng cho xã hội những người công dân tốt…”.

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất VHHĐ có 4 nội dung lớn, đó là: VHHĐ là văn hóa môi trường, VHHĐ là văn hóa tổ chức, VHHĐ là văn hóa ứng xử và VHHĐ là văn hóa chất lượng.

Tổ chức cho học sinh dọn dẹp vệ sinh để bảo vệ môi trường cũng là cách để xây dựng văn hóa học đường.
Tổ chức cho học sinh dọn dẹp vệ sinh để bảo vệ môi trường cũng là cách để xây dựng văn hóa học đường.

Cô Nguyễn Thị Dân Quyền, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh chia sẻ việc xây dựng văn hóa ứng xử cho học sinh trường mình: “Nhà trường luôn đặt ra mục tiêu chuyển vốn học vấn thành vốn văn hóa và từ tri thức, kỹ năng sống sang thái độ, giá trị nhân cách thông qua việc dạy chữ - dạy nghề - dạy người”.

Trên cơ sở đó, nhà trường đã xây dựng Bộ quy tắc văn hóa ứng xử đối với học sinh, quy định cụ thể những việc nên làm và những việc không nên làm, thực hiện theo chủ đề hàng tuần, hàng tháng và đưa vào tiêu chí xét thi đua…”.

Hiện nay, tất cả các trường đều xây dựng VHHĐ, nhưng chỉ thực hiện ở một vài nội dung, chứ chưa thật sự toàn diện. Ngoài dạy chữ, các trường cần gắn việc giáo dục đạo đức văn hóa với đạo đức lối sống; lồng ghép chương trình giảng dạy với các hoạt động dã ngoại, tư vấn kỹ năng sống, tư vấn tâm lý học đường… cho HS-SV.

Thầy Nguyễn Quang Hưng, giáo viên Trường THPT Chuyên Tiền Giang cho rằng: “Trong xây dựng VHHĐ, 1 nội dung rất quan trọng đó là giáo dục văn hóa thẩm mỹ gắn với giáo dục nhân cách cho học sinh. Giáo dục văn hóa thẩm mỹ là tác nhân quan trọng, thông qua giáo dục nhân cách toàn diện bằng cái đẹp, bằng cách cho học sinh nhận biết, hiểu rõ, thưởng thức, đánh giá cái đẹp; biết sống và sáng tạo theo quy luật của cái đẹp.

Từ đó xây dựng nên những thế hệ con người nhạy bén, thích ứng trước những biến đổi nhanh chóng của cuộc sống, dám đương đầu với những thách thức, rủi ro, hoàn cảnh khó khăn và biết cảm thông, sẻ chia trước những số phận bất hạnh của con người…”.

Khi phải đối mặt với thực trạng học sinh có những hành vi thiếu văn hóa, thậm chí gây gổ, đánh nhau theo kiểu “xã hội đen”…, nhiều ý kiến cực đoan đã quy kết trách nhiệm cho ngành Giáo dục. Có người cho rằng giáo dục của ta theo khuôn mẫu, khô cứng, không gắn với thực tế, ngành Giáo dục không tìm được “triết lý giáo dục”...

Để khắc phục thực trạng này, nhiều đại biểu cho rằng: Để VHHĐ phát huy hiệu quả không chỉ riêng trách nhiệm của nhà trường, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và xã hội, trong đó gia đình có vai trò đồng hành; nhà trường có vai trò chỉ đường, dẫn lối; xã hội giữ vai trò giám sát.

Thầy Võ Văn Sơn, giảng viên Trường Đại học Tiền Giang nhấn mạnh: “Một môi trường VHHĐ được tạo dựng từ sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội sẽ có sức đề kháng với những “mầm bệnh”, loại trừ được những biểu hiện văn hóa không lành mạnh, góp phần xây dựng môi trường VHHĐ ngày càng hoàn thiện”.

VHHĐ là môi trường rất quan trọng để rèn luyện nhân cách, giúp thế hệ trẻ sống có hoài bão, có lý tưởng tốt đẹp; nếu học đường mà thiếu văn hóa thì không thể làm tốt chức năng chuyển tải những giá trị kiến thức và nhân văn cho thế hệ trẻ.

P. MAI (tổng hợp)

.
.
.